Thu nhập thụ động, hay kiếm tiền thụ động là một chủ đề nổi bật đã dành được sự quan tâm đặc biệt từ chúng ta, đặc biệt là những ai muốn biết cách tạo thu nhập thụ động để được tự do tài chính. Sau khi nuốt từng từ từng chữ trong bài viết sau, bạn sẽ nắm rõ được những điều như: Thu nhập thụ động là gì?, có các hình thức thu nhập nào hiện nay? Có thật sự là không cần làm gì mà vẫn có thu nhập không? Bản chất thật sự của thu nhập thụ động là gì? Quy trình 05 bước tạo thu nhập thụ động. Cuối cùng, bạn sẽ hình dung được chính xác những gì mình cần làm để tạo ra thu nhập thụ động, từ đó bắt đầu đi trên con đường tự do tài chính!
Thu Nhập Thụ Động Là Gì?
Bạn thử tưởng tượng xem, sẽ thế nào nếu,
Bạn đang đi du lịch trên Đà Lạt mộng mơ cùng với người yêu của mình thì ngân hàng nhắn tin báo tài khoản của bạn tăng 10 triệu đồng.
Bạn đang ngủ say giấc thì điện thoại của bạn báo tin nhắn ầm ĩ rằng tài khoản của bạn tăng 8 triệu đồng
Bạn đang khám bệnh thì điện thoại của bạn lại “tinh…tinh” báo tài khoản của bạn tăng 10 triệu đồng..
Cứ như thế,
Bạn chẳng cần làm gì cả,
Bạn có thể đi du lịch đây đó, làm mọi việc bạn thích, đi đến nơi mình muốn, khi bạn ngủ, bạn lười, bạn chán, bạn thất nghiệp, hay thậm chí bạn ốm đau thì bạn vẫn có tiền chảy về túi mình.
Những nguồn thu nhập như vậy được gọi là Thu nhập thụ động (Passive Income).
Vì vậy,
Nếu xét trên góc độ “Kết quả”, trên “Bề mặt của tảng băng trôi” hay “Hiện tượng được nhìn thấy” thì chúng ta có thể nói
Thu nhập thụ động (Passive Income) là nguồn thu nhập mặc định chắc chắn bạn sẽ nhận được dù bạn không cần làm việc hoặc làm việc rất ít.
Khái niệm trên chúng ta có thể tạm thời chấp nhận
Bởi vì đây chỉ là bề nổi của Thu Nhập Thụ Động, còn bản chất của TNTĐ thì sẽ khác.
Nhưng trước khi tìm hiểu bản chất thật sự của thu nhập thụ động là gì chúng ta hãy cùng xem sự khác nhau giữa 2 loại thụ nhập chủ động và Thụ động.
7 Điều Khác Biệt Giữa Thu Nhập Thụ Động Và Thu Nhập Chủ Động
Dựa trên khái niệm Kim Tứ Đồ, Chúng ta hãy cùng nhau vẽ nên một “Bức tranh lao động”, bức tranh này thường có 4 thành phần chính là:
- Người Làm Công
Chúng ta thức dậy vào 6h sáng, 7h sáng đi làm, sau một khoảng thời gian lạc trôi trong dòng người ùn tắc và hít thở no nê bụi đường thì 8h chúng ta đến công ty làm việc.
Khi làm việc, chúng ta thường “phải lắng nghe lệnh” của sếp, dù đúng hay sai, dù muốn hay không.
Nếu chúng ta làm tốt, chúng ta có thể sẽ được nhận “bánh gato” từ một số cá nhân “nhiệt tình”, nếu chúng ta làm không tốt, thì khó tránh khỏi chán nản hoặc sự xem thường.
Ngoài ra, tùy ngành nghề, chúng ta còn có thể phải chạy dealine như bị Tào Tháo đuổi.
- Người Tự Doanh
Là khi bạn làm chủ quán cafe, chủ nhà hàng, quán ăn, chủ doanh nghiệp (kiêm luôn việc điều hành),… và xắn tay vào Làm Chung với nhân viên của mình.
