Home » Chứng Khoán » Hướng Dẫn Cách Đọc Bảng Giá Chứng Khoán Dễ Dàng, Nhanh Chóng

Hướng Dẫn Cách Đọc Bảng Giá Chứng Khoán Dễ Dàng, Nhanh Chóng

vay tiền avay

Đọc bảng giá chứng khoán là việc làm cần thiết sau khi chúng ta mở tài khoản chứng khoán. Bởi việc đọc bảng giá chứng khoán sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát về tình hình thị trường, từ đó góp phần ra quyết định đầu tư hợp lý. Bài viết sau sẽ chia sẻ với bạn một số nội dung như Bảng giá chứng khoán là gì? Cách đọc bảng giá chứng khoán thông qua bảng giá chứng khoán VNDirect, các sắc màu của thị trường, mối quan hệ giữa giá trần, giá sàn, giá tham thiếu; những phương thức giao dịch chứng khoán, cùng với các khung giờ giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

Bảng Giá Chứng Khoán Là Gì?

Bảng giá chứng khoán là một bảng dữ liệu điện tử cập nhật và thống kê những thông tin về chỉ số chứng khoán, mã chứng khoán, các mức giá niêm yết, khối lượng giao dịch của từng loại chứng khoán theo từng thời điểm nhất định, qua đó giúp nhà đầu tư nắm bắt được tình hình của từng loại chứng khoán nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.

Bảng giá chứng khoán sẽ được thiết kế và công bố bởi Sở GDCK và các Công ty chứng khoán.

Hiện nay tại Việt Nam có 3 Sở Giao dịch chứng khoán là Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở GDCK Tp.HCM và Sở GDCK Hà Nội.

Sở GDCK Tp.HCM sẽ quản lý sàn HoSE, Sở GDCK Hà nội sẽ quản lý 2 sàn là HNX và UpCom.

Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE sẽ lớn hơn giá trị giao dịch của 2 sàn HNX và UpCom, vì trên sàn HoSE có quy định chặt chẽ hơn, tiêu chuẩn niêm yết cao hơn nên tập trung nhiều công ty lớn, quy mô lớn hơn và thu hút nhiều nhà đầu tư giao dịch hơn.

Hướng Dẫn Cách Đọc Bảng Giá Chứng Khoán

cách xem bảng giá chứng khoán

Trước khi đọc bảng giá chứng khoán, chúng ta hãy tìm hiểu các màu sắc khác nhau của thị trường.

Màu đỏ: thể hiện giá giảm, là mức giá lớn hơn giá sàn và thấp hơn Giá tham chiếu.

Màu xanh lá: thể hiện giá tăng, là mức giá cao hơn Giá tham chiếu và thấp hơn giá trần.

Màu vàng: thể hiện giá “đứng im” không tăng không giảm, và bằng với giá tham chiếu.

Màu xanh dương: thể hiện giá giảm xuống bằng giá sàn.

Màu tím: thể hiện giá tăng lên bằng giá trần.

Các công ty chứng khoán sẽ mua dữ liệu từ sở GDCK để thiết kế nên Bảng giá chứng khoán của riêng mình và cung cấp cho khách hàng.

Tùy mỗi công ty chứng khoán khác nhau sẽ có một bảng giá chứng khoán khác nhau, nhưng nhìn chung thì tất cả các bảng giá chứng khoán đều có những thành phần chính như nhau.

Bạn có thể tham khảo bảng giá của 2 Sở GD và một số công ty dưới đây:

Bảng giá chứng khoán của Sở GDCK Hà Nội

Bảng giá chứng khoán của Sở GDCK Tp.HCM

Bảng giá chứng khoán của Công ty VNDirect

Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách đọc bảng giá chứng khoán VNDirect, các bảng giá khác chúng ta có thể áp dụng tương tự.

cách đọc bảng giá chứng khoán
Hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán

Trên bảng giá chứng khoán của công ty chứng khoán VN-Direct chúng ta thấy các phần như sau:

I. Phần trên cùng, là phần thông tin và các chỉ số thị trường.

Ở phần này chúng ta có các biểu đồ tương ứng với các chỉ số thị trường chứng khoán khác nhau.

