Home » Hàm Tài Chính » Hàm Nper Là Hàm Gì? Chức Năng, Cách Dùng Hàm Nper Trong Excel

Hàm Nper Là Hàm Gì? Chức Năng, Cách Dùng Hàm Nper Trong Excel

vay tiền avay

Bạn đang tìm hiểu Hàm Nper là hàm gì? Chức năng của hàm Nper là gì và Cách dùng hàm Nper trong Excel? Bài viết sau sẽ chia sẻ với bạn những thông tin trên. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có một số lưu ý khi sử dụng hàm tài chính Nper, cú pháp hàm Nper và 03 dạng bài tập hàm Nper thông dụng.

Hàm Nper Là Gì?

Hàm Nper là một hàm tài chính trong Excel dùng để tính số kỳ thanh toán cần thiết của một khoản đầu tư (hoặc khoản vay) dựa trên cơ sở là các khoản thanh toán định kỳ bằng nhau và lãi suất không đổi.

“Nper” là viết tắt của từ “Number of Period” nghĩa là số chu kỳ hay số kỳ hạn.

Chức năng của Hàm Nper là:

+ Tính số kỳ trả nợ cần thiết tương ứng với khả năng trả nợ hiện tại của mình.

+ Tính số kỳ cần thiết để gửi tiết kiệm sao cho đạt mục tiêu tài chính trong tương lai.

+ Tính khoảng thời gian cần thiết để đạt số tiền mong muốn sau khi đầu tư một khoản tiền ở hiện tại.

*Lưu ý:

Hàm Nper chỉ sử dụng được trong trường hợp khoản vay (hay đầu tư) được thanh toán định kỳ bằng nhau với lãi suất không đổi.

Xem thêm:  Hàm PMT Trong Excel Là Gì? Cách Dùng Hàm PMT Và Bài Tập Chi Tiết

Cú Pháp Hàm Tài Chính Nper

Hàm Nper trong Excel có cú pháp là: = Nper(Rate, Pmt, PV, [FV], [Type])

cú pháp hàm nper trong excel
Công thức Hàm Nper

Trong đó:

Rate là lãi suất theo kỳ hạn. Đây là đối số bắt buộc phải có trong công thức hàm Nper. Ví dụ lãi suất là 10%/năm, 15%/năm, 2%/tháng,…

PMT là khoản thanh toán cho mỗi kỳ. PMT luôn không đổi và là đối số bắt buộc trong hàm Nper. Nếu là khoản thanh toán cho khoản vay thì PMT chỉ bao gồm tiền gốc và tiền lãi mà không bao gồm các khoản thuế, chi phí khác.

PV là giá trị hiện tại hay giá trị khoản vay. Trong bài toán tính khoản phải trả khi vay vốn thì đây là đối số bắt buộc phải có trong cú pháp hàm Nper. Nếu PV được bỏ qua thì bạn phải đưa vào hàm Nper đối số FV.

FV là giá trị tương lai hoặc số dư tiền mặt bạn muốn đạt được sau khi thực hiện khoản thanh toán cuối cùng, tức khoản PMT cuối cùng. Nếu FV được bỏ qua, thì Excel sẽ mặc định FV = 0 và bạn phải đưa vào đối số PV.

Type được dùng để thể hiện hình thức thanh toán khoản PMT là vào đầu kỳ hay cuối kỳ. Nếu thanh toán vào đầu kỳ thì Type = 1, nếu thanh toán vào cuối kỳ thì type = 0. Nếu type được bỏ qua thì Excel sẽ mặc định Type = 0.

05 Lưu ý Khi Sử Dụng Hàm Nper

(1) Bạn hãy đảm bảo tính thống nhất trong việc sử dụng đơn vị của Rate và Pmt, tức là tính theo tháng, hay quý, hay năm.

Nếu bạn tính lãi suất (Rate) theo năm thì Pmt phải là “khoản thanh toán theo năm” và ngược lại, nếu Pmt theo tháng thì Rate cũng phải tính theo tháng. Ví dụ như lãi suất là a%/năm thì Pmt sẽ là b triệu đồng/năm chứ không thể là b triệu đồng/tháng.

  • Để Hàm Nper có nghĩa thì bắt buộc phải có 1 trong 2 đối số PV hoặc FV hoặc có cả 2.
  • Với các đối số thể hiện “lượng tiền bạc” trong hàm Nper, nếu tiền “chảy ra khỏi túi” bạn thì bạn hãy để dấu âm, nếu tiền “chảy vào túi” bạn, bạn hãy để dấu dương phía trước đối số.