- Nhà Điều Hành
Lúc này bạn là người “dưới 1 người trên muôn vạn người”
Ví dụ như, quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng, CEO của một công ty,… ở vị trí này bạn thường có mức thu nhập rất lớn.
Cả 3 loại hình lao động trên đều có một đặc điểm chung là: Chúng ta còn làm việc thì còn có thu nhập, nếu chúng ta không làm thì không có thu nhập, được gọi là Thu nhập chủ động.
- Ông Chủ/Nhà Đầu Tư
Lúc này bạn có thể là chủ của công ty, chủ quán cafe, chủ quán ăn, chủ nhà cho thuê, người sở hữu bản quyền trí tuệ, người nắm giữ cổ phiếu, nhạc sĩ, giáo viên sở hữu bài giảng online, chủ kênh Youtube, v.v…
Và bạn thuê người khác về điều hành (Nhà điều hành) công việc cho mình, còn bạn thì có thể “lang thang đây đó” hoặc đi làm việc mình thích mà không phụ thuộc vào bất cứ ai.
Việc phân chia này chỉ mang tính tương đối vì trên thực tế có nhiều cá nhân cùng một lúc có thể ở trong 2, 3 hoặc cả 4 loại hình này.
Bảng dưới đây tóm tắt 7 điều khác nhau giữa 2 loại hình thu nhập cũng như lợi ích cụ thể của thu nhập thụ động
Rõ ràng rằng, khi so sánh với thu nhập CĐ thì thu nhập TĐ mang lại cho chúng ta không ít lợi ích như
– Tự do về thời gian, ý chí, tự do tinh thần, tự do thể chất
– Không tốn nhiều công sức và thời gian để làm việc
– Có nhiều thời gian để thoải mái làm điều việc mình thích, đến nơi mình muốn
– Không phải lo lắng về tài chính
Xem thêm: Kim Tứ Đồ Chỉ Là Vô Nghĩa Nếu Bạn Không Phát Hiện Ra Điều Này!
Bản Chất Thật Của Thu Nhập Thụ Động
Khi nói về Thu nhập thụ động thường có 2 câu hỏi đặt ra là:
- Chúng ta chỉ ngồi không nhận tiền chứ không tạo ra giá trị của cải cho xã hội?
- Có thật sự ko cần làm việc mà vẫn có thu nhập không?
Sự thật thì ko phải vậy!
Bởi vì, tiền là thước đo giá trị, nếu chúng ta muốn nhận thu nhập thì chúng ta cần tạo ra giá trị.
Và khi chúng ta nhận được TNTĐ tức là chúng ta đã tạo ra giá trị cho xã hội.
Không những làm ra giá trị mà chúng ta còn làm nhiều nữa là đằng khác.
Ví dụ như,
Bạn có 2 tỷ đồng, bạn xây hoặc mua 1 dãy trọ và cho thuê. Từ đó, hàng tháng đều có 1 dòng tiền thụ động chảy vào túi bạn mà bạn không cần phải làm gì.
Vấn đề là 2 tỷ đó chúng ta lấy ở đâu ra?
Câu trả lời là do bạn làm ra trước đó, bạn miệt mài bỏ nhiều công sức, thời gian kiếm tiền và cả tiết kiệm nữa để có 2 tỷ.
Khoảng thời gian trước đó bạn đã tạo ra rất nhiều giá trị và được trả công bằng 2 tỷ.
Tức là chúng ta có lao động chứ, có làm nhiều chứ, nhưng là làm trong quá khứ và được trả công ở hiện tại.
Nếu bạn là một giáo viên, trước đó 1 năm bạn xây dựng một khóa học online và đăng lên nền tảng học online.
Thì trong 1 năm đó, khi có người theo học, bạn sẽ được trả tiền, đó là dòng tiền thụ động dù tính đến hiện tại bạn đang có làm hay không.
