Home » Vay Tiêu Dùng » Bảo Hiểm Khoản Vay Là Gì? Có Bắt Buộc Không?

Bảo Hiểm Khoản Vay Là Gì? Có Bắt Buộc Không?

vay tiền avay

Bảo hiểm khoản vay là một sản phẩm bạn được nghe khi vay tín chấp và bạn đang thắc mắc rằng bảo hiểm khoản vay có bắt buộc phải mua không? Sau khi đọc bài viết này bạn sẽ biết được bảo hiểm khoản vay là gì, bảo hiểm khoản vay có bắt buộc không và cách tính bảo hiểm khoản vay như thế nào.

Bảo Hiểm Khoản Vay Là Gì?

Bảo hiểm khoản vay là một sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho gói vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng. Phí bảo hiểm khoản vay là số tiền mà người vay chi trả để mua bảo hiểm.

Hình thức vay tín chấp không có tài sản đảm bảo, do đó có rủi ro mất vốn cao, dẫn đến các tổ chức tín dụng sử dụng bảo hiểm khoản vay để bảo đảm an toàn cho số tiền mà mình cho vay.

Theo đó, khi bạn vay tín chấp tiêu dùng hoặc mua hàng trả góp, bạn sẽ được tư vấn mua một gói bảo hiểm tín dụng tương ứng với số tiền vay của mình.

Đối với vay thế chấp, bạn sẽ cần mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp, đối với vay tín chấp, bạn sẽ được tư vấn mua bảo hiểm tai nạn, sức khỏe cho bản thân mình.

Trong loại hình bảo hiểm này, Bên được bảo hiểm là người đi vay, Bên thụ hưởng là tổ chức tín dụng nơi bạn vay tiền. Ví dụ, bạn vay tiêu dùng của FE Credit thì bạn là người được bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra khiến bạn mất khả năng thanh toán thì công ty bảo hiểm sẽ thay bạn chi trả tiền nợ cho bên thụ hưởng là công ty tài chính FE Credit.

Sản phẩm này thường được gọi bằng một số cái tên khác như BH rủi ro khoản vay, BH rủi ro tín dụng, BH dư nợ tín dụng cá nhân. Lưu ý rằng đây là BH rủi ro tín dụng chứ không phải BH nhân thọ bạn nhé!

Bảo Hiểm Khoản Vay Có Lợi Ích Gì?

Bảo hiểm khoản vay có 2 lợi ích chính là:

  • Bên công ty bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả một phần hoặc toàn phần số tiền còn nợ thay cho người vay trong các trường hợp rủi ro gây mất khả năng thanh toán như: tai nạn, thương tật, bệnh tật, tử vong, mất tích,… Từ đó giảm gánh nặng tài chính cho bên vay.
  • Giúp bảo đảm khả năng thu hồi vốn cho tổ chức tín dụng, từ đó kiểm soát được chất lượng tín dụng.

Xem thêm: 

Các Gói Vay Tín Chấp Tiêu Dùng Uy Tín Và Hấp Dẫn Hiện Nay

Cách Tính Lãi Suất Vay Ngân Hàng Theo Tháng Đơn Giản

Phí Bảo Hiểm Khoản Vay Bao Nhiêu Phần Trăm?

Phí bảo hiểm khoản vay thường sẽ là 5.5% giá trị của gói vay và phụ thuộc vào chính sách của các tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ. Phí bảo hiểm khoản vay = Số tiền vay * 5.5%.

Thời hạn bảo hiểm thường sẽ bằng với kỳ hạn của gói vay tiêu dùng. Ví dụ bạn vay trong kỳ hạn 36 tháng thì thời hạn bảo hiểm sẽ bằng 36 tháng, nếu bạn vay trong 60 tháng thì thời hạn BH sẽ là 60 tháng.

Bạn có thể chi trả tiền phí một lần hoặc chia ra thành các đợt thanh toán khác nhau tương ứng với từng giai đoạn trong suốt kỳ hạn (tức Thanh toán định kỳ). Điều này phụ thuộc vào chính sách cũng như thỏa thuận giữa bạn và tổ chức tín dụng.

Hầu hết các tổ chức tín dụng đều có triển khai sản phẩm bảo hiểm tín dụng, ngoại trừ một số ngân hàng lớn không triển khai sản phẩm này, tuy nhiên điều kiện cho vay thường sẽ khó hơn một chút so với một số tổ chức khác.

Ví dụ về cách phí tính bảo hiểm khoản vay:

Giả sử bạn vay tiêu dùng Mirae Asset số tiền là 30 triệu đồng, thì phí bảo hiểm tín dụng sẽ bằng 5.5% * 30 triệu = 1.650.000 VNĐ. Nếu bạn vay 100 triệu VNĐ, phí bảo hiểm sẽ là 5.5% * 100 triệu = 5.5 triệu VNĐ.

Tùy theo chính sách của từng tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ mà phí bảo hiểm sẽ được trừ đi hoặc cộng thêm vào số tiền vay.