Ví dụ như gửi tiết kiệm hàng tháng một khoản bằng nhau PMT = 100 ngàn đồng thì chúng ta sẽ nhập là “-100”.

(4) Khi nhập lãi suất, chúng ta có thể nhập dưới dạng phần trăm hoặc sử dụng số thập phân. Ví dụ với lãi suất là 12 phần trăm thì bạn có thể nhập là 12% hoặc 0.12. Nếu chúng ta nhập 0.12% thì kết quả Excel trả về sẽ không còn chính xác.

(5) Trong quá trình tính toán chúng ta sẽ thường xuyên gặp trường hợp là hàm Nper trả về số thập phân. Để đưa kết quả hàm Nper từ số thập phân về số nguyên, chúng ta dùng hàm Roundup ngay tại ô tính toán.

Hàm Roundup có cú pháp như sau: = Roundup(Number, Num_Digits)

Trong đó:

+ Number là số cần làm tròn, trong trường hợp này chính là kết quả của hàm Nper.

+ Num_Digits là vị trí chữ số mà bạn muốn làm tròn tới. Chúng ta sẽ thiết lập Num_Digits = 0 để làm tròn Nper thành số nguyên.

Cụ thể:

= Roundup(Nper, 0)

= Roundup(Nper(Rate, Pmt, PV, [FV], [Type]), 0).

Xem thêm: Hàm IPMT Là Gì? Cách Dùng Hàm IPMT Trong Excel

03 Dạng Bài Tập Hàm Nper

Phần này sẽ chia sẻ một số ví dụ và bài tập để hướng dẫn bạn cách dùng hàm Nper trong Excel.

– Trường Hợp 1: Khi FV = 0

Bài Tập 1:

Bạn vay ngân hàng 80 triệu đồng với lãi suất là 18%/năm. Hàng tháng bạn có thể trích ra từ lương một khoản tối đa 2.350.000 đồng để trả nợ. Hỏi bạn cần một khoảng thời gian ít nhất là bao lâu để trả hết khoản vay. Giả thiết là bảo hiểm rủi ro khoản vay bằng 0.

Lời giải:

bài tập hàm tài chính nper
Bài tập Hàm Nper

Ta có:

+ Rate. Vì lãi suất theo năm mà khoản phải trả theo tháng nên chúng ta cần đưa lãi suất về theo tháng. Lúc này Rate = 18%/12

+ PMT = 2.350.000 đồng. PMT là khoản thanh toán đều đặn hàng tháng, sẽ mang dấu âm vì số tiền “đi ra khỏi” túi bạn.

+ PV = 80 triệu đồng. Đây là số tiền bạn vay ban đầu.

+ FV = 0. Vì bạn sẽ trả hết số nợ này.

+ Type = 0. Vì thông thường khi vay ngân hàng chúng ta sẽ trả nợ vào cuối mỗi kỳ.

Ta có cú pháp hàm Nper như sau:

= Nper(18%/12, -2350, 80000, 0, 0) hoặc

= Nper(18%/12, -2350, 80000). Kết quả là Nper = 47,999 tháng, tức chúng ta cần ít nhất 48 tháng (4 năm) để trả hết khoản nợ 80 triệu đồng.

Bạn có thể thiết lập hàm Roundup để làm tròn Nper như sau:

= Roundup(Nper(18%/12, -2350, 80000, 0, 0), 0) hoặc

= Roundup(Nper(18%/12, -2350, 80000), 0), Kết quả sẽ được tự động làm tròn thành 48 tháng.

Bài Tập 2:

Đầu tháng bạn gửi vào ngân hàng 100 triệu đồng. Sau đó vào cuối mỗi tháng bạn rút ra 5 triệu để chi tiêu cho tháng sau. Hỏi bạn cần tối đa bao lâu để tiêu hết số tiền có trong tài khoản? Biết lãi suất tiền gửi là 10%/năm và bỏ qua lạm phát.

Lời giải:

Ta có:

+ Rate = 10%/12.

+ PMT = 5 triệu đồng. PMT mang dấu dương vì số tiền này “chảy vào túi” bạn.

+ PV = 100 triệu đồng, là khoản đầu tư ban đầu, PV mang dấu âm vì số tiền này “chảy ra khỏi” túi bạn.

+ FV = 0. Vì bạn sẽ tiêu hết số tiền này.

+ Type = 0. Vì bạn rút tiền vào cuối tháng.

Ta có công thức hàm Nper như sau:

= Nper(10%/12, 5000, – 100000, 0, 0) hoặc

= Nper(10%/12, 5000, – 100000). Kết quả Nper = 22 tháng.