Dòng tiền đó trả cho quá trình bạn bỏ công sức, kiến thức, kỹ năng của mình ra để xây dựng bài giảng trong quá khứ.
Tương tự, nếu bạn là lập trình viên với 1 ứng dụng điện thoại, nhạc sĩ với 1 bài hát, chủ doanh nghiệp với những sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra, chủ kênh Youtube với những video chất lượng, v.v…
Khi sức lao động, chất xám, thời gian, tiền bạc của chúng ta tích lũy đủ một lượng nhất định ở hiện tại thì thu nhập thụ động sẽ xuất hiện.
Vậy nên, xét trên góc độ bản chất hay quá trình hình thành của thu nhập thụ động thì chúng ta có thể định nghĩa:
Thu nhập thụ động là nguồn thu nhập được tạo ra dựa trên sản phẩm của một Quá trình Lao động đã được Tích Lũy lâu dài trước đó.
Giá trị chúng ta tạo ra cho mọi người càng lớn, hàm lượng chất xám, mồ hôi, kỹ năng, thái độ càng cao,… thì mức thu nhập thụ động của chúng ta càng cao.
Từ đây chúng ta có thể dễ dàng thấy, nếu muốn có thu nhập thụ động, chúng ta chỉ cần tạo ra một sản phẩm có một số đặc điểm như:
– Sản phẩm có sự tích lũy của sức lao động: cơ bắp, chất xám, tinh thần, thời gian, tiền bạc, kiến thức, kỹ năng,…
– Sản phẩm của chúng ta mang lại giá trị lợi ích cho xã hội
– Sản phẩm có thể tồn tại theo thời gian
– Sản phẩm có thể được sử dụng (lại) nhiều lần bởi nhiều người.
Ví dụ như: Bài hát hay, Bài giảng online, Video hướng dẫn, Nhà cho thuê, Xe cho thuê, Ứng dụng điện thoại, Website, Blog cá nhân, Thương hiệu – hình ảnh cá nhân, Sách giấy, Ebook, Phát minh khoa học, hay đơn giản là Tiền mặt gửi ngân hàng, v.v…
Trường Hợp Đặc Biệt Của Thu Nhập Thụ Động
Như bạn đã biết, thông thường, để có thể tạo ra thu nhập thụ động thì đòi hỏi chúng ta phải làm việc kiên trì, thường xuyên để tích lũy sức lao động vào một sản phẩm.
Nhưng cũng có một số trường hợp ngay từ đầu không cần tích lũy sức lao động nhưng vẫn có thể tạo ra thu nhập thụ động, ví dụ như:
– May mắn trúng xổ số 2 tỷ, sau đó gửi ngân hàng.
– Nhận tiền thừa kế từ cha mẹ và gửi ngân hàng nhận lãi hoặc gửi vào quỹ đầu tư.
Lúc này, số tiền có để gửi ngân hàng tạo ra TNTĐ đó là nhờ trúng số chứ chưa phải nhờ lao động.
Nhưng thực tế thì hiếm có ai trúng số và không phải ai sinh ra cũng được giàu sang
Nên nhìn chung đại đa số chúng ta phải tích lũy sức lao động rất nhiều để có thể có TNTĐ.
05 Đặc Điểm Lớn Của Thu Nhập Thụ Động
Từ những phân tích trên chúng ta có thể thấy rõ ràng thu nhập thụ động có những đặc điểm sau:
– Là sản phẩm của một quá trình lao động lâu dài trước đó.
Ví dụ như ứng dụng trên điện thoại, bài giảng online, video youtube, bài hát,…
– Không vững vàng 100%.
Thu Nhập Thụ Động phụ thuộc vào vòng đời của sản phẩm và xu thế thị trường nên cần update thường xuyên.
Ví dụ như, sau 3 năm kiến thức bài giảng của bạn trở nên lạc hậu, bạn cần update lại và bổ sung kiến thức mới.
Bạn cần sản xuất thêm nhiều video youtube nữa để tránh sự nhàm chán và làm mới cho kênh của mình.
