Hàm IPMT là một hàm tài chính quan trọng trong Excel mà chúng ta thường gặp trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính. Nếu bạn cần tính toán số tiền lãi cho khoản vay trả theo kỳ khoản cố định thì IPMT sẽ một hàm bạn cần tìm tới. Bài viết sau sẽ chia sẻ với bạn ý nghĩa, cú pháp hàm IPMT, một số bài tập và lưu ý khi dùng hàm IPMT trong Excel.
Hàm IPMT Là Gì?
Hàm IPMT là một hàm tài chính trong Excel được dùng để tính số tiền lãi phải trả của một kỳ bất kỳ khi khoản vay ngân hàng được trả theo kỳ khoản cố định, với một lãi suất cố định.
“IPMT” là dạng viết tắt của cụm từ “Interest Part Of The Payment” nghĩa là Phần tiền lãi của khoản thanh toán.
Nếu Hàm PMT tính khoản phải trả gồm tiền gốc + tiền lãi và Hàm PPMT tính toán khoản tiền gốc phải trả thì hàm IPMT tính toán số tiền lãi phải trả cho khoản vay.
Một cách tượng trưng chúng ta có thể viết là: PMT = PPMT + IPMT
Lưu ý: Khoản vay phải được trả theo phương thức Kỳ khoản cố định và lãi suất cố định thì chúng ta mới dùng hàm IPMT được bạn nhé. Bạn có thể xem các phương thức trả nợ vay ngân hàng tại Bài viết này.
Khi trả theo phương thức kỳ khoản cố định thì số tiền phải trả hàng tháng (Tính bằng hàm PMT) sẽ cố định bằng một con số không đổi, số tiền gốc phải trả (tính bằng hàm PPMT) sẽ tăng dần, số tiền lãi phải trả hàng tháng (Tính bằng IPMT) sẽ giảm dần cho đến hết kỳ trả nợ.
Cách Dùng Hàm Tài Chính IPMT Trong Excel
Hàm IPMT có cú pháp như sau: =IPMT(Rate, Per, Nper, PV, [FV], [Type])
Trong đó:
– Rate là lãi suất theo kỳ hạn. Đây là đối số bắt buộc phải có trong công thức.
– Per là một kỳ thanh toán bất kỳ, Per phải lớn hơn hoặc bằng 1 và nhỏ hơn hoặc bằng Nper. Đây là đối số bắt buộc trong hàm.
1 =< Per =< Nper
– Nper là tổng số kỳ hạn thanh toán cho một dòng tiền. Đây là đối số bắt buộc phải có trong công thức.
– PV là giá trị hiện tại hay giá trị khoản vay. Trong bài toán tính khoản phải trả khi vay vốn thì đây là đối số bắt buộc phải có trong cú pháp.
– FV là giá trị tương lai hoặc số dư tiền mặt bạn muốn đạt được sau khi thực hiện khoản thanh toán cuối cùng. Nếu FV được bỏ qua, thì Excel sẽ mặc định FV = 0 và bạn phải đưa vào đối số PV.
– Type được dùng để thể hiện hình thức thanh toán là đầu kỳ hay cuối kỳ. Nếu thanh toán vào đầu kỳ thì Type = 1, nếu thanh toán vào cuối kỳ thì type = 0. Nếu type được bỏ qua thì mặc định Type = 0.
Một Số Lưu ý Khi Sử Dụng Hàm IPMT
(1) Bạn hãy đảm bảo tính thống nhất trong việc sử dụng đơn vị của Nper và Rate, tức là tính theo tháng, hay quý, hay năm.
Nếu Rate có đơn vị là tháng thì Nper cũng có đơn vị là tháng, nếu Rate có đơn vị là năm thì Nper cũng có đơn vị là năm,…
Ví dụ, nếu Rate là a%/năm thì Nper được tính là b năm chứ không thể là b tháng được,…
(2) Về dấu của các đối số trong hàm IPMT, nếu tiền “chảy vào túi” bạn thì bạn hãy nhập số dương, nếu tiền “ra khỏi túi” bạn thì bạn hãy nhâp số âm.
(3) Để Hàm có nghĩa thì bắt buộc phải có 1 trong 2 đối số PV hoặc FV hoặc cả 2 đối số đó.
(4) Với lãi suất thì chúng ta có thể nhập ở 2 dạng là dạng phần trăm hoặc dạng thập phân. Ví dụ như lãi suất là 3 phần trăm thì chúng ta có thể nhập là 1% hoặc 0.01.
Xem thêm: Hàm PV Là Gì? Cách Dùng Hàm PV Trong Excel Và Bài Tập
Một Số Bài Tập Hàm IPMT
– Bài Tập 1:
Bạn vay ngân hàng 100 triệu đồng trong 5 năm với lãi suất là 20%/năm và hoàn trả theo phương thức kỳ khoản cố định. Hỏi số tiền lãi bạn phải thanh toán cho ngân hàng vào tháng thứ 3? (Bỏ qua bảo hiểm rủi ro khoản vay).
Lời giải:
Ta có:
+ Rate = 20%/12
+ Per = 3
+ Nper = 5*12 = 60 tháng.
+ PV = 100 triệu. Đây là số tiền bạn vay ban đầu.
+ FV = 0. Vì sau 5 năm bạn trả hết nợ, số dư nợ trong tương lai của bạn = 0.
+ Type = 0. Vì thông thường, khi vay vốn ngân hàng chúng ta sẽ trả nợ vào cuối kỳ.
Ta có công thức hàm IPMT như sau:
= IPMT(20%/12, 3, 60, 100000, 0, 0) hoặc
= IPMT(20%/12, 3, 60, 100000). Kết quả là IPMT = 1.633.636 (đồng)
Bạn có thể tính toán tương tự cho kỳ “Per” bất kỳ với 1 =< Per =< 60 tháng
– Bài Tập 2:
Ngân hàng cho bạn vay 60 triệu đồng trong 36 tháng với lãi suất 18%/năm và trả theo phương thức kỳ khoản cố định. Hỏi số tiền lãi mà ngân hàng nhận được vào kỳ thứ 30? (Bỏ qua bảo hiểm rủi ro khoản vay).
Lời giải:
Ta có:
+ Rate = 18%/12
+ Per =30
+ Nper =36 tháng.
+ PV = 60 triệu đồng.
+ FV =0
+ Type = 0
Ta có công thức hàm IPMT là:
= IPMT(18%/12, 30, 36, 60000, 0, 0) hoặc
= IPMT(18%/12, 30, 36, 60000). Kết quả IPMT = 214.687 đồng.
Đừng bỏ lỡ: Hàm FV Trong Excel, Cú Pháp, Cách Dùng Hàm Và Một Số Bài Tập
Kết Luận
Hàm IPMT là một hàm tài chính thông dung trong Excel, đặc biệt là có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, tín dụng – ngân hàng. Nhờ có hàm IPMT mà chúng ta có thể dễ dàng tính toán được khoản tiền lãi phải trả cho một kỳ bất kỳ, từ đó giải quyết được sự phức tạp khi tính tay.
Mong rằng sau bài viết này bạn đã biết được hàm IPMT là gì và cách sử dụng hàm tài chính IPMT trong Excel để ứng dụng vào việc học tập và làm việc của mình.
Chúc bạn thành công.