Trường hợp cộng thêm: Ví dụ như bạn vay 100 triệu đồng thì bạn có thể nhận đủ 100 triệu và trong hợp đồng tín dụng sẽ ghi nhận là bạn vay số tiền 105.5 triệu VNĐ.

Trường hợp trừ bớt đi: Ví dụ như bạn vay 100 triệu đồng thì bạn sẽ cần trích ra số tiền 5.5 triệu để đóng phí bảo hiểm và bạn thực nhận số tiền là 94.5 triệu VNĐ. Trên hợp đồng tín dụng sẽ ghi nhận bạn vay 100 triệu đồng.

Cách Tính Bảo Hiểm Khoản Vay

Số tiền bảo hiểm sẽ bằng đúng dư nợ khoản vay (DNKV) hoặc một phần DNKV theo thỏa thuận ban đầu giữa bạn và Công ty bảo hiểm.

DNKV là số tiền bạn đang còn nợ và tiền lãi phát sinh, nếu có, do Tổ chức tín dụng hoặc do bạn thông báo với công ty bảo hiểm để xác định số tiền chi trả tại từng thời điểm.

Bạn chính là Bên mua BH, trong thực tế, nếu bạn đồng ý mua thì các tổ chức tín dụng sẽ thay mặt bạn làm việc với công ty BH.

Nếu bạn đóng phí theo định kỳ thì DNKV sẽ là dư nợ gốc còn lại và khoản lãi phát sinh trong kỳ (nếu có) tính từ thời điểm đóng lãi gần nhất.

Nếu bạn đóng phí một lần thì DNKV sẽ là tổng dư nợ gốc cùng với khoản lãi phát sinh, nếu có.

Số tiền Bảo hiểm sẽ được chi trả trong các trường hợp Bên được bảo hiểm gặp phải rủi ro về sức khỏe, tính mạng dẫn đến mất khả năng thanh toán. Ví dụ như bệnh tật, tai nạn, thương tật, tử vong,…

  • Nếu số tiền chi trả nhỏ hơn hoặc bằng dư nợ thì toàn bộ số tiền này sẽ được chi trả cho tổ chức tín dụng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho bên vay.
  • Nếu số tiền chi trả lớn hơn dư nợ thì công ty bảo hiểm sẽ ưu tiên chi trả cho Tổ chức tín dụng trước, phần tiền chênh lệch còn lại sẽ được chi trả cho người đi vay, hoặc người thừa kế hợp pháp của người đi vay.

Bảo Hiểm Khoản Vay Có Bắt Buộc Không?

Câu trả lời là Không. Khi vay tín chấp thì không bắt buộc phải mua bảo hiểm khoản vay. Việc có mua hay không là hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện và do thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với người đi vay. Điều này đã được quy định rõ bởi Ngân hàng Nhà nước.

Trong thực tế có một số trường hợp mà nhân viên tín dụng không nắm rõ sản phẩm hoặc tư vấn không rõ ràng khiến cho người vay hiểu nhầm là phải mua bảo hiểm. Những lúc như thế này bạn hoàn toàn có thể phản bác lại hoặc phản ánh với tổ chức tín dụng nếu bị nhân viên tín dụng ép mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó cũng có trường hợp mà nhân viên tín dụng cố tình lờ đi không tư vấn hoặc “vốn đã không có nhưng nói là có”. Vì vậy, khi đi vay bạn hãy hỏi rõ ràng về vấn đề này để tránh những thiệt thòi không đáng có.

Có Nên Mua BH Khoản Vay Không?

Tuy việc mua bảo hiểm khoản vay là không bắt buộc nhưng bạn luôn được khuyến khích mua sản phẩm này. Lí do là vì những lợi ích mà sản phẩm này mang lại cho cả người đi vay và tổ chức cho vay.

Khi đi vay tín chấp, bạn sẽ được khuyên nên mua bảo hiểm tín dụng, lúc này bạn có thể mua hoặc không mua tùy theo mong muốn của mình. Nếu mua, bạn nên hỏi chi tiết về mức phí, quyền lợi bảo hiểm cũng những điều khoản mà mình chưa hiểu trước khi đồng ý mua.

  • Đừng bỏ lỡ: 

Tổng Hợp 5 Phương Thức Hoàn Trả Nợ Vay Ngân Hàng (Từ A – Z)

Savy TPbank Là Gì? Có Nên Gửi Tiết Kiệm Savy?

Kết Luận

Rõ ràng rằng đây là một sản phẩm rất có ý nghĩa với cả người đi vay và tổ chức tín dụng. Nhờ có sản phẩm này mà người đi vay có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo được khả năng thu hồi vốn vay của mình.

Mong rằng sau bài viết này bạn đã biết bảo hiểm khoản vay là gì, bảo hiểm khoản vay có bắt buộc không và bạn đã biết cách tính bảo hiểm khoản vay để có thể áp dụng dễ dàng vào công việc của mình hoặc khi bạn đi vay tín chấp ngân hàng. Chúc bạn thành công!

Photo of author

Kẻ Khù Khờ

"Ta đi theo bóng mặt trời từ hạ tới hay đông dần qua, khi những đam mê còn nồng cháy thì chặng đường đó sẽ không hề xa" - Đen