Căn nhà bạn cho thuê được 3 năm, 5 năm,… thì cần sửa sang lại cho mới hơn đẹp hơn thì mới có thể cho thuê tiếp.
– Thường có rủi ro đối với một số kênh thu nhập từ đầu tư.
Ví dụ, bạn kiếm thu nhập thu nhập thụ động bằng cách đầu tư chứng khoán thì sẽ xuất hiện rủi ro thua lỗ.
– Có thể có nhiều nguồn thu nhập thụ động cùng một lúc
Ví dụ, bạn vừa là chủ kênh Youtube, vừa là chủ nhà cho thuê.
– Đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại và phải nâng cao năng lực liên tục.
Để có được sản phẩm và có năng lực để tạo ra sản phẩm thì chúng ta cần tích lũy nhiều sức lao động, kiến thức, kinh nghiệm, thời gian, tiền bạc.
Cách Tạo Thu Nhập Thụ Động Với 5 Bước
Đến đây, chắc hẳn bạn đã hình dung ra quy trình để tạo ra thu nhập thụ động cho bản thân mình rồi.
Nếu “bức tranh” TNTĐ của bạn chưa rõ ràng thì bạn thử tham khảo qua các bước dưới đây nhé
Bước 1: Đánh Giá Nguồn Lực Bản Thân.
Ở bước này, chúng ta sẽ tự xem xét và đánh giá nguồn lực, khả năng của chúng ta ở hiện tại là gì.
Đây là bước nền tảng để bạn có thể lựa chọn cách tạo TNTĐ phù hợp.
Ví dụ như:
– Tiền bạc thì chúng ta có bao nhiêu? Ví dụ như bạn đang có 2 tỷ.
– Kiến thức thì chúng ta có những kiến thức về lĩnh vực gì, mức độ am hiểu là hời hợt hay chuyên sâu? Ví dụ như bạn chỉ biết sơ sơ về chứng khoán nhưng lại rất am hiểu về bất động sản.
– Các mối quan hệ xã hội của chúng ta thế nào? Ví dụ như bạn có nhiều bạn bè bên ngành bất động sản, không có bạn bè bên lĩnh vực chứng khoán.
Bước 2: Xác Lập Mục Tiêu
Ở bước này, chúng ta sẽ xác định mục tiêu cụ thể cho bản thân mình dựa trên mong muốn của bản thân và nguồn lực có sẵn ở bước 1.
Bạn hãy xác lập mục tiêu phù hợp và tương xứng với khả năng hiện tại của mình.
Ví dụ như, bạn có 2 tỷ và mong muốn mình có TNTĐ khoảng 20 triệu/tháng, 200 triệu/tháng,… Đây là mục tiêu khả thi.
Nếu bạn đang có 2 tỷ và có mục tiêu là thu nhập thụ động 2 tỷ/tháng thì đây là mục tiêu khó khăn (hoặc có thể là “trên trời”)
Bước 3: Chọn Kênh Thích Hợp
Bước này chúng ta sẽ lựa chọn kênh tạo thu nhâp cho mình.
Bạn hãy lưu ý rằng kênh mình chọn cần thích hợp và tương xứng với nguồn lực và mục tiêu đã có ở 2 bước trên.
Ví dụ, nếu bạn có 2 tỷ. Bạn mong muốn có mức thu nhập khoảng 20 triệu/tháng đều đặn.
Bạn am hiểu về lĩnh vực cho thuê nhà và không am hiểu về thị trường chứng khoán.
Lúc này bạn nên chọn kênh là cho thuê bất động sản, và không nên tự mình đầu tư chứng khoán.
Ví dụ như bạn lấy 2 tỷ để xây hoặc mua dãy trọ gồm 10 phòng, mỗi phòng có giá thuê từ 2 triệu/tháng.
Trong tương lai, bạn sẽ có dòng tiền 20 triệu mỗi tháng, và số tiền chênh lệch nếu bạn bán lại dãy trọ đó.