Ví dụ, biểu đồ đầu tiên là biểu đồ thể hiện chỉ số VN-INDEX

cách đọc bảng giá chứng khoán

– Trên biểu đồ, ta thấy chỉ số VN-INDEX màu đỏ, giảm 40.46 điểm xuống 1,227.82 điểm (tương ứng 3.19%) so với mức tham chiếu.

– Khối lượng cổ phiếu đã giao dịch là 770.372.883 đơn vị (770,3 triệu), tổng giá trị giao dịch là 20.663,39 tỷ đồng.

– Trong đó, có 80 mã cổ phiếu tăng giá (trong đó có 7 mã tăng lên mức giá trần), 30 cổ phiếu “đứng im” – bằng mức giá tham chiếu365 cổ phiếu giảm giá (trong đó có 58 mã giảm xuống mức giá sàn)

– Thị trường đang trong trạng thái Đóng cửa.

Tương tự cho các chỉ số còn lại, gồm có:

Chỉ số VN-Index: là chỉ số phản ánh xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu được niêm yết tại sàn HoSE.

Chỉ số VN30-Index: là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất (80% tổng giá trị vốn hóa thị trường và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường).

Chỉ số VNX AllShare: là chỉ số chung thể hiện sự biến động của tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên cả 2 Sàn HoSE và HNX.

Chỉ số HNX-Index: là chỉ số phản ánh xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu được niêm yết trên sàn HNX.

Chỉ số HNX30-Index:  chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên sàn HNX có giá trị vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất.

– Chỉ Số UPCOM: là chỉ số phản ánh xu hướng biến động giá của tất cả các cổ phiếu trên thị trường UPCOM (Các công ty đại chúng chưa được niêm yết).

II. Phần Tùy Chọn. 

cách đọc bảng giá chứng khoán VN Direct

Phần nằm trên đường kẻ màu vàng, tại đây bạn có thể:

– Chọn mã chứng khoán mình quan tâm bằng cách gõ tên mã chứng khoán vào ô “Nhập mã chứng khoán

Bảng giá và Cơ Bản, mục này cung cấp những thông tin về từng mã chứng khoán như mức giá, khối lượng giao dịch, ngành nghề, các hệ số ROA, ROE, EPS, P/E, …

– Nếu bạn có một danh mục đầu tư hãy chọn phần Danh mục để tạo lập một danh mục cho mình

– Tiếp theo đó là các sàn HoSE, HNX, UpCom, bạn quan tâm hoặc muốn giao dịch trên sàn nào hãy click chuột chọn sàn đó.

– Cuối cùng là các tài sản như Cổ phiếu giá trị, Chứng khoán phái sinh, chứng quyền. Bạn quan tâm hoặc muốn giao dịch loại tài sản nào thì hãy chọn mục tài sản đó.

III. Bảng Giá Chi Tiết

Hướng dẫn đọc bảng giá chứng khoán VNDirect

Trên Bảng giá, theo thứ tự từ trái qua phải chúng ta có các cột như sau:

– Cột Mã CK là cột mã chứng khoán, thể hiện Mã chứng khoán của các tổ chức phát hành, thường được đặt theo tên viết tắt và sắp xếp theo thứ tự từ A-Z.

Ví dụ mã chứng khoán của công ty cổ phần tập đoàn FLC là FLC.

Bạn quan tâm mã CK nào chỉ cần kích chuột vào tên mã CK đó, lập tức sẽ xuất hiện một bảng thống kê chi tiết thông tin, biểu đồ cùng các chỉ số và lịch sử giao dịch của mã đó.

– Cột TC – Cột màu vàng, là cột giá tham chiếu, thể hiện mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó (Đối với sàn UpCom, giá tham chiếu là giá bình quân gia quyền của giá giao dịch khớp lệnh liên tục của ngày giao dịch gần nhất trước đó).

Giá tham chiếu là cơ sở để xác định mức giá trần, giá sàn của ngày giao dịch hiện tại.

– Cột Trần – Cột màu tím, là mức giá trần, thể hiện mức giá cao nhất của phiên giao dịch trong ngày mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua bán

– Cột Sàn – Cột xanh dương, là mức giá sàn, thể hiện mức giá thấp nhất trong phiên giao dịch mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua bán

cách tính giá tham chiếu

Tại sàn HoSE, HNX và UpCom, giá chứng khoán sẽ có biên độ giao động tương ứng là 7%, 10% và 15% so với giá tham chiếu.