Xem thêmHàm IRR Là gì? Cách Tính IRR Trong Excel Nhanh Chóng

– Trường Hợp 2: Khi PV = 0

Bài Tập 3:

Bạn cần tiết kiệm 500 triệu để mở một quán cafe. Mỗi đầu tháng, sau khi nhận lương bạn có thể trích ra một số tiền là 3 triệu đồng để gửi ngân hàng. Biết lãi suất gửi tiết kiệm là 9%/năm. Hỏi sau bao lâu bạn sẽ đủ tiền để mở quán cafe? (Bỏ qua lạm phát).

Lời giải:

Ta có:

+ Rate = 9%/12

+ PMT = 3 triệu đồng, mang dấu âm vì số tiền này “rời khỏi túi” bạn.

+ PV = 0. Vì bạn không có khoản đầu tư ban đầu.

+ FV = 500 triệu. Đây là số tiền bạn muốn có trong tương lai.

+ Type = 1. Vì bạn sẽ gửi 3 triệu vào đầu mỗi tháng.

Ta có hàm Nper như sau:

= Nper(9%/12, -3000, 0, 500000, 1) hoặc

= Nper(9%/12, -3000,, 500000, 1). Kết quả là Nper = 108 tháng tương đương với 9 năm.

– Trường Hợp 3: Tính Nper khi PV và FV đều khác 0

Bài Tập 4:

Đầu tháng bạn gửi vào ngân hàng 300 triệu. Sau đó, vào mỗi đầu tháng, bạn gửi 4 triệu đồng. Lãi suất tiền gửi là 8%/năm. Hỏi sau bao lâu bạn có 600 triệu trong tài khoản.

Lời giải:

ví dụ hàm tài chính nper

Ta có:

+ Rate = 8%/12.

+ PMT = 4 triệu đồng. PMT mang dấu âm vì số tiền này “đi ra khỏi túi” bạn.

+ PV = 300 triệu đồng. Đây là khoản đầu tư ban đầu, mang dấu âm vì số tiền này “đi ra khỏi túi” bạn.

+ FV = 600 triệu. Đây là số tiền bạn sẽ nhận được trong tương lai.

+ Type = 1. Vì bạn gửi tiền vao đầu mỗi tháng.

Ta có công thức hàm Nper như sau:

= Nper(8%/12, -4000, -300000, 600000, 1). Kết quả Nper = 44 tháng, tức chúng ta cần khoảng 3 năm 8 tháng để có 600 triệu trong tài khoản.

Bài Tập 5:

Đầu tháng bạn gửi vào ngân hàng 500 triệu đồng. Sau đó, vào đầu mỗi tháng sau, bạn rút ra 5 triệu đồng để chi tiêu. Lãi suất gửi ngân hàng là 7%/năm. Hỏi sau bao lâu thì tài khoản của bạn còn lại 100 triệu?

Lời giải:

cách sử dụng hàm nper
Cách sử dụng Hàm Nper

Ta có:

+ Rate = 7%/12.

+ PMT = 5 triệu, mang dấu dương vì bạn rút số tiền này “về túi” của mình.

+ PV = 500 triệu. Đây là số tiền đầu tư ban đầu, mang dấu âm vì số tiền này “chảy ra khỏi” túi bạn.

FV = 100 triệu. Đây là số tiền bạn nhận được trong tương lai.

+ Type = 1. Vì bạn rút tiền vào đầu tháng.

Ta có công thức hàm Nper như sau:

= Nper(7%/12, 5000, -500000, 100000, 1). Kết quả Nper = 128 tháng, tương đương với 10 năm 8 tháng.

Có thể bạn sẽ cần: 

Hàm FV Trong Excel, Cú Pháp, Cách Dùng Hàm Và Một Số Bài Tập

Hàm PV Là Gì? Cách Dùng Hàm PV Trong Excel Và Bài Tập

Hàm PPMT Là Gì? Cách Dùng Hàm Tài Chính PPMT Trong Excel

Kết Luận

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong hàm Nper trong Excel. Đây là một hàm quan trọng không thể thiếu trong lĩnh vực tài chính.

Mong rằng sau bài viết này, bạn đã biết Hàm Nper là gì? Chức năng và công thức hàm Nper cũng như cách sử dụng hàm tài chính Nper để tính số kỳ thanh toán cần thiết.

Chúc bạn thành công.

Photo of author

Kẻ Khù Khờ

"Ta đi theo bóng mặt trời từ hạ tới hay đông dần qua, khi những đam mê còn nồng cháy thì chặng đường đó sẽ không hề xa" - Đen