Bước 4: Lên Kế Hoạch Và Thực Hiện
Sau khi chọn được kênh thích hợp thì chúng ta xắn tay áo lên và lao vào làm thôi!
Ở bước này thì tùy thuộc vào lĩnh vực bạn làm mà chúng ta có cách thực hiện khác nhau.
Bước 5: Kiểm Tra, Update
Khi đã có TNTĐ rồi thì bước tiếp theo là chúng ta thường xuyên kiểm tra, update để đảm bảo nguồn thu nhập được bền vững.
Ví dụ như trên khi bạn cho thuê nhà thì sau một khoảng thời gian cho thuê, bạn cần bảo trì, sơn sửa lại ngôi nhà, các phòng cho mới hơn tiện nghi hơn.
Nếu bạn xây dựng bài giảng online hay viết blog thì nên thay kiến thức cũ bằng kiến thức mới hơn, làm mới lại bài viết, blog của mình chứ không bỏ hoang.
Nếu bạn tạo kênh Youtube thì chúng ta cần up thêm video mới để làm mới kênh và bắt kịp xu hướng của người dùng.
V.v…
Các Kênh “Màu Mỡ” Tạo Thu Nhập Thụ Động
Đến bước này chắc bạn đã hình dung ra thế nào là Thu nhập thụ động và hình dung được quá trình tạo TNTĐ rồi.
Phần này sẽ chia sẻ với bạn các kênh cụ thể có thể làm ngay để chúng ta cùng tạo ra TNTĐ cho mình.
– Xây Dựng Thu Nhập Thụ Động Bằng Cách Viết Blog Kiếm Tiền
– Kiếm TNTĐ Bằng Cách Tạo Kênh Youtube, Tiktok, Trở thành người có ảnh hưởng trên MXH.
– Kiếm TNTĐ Bằng Cách Bán Các Sản Phẩm Số
– Kiếm TNTĐ Bằng Cách Tạo Khóa Học Online
– Kiếm TNTĐ Bằng Cách Gửi Tiết Kiệm
– Kiếm TNTĐ Từ Chứng Khoán (Cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ, trái phiếu)
– Kiếm TNTĐ Từ Việc Cho Thuê Tài Sản như: Cho thuê các phương tiện đi lại, cho thuê đất đai, nhà cửa, căn hộ, phòng trọ, kho bãi, v.v…
– [Cập Nhật]
Tôi Nên Chọn Kênh Nào Để Tạo Thu Nhập?
Thật khó để trả lời câu hỏi này, vì mỗi người mỗi khác.
Việc chọn kênh thu nhập thụ động nào còn phụ thuộc vào mục tiêu của bạn, năng lực, sở trường, đam mê của bạn và cả hoàn cảnh hiện tại của bạn nữa…
Ví dụ như,
– Bạn đang có rất nhiều tiền và chưa biết làm gì cả thì bạn có thể gửi ngân hàng.
– Bạn có 5 năm kinh nghiệm kế toán – kiểm toán, bạn có thể lập 1 website hay blog cá nhân về kế toán – kiểm toán, hoặc thành lập công ty cung cấp dịch vụ kế toán – kiểm toán.
– Nếu bạn đam mê nấu ăn và tự tin vào khả năng nấu ăn của mình, bạn có thể viết blog chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, hoặc tạo kênh Youtube hướng dẫn nấu ăn hoặc cả 2
– Nếu bạn có là “thánh” dựng và chế biến video thì đừng ngần ngại lập 1 kênh Youtube có những nội dung hài hước mang lại tiếng cười.
– Nếu bạn lập trình giỏi thì bạn có thể phát triển ứng dụng điện thoại và bán trên các chợ ứng dụng, như Googleplay chẳng hạn,…
– Nếu bạn là giáo viên hay có kinh nghiệm trong 1 lĩnh vực nào đó, bạn có thể xây dựng bài giảng online, video hướng dẫn.