Nhà đầu tư chỉ có thể đặt lệnh mua bán tại các mức giá nằm trong giới hạn của biên độ giao động nếu không sẽ không thể giao dịch vì không khớp lệnh.

– Cột Tổng KL: Cột này thể hiện tổng khối lượng Cổ phiếu được giao dịch trong một ngày.

– Bên mua. Cột này thể hiện mức giá mua cao nhất và khối lượng mua tương ứng ở một thời điểm.

Các lệnh mua ở các cột được ưu tiên thực hiện theo thứ tự từ cột 1 đến cột 2 và sau cùng là cột 3. Tức ưu tiên từ mức giá cao đến mức giá thấp.

Vì cột này thể hiện mức giá và khối lượng mà nhà đầu tư sẵn sàng mua nhưng vẫn chưa có ai bán nên trong một số Bảng giá chứng khoán khác còn có tên là Dư Mua hay Chờ Mua

– Khớp lệnh là cột thể hiện các thông tin về cổ phiếu sau khi khớp lệnh gồm 3 cột là giá, khối lượng tương ứng và mức độ tăng giảm so với mức giá tham chiếu ở cột TC

+ Cột Giá: Mức giá khớp lệnh trong phiên giao dịch hoặc cuối ngày

+ Cột KL : Khối lượng cổ phiếu giao dịch tương ứng với mức giá ở trên

+ Cột +/- : thể hiện mức độ tăng/giảm giá so với Giá tham chiếu

– Bên Bán. Cột này thể hiện mức giá bán ở mức thấp nhất và khối lượng được bán tương ứng.

Các lệnh bán được ưu tiên thực hiện theo thứ tự từ cột 1 đến cột 2 và sau cùng cột 3. Tức ưu tiên từ mức giá thấp đến mức giá cao.

Vì cột này thể hiện mức giá và khối lượng mà nhà đầu tư sẵn sàng bán nhưng vẫn chưa có ai mua nên trong một số Bảng giá chứng khoán khác còn có tên là Dư Bán hay Chờ Bán.

– Cột giá bao gồm 3 cột cao, trung bình và thấp thể hiện mức giá cao nhất, thấp nhất và trung bình kể từ khi bắt đầu phiên giao dịch đến thời điểm hiện tại.

– Cột Dư

+ Nếu trong phiên khớp lệnh liên tục: Cột Dư muaDư bán thể hiện khối lượng cổ phiếu đang chờ giao dịch (Chờ mua, Chờ bán).

+ Nếu đã kết thúc ngày giao dịch: Cột Dư mua, Dư bán thể hiện khối lượng cổ phiếu không được thực hiện giao dịch trong ngày.

– Cột ĐTNN (Đầu Tư Nước Ngoài)

+ ĐTNN mua: Thể hiện khối lượng cổ phiếu được đặt mua từ nhà ĐTNN

+ ĐTNN bán: Thể hiện khối lượng cố phiếu được đặt bán từ nhà ĐTNN

Ngoài ra trên một số Bảng giá còn có cột Room thể hiện khối lượng cổ phần mà nhà ĐTNN đang nắm giữ.

Xem thêm: T+3 Chứng Khoán Và Kinh Nghiệm Đầu Tư T3 Hiệu Quả

Khớp Lệnh Và Các Phương Thức Giao Dịch Chứng Khoán

Trên thị trường chứng khoán, khớp lệnh được hiểu là việc lệnh của các bên mua và bên bán được so khớp với nhau để thực hiện giao dịch sao cho phù hợp với nguyên tắc ưu tiên khớp lệnh của thị trường.

(1) Nguyên tắc ưu tiên khớp lệnh chứng khoán cơ bản

Ưu tiên về giá: Lệnh mua sẽ được ưu tiên thực hiện trước với mức giá cao hơn còn lệnh bán sẽ được ưu tiên thực hiện trước với mức giá thấp hơn.

Ưu tiên về thời gian: Nếu các lệnh có cùng mức giá thì lệnh nào được đưa lên hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

(2) Các Phương Thức Giao Dịch Chứng Khoán

Khớp lệnh định kỳ: Là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở các lệnh mua và lệnh bán được so khớp với nhau tại một thời điểm xác định.

Phương thức này giúp nhà đầu tư tìm ra mức giá cân bằng của thị trường.