– Nếu bạn tưởng tượng tốt, mê say những cuộc tình mùi mẫn và bạn có thể viết những câu chữ “đi vào lòng người” thì bạn có thể thử viết tiểu thuyết ngôn tình
– Nếu bạn có kinh nghiệm và am hiểu về bất động sản, và đủ vốn đầu tư thì bạn có thể mua bán hay cho thuê bất động sản.
– V.v…
Trên đây chỉ là những góp ý nhỏ, bạn có thể tham khảo và quyết định cho mình nhé.
Hãy Lưu Ý: Xin Đừng Nhầm Lẫn!
Mặc dù thu nhập thụ động có thể giúp chúng ta giàu có về thời gian, tự do về thể chất, tinh thần và không cần làm việc nhưng vẫn có thu nhập ở hiện tại,
Nhưng TNTĐ chưa chắc đã giúp chúng ta giàu có.
Vì giàu có còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như Mức Thu Nhập, Tiết Kiệm, Chi Tiêu, Đầu Tư, Mức Độ ổn định của thu nhập,…
Ví dụ, nếu bạn có mức thu nhập duy nhất là thu nhập thụ động 10 triệu/tháng thì bạn không giàu bằng vị giám đốc có lương 50 triệu/tháng.
Bên cạnh đó, không phải bất cứ người giàu nào cũng có TNTĐ và tự do tài chính.
Người giàu hơn chưa chắc đã tự do về thời gian, thể chất, tinh thần bằng người ít giàu hơn.
Ví dụ như vị giám đốc trên, nếu anh ta có một nguồn thu nhập duy nhất từ lương 50 triệu/tháng thì anh ta không có tự do về thời gian, thể chất, tinh thần bằng bạn, vì anh ta không có TNTĐ và phải chịu gò bó làm việc 8h/ngày ở công ty.
Giàu có, Thu nhập thụ động và Tự do tài chính có liên quan đến nhau nhưng không đồng nhất với nhau. Để tìm hiểu về mối quan hệ giữa Giàu có, Tự do tài chính và TNTĐ, mời bạn tham khảo qua Bài viết này.
Nên Chọn Thu Nhập Chủ Động Hay Thụ Động?
Bài viết chỉ chia sẻ sự khác biệt giữa TNTĐ và TNCĐ chứ không áp đặt chúng ta phải chọn hình thức thu nhập nào.
Bởi vì, việc lựa chọn hình thức thu nhập nào phụ thuộc nhiều yếu tố như: Hoàn cảnh hiện tại của cá nhân, năng lực cá nhân, quan điểm sống, sở thích và mong muốn của mỗi người.
Trên thực tế có nhiều người vừa có TNTĐ vừa có TNCĐ. Có cá nhân vừa làm chủ vừa làm công,…
Nên việc chọn lựa sẽ do mỗi người chúng ta quyết định.
Nhưng chẳng phải sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thu nhập thụ động?
Bởi vì TNTĐ sẽ giúp chúng ta tự chủ về tài chính hơn và tự do hơn rất nhiều!
Đây sẽ là chiếc phao cứu sinh cho chúng ta mỗi khi thu nhập chủ động bị đứt đoạn bất ngờ, là nền tảng để chúng ta đạt được tự do tài chính.
Đừng bỏ lỡ
- Top 3 Phương Pháp Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Kinh Điển
- Tài Sản Và Tiêu Sản Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Tài Sản Và Tiêu Sản
Kết Luận
Rõ ràng Thu Nhập Thụ Động là một phần quan trọng nên có trong cuộc sống của chúng ta, không những giúp chúng ta tự do hơn mà về lâu dài sẽ góp sức để chúng ta đi trên con đường giàu có.
Hy vọng sau bài viết này, bạn đã hiểu rõ Thu nhập thụ động là gì? Có các hình thức thu nhập nào hiện nay? Bản chất thật sự của TNTĐ, Cách tạo thu nhập thụ động với 5 bước để có thể bắt đầu trên con đường tự do tài chính.
Chúc bạn thành công!