Khớp lệnh liên tục: Là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán được so khớp với nhau ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống.

Phương thức này giúp các nhà đầu tư xác định được mức giá tức thời của thị trường.

– Khớp lệnh thỏa thuận (Giao dịch thỏa thuận): Là phương thức giao dịch mà trong đó các nhà đầu tư tự thoả thuận với nhau về các điều kiện giao dịch và được đại diện giao dịch của công ty chứng khoán nhập thông tin vào hệ thống giao dịch để ghi nhận và thực hiện.

Khung Giờ Giao Dịch Chứng Khoán Việt Nam

– Khung giờ giao dịch chứng khoán trên Sàn HoSE

Loại Chứng KhoánPhương Thức Giao DịchGiờ Giao Dịch
Cổ phiếu

Chứng chỉ quỹ đóng

Chứng chỉ ETF

Khớp lệnh định kỳ mở cửa ATO và thỏa thuận09h00 – 09h15
Khớp lệnh liên tục I và thỏa thuận9h15 – 11h30
Nghỉ giữa phiên11h30 – 13h00
Khớp lệnh liên tục II và thỏa thuận13h00 – 14h30
Khớp lệnh định kỳ đóng cửa ATC và thỏa thuận14h30 – 14h45
Giao dịch thỏa thuận14h45 – 15h00
Trái phiếuGiao dịch thỏa thuận09h00- 11h30
Nghỉ giữa phiên11h30 – 13h00
Giao dịch thỏa thuận13h00 – 15h00

– Khung giờ giao dịch chứng khoán trên Sàn HNX

Phương Thức Giao DịchGiờ Giao Dịch
Khớp lệnh liên tục I và thỏa thuận09h00 – 11h30
Nghỉ giữa phiên11h30 – 13h00
Khớp lệnh liên tục II và thỏa thuận13h00 – 14h30
Khớp lệnh định kỳ đóng cửa ATC và thỏa thuận14h30 – 14h45
Giao dịch thỏa thuận14h45 – 15h00

Lưu Ý: Lệnh vẫn có giá trị trong thời gian nghỉ giữa phiên.

Đánh Giá Sơ Bộ Thị Trường Thông Qua Đọc Bảng Giá Chứng Khoán

hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán

Nhìn chung, khi đọc các chỉ số chứng khoán trên bảng giá, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sơ bộ như:

– Nếu điểm số thị trường tăng đồng thời số lượng mã CK tăng giá lấn át đi số lượng mã CK giảm giá, thị trường có xu hướng đi lên, các nhà đầu tư có thể an tâm đầu tư.

– Nếu điểm số thị trường giảm đồng thời số lượng mã CK giảm giá lấn át đi số lượng mã Ck tăng giá, thị trường có xu hướng đi xuống, nhà đầu tư nên hạn chế đầu tư.

– Nếu điểm số thị trường tăng nhưng số lượng mã CK tăng giá ít và số lượng mã CK giảm giá nhiều thì nguyên nhân có thể là do sự tăng giá của một số mã CK có vốn hóa lớn trên thị trường.

Thị trường lúc này chưa thật sự tốt, nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi vội vàng đầu tư.

Xem thêm:

Chứng Chỉ Quỹ Là Gì ? So Sánh Cổ Phiếu Và Chứng Chỉ Quỹ

Quỹ Mở Là Gì? 8 Kinh Nghiệm Đầu Tư Vào Quỹ Mở Sao Cho Hiệu Quả

Kết Luận

Việc đọc bảng giá chứng khoán tốt chưa chắc đã giúp chúng ta có quyết định đầu tư khôn ngoan, nhưng để có quyết định đầu tư đúng đắn thì chúng ta cần phải đọc bảng giá chứng khoán.

Hy vọng rằng, sau bài viết này, bạn đã nắm được cách đọc bảng giá chứng khoán mỗi khi giao dịch, các loại giá trần, giá sàn và giá tham chiếu của chứng khoán, các phương thức giao dịch cùng thời gian giao dịch chứng khoán trên 2 sàn HNX & HoSE.

Chúc bạn thành công!

Photo of author

Kẻ Khù Khờ

"Ta đi theo bóng mặt trời từ hạ tới hay đông dần qua, khi những đam mê còn nồng cháy thì chặng đường đó sẽ không hề xa" - Đen