Hàm Rate là một hàm tính lãi suất trong Excel giúp cho việc tính toán của chúng ta được dễ dàng, nhanh chóng hơn. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu hàm Rate là gì, cách sử dụng hàm Rate trong Excel, công thức của hàm Rate và một số lưu ý khi sử dụng hàm tài chính này. Cuối cùng chúng ta sẽ đến với một số ví dụ, bài tập về hàm Rate thường gặp.
Hàm Rate Là Gì?
Hàm Rate là một hàm tài chính trong Excel được dùng để tính lãi suất định kỳ của một dòng tiền đều cố định.
Dòng tiền đều này còn được gọi là niên kim. Mỗi một dòng tiền đều sẽ tương ứng với một niên kim nhất định.
Dòng tiền đều thường xuất hiện trong một số trường hợp là:
– Các Khoản vay ngân hàng được trả theo phương thức Kỳ khoản cố định. Tức các khoản phải trả hàng tháng là bằng nhau và không đổi trong suốt kỳ hạn vay. Để tìm hiểu về các phương thức hoàn trả nợ ngân hàng, mời bạn xem tại bài viết này.
– Các khoản đầu tư, tiết kiệm phát sinh thu nhập hay dòng tiền đều đặn trong tương lai. Ví dụ như bạn gửi ngân hàng một số tiền, sau đó mỗi tháng bạn rút ra một số tiền đều đặn, hoặc hàng tháng bạn gửi một số tiền đều đặn vào ngân hàng,…
Lưu ý: Hàm Rate chỉ có thể sử dụng được cho các dòng tiền đều cố định. Nếu dòng tiền phát sinh không đều đặn theo thời gian và giá trị các số tiền không bằng nhau thì ta không thể dùng hàm Rate. Điều này sẽ được giải thích rõ trong phần công thức của hàm Rate.
Xem thêm: Hàm Nper Là Hàm Gì? Chức Năng, Cách Dùng Hàm Nper Trong Excel
Cách Sử Dụng Hàm Rate Trong Excel
Phần dưới đây sẽ chia sẻ với bạn cách dùng hàm tài chính Rate trong Excel. Phần này sẽ gồm các mục là: Công thức (cú pháp) hàm Rate, Những lưu ý khi sử dụng hàm Rate và Các lỗi thường gặp khi dùng hàm Rate.
Công Thức Hàm Rate
Hàm Rate có công thức là: = Rate(Nper, Pmt, PV, [FV], [Type], [Guess])

Trong đó:
– Nper là tổng số kỳ thanh toán trong một dòng tiền, đơn vị là năm, tháng, quý,… Nếu là khoản vay thì đây là kỳ hạn vay, nếu là khoản đầu tư thì đây là tổng số kỳ phát sinh thu nhập đều đặn. Nper là đối số bắt buộc phải có trong hàm Rate.
– Pmt là khoản thanh toán cho mỗi kỳ và được giữ cố định, không đổi trong suốt kỳ hạn phát sinh dòng tiền. Pmt là đối số bắt buộc phải có trong hàm Rate, nếu Pmt = 0 thì chúng ta phải đưa vào đối số FV khác 0.
+ Nếu là khoản vay thì Pmt là số tiền phải trả hàng tháng, chỉ bao gồm tiền gốc và lãi, không bao gồm các loại phí hay thuế khác.
+ Nếu là bài toán tiết kiệm thì Pmt là số tiền hàng tháng bạn gửi vào ngân hàng hoặc rút ra khỏi ngân hàng.
Đây là lý do mà hàm Rate chỉ dùng được với các dòng tiền đều, với các dòng tiền không đều thì ta không thể áp dụng được hàm Rate.
– PV là giá trị hiện tại của dòng tiền phát sinh trong tương lai. Đây là đối số bắt buộc phải có trong hàm Rate.
Nếu là khoản vay thì PV là số tiền chúng ta vay ngân hàng, nếu là bài toán tiết kiệm thì đây là số tiền bạn gửi vào ở thời điểm ban đầu, nếu là khoản đầu tư thì đây là số tiền bạn phải bỏ ra để đầu tư.
– FV là giá trị tương lai của dòng tiền phát sinh đều đặn đến khi đáo hạn trong tương lai, hoặc là số dư tiền mặt bạn nhận được sau khi thanh toán cho kỳ cuối cùng.
FV là đối số tùy chọn, có thể có hoặc không trong hàm Rate. Nếu FV bị bỏ qua thì Excel sẽ mặc định FV =0 và chúng ta phải đưa vào trong hàm Rate đối số Pmt.
Nếu là khoản vay thì FV thường sẽ bằng 0, vì khi đáo hạn bạn đã trả hết số tiền vay. Nếu là khoản tiết kiệm thì là số tiền mặt bạn nhận được khi đáo hạn. Nếu là khoản đầu tư thì FV là tổng số tiền bạn nhận được sau khi kết thúc kỳ hạn đầu tư.
– Type là đối số tùy chọn trong hàm Rate thể hiện thời điểm thanh toán. Nếu khoản thanh toán vào cuối kỳ thì Type = 0, nếu khoản thanh toán đầu kỳ thì Type = 1. Nếu bỏ qua thì Excel sẽ mặc định Type = 0.
– Guess là lãi suất mà bạn dự đoán cho dòng tiền. Đây là đối số tùy chọn, có thể bỏ qua. Nếu Guess được bỏ qua thì Excel sẽ mặc định Guess = 10%.
Hàm Rate được chạy dựa trên phương pháp thử – sai. Excel sẽ thử các giá trị khác nhau, bắt đầu bằng đối số Guess, cứ thử như vậy cho đến khi tìm được kết quả thích hợp. Do đó, Hàm Rate có thể có một hoặc nhiều kết quả hoặc không có kết quả nào.
Bạn có thể bổ sung Guess vào công thức hoặc thay đổi dự đoán của mình nếu hàm Rate không cho kết quả hoặc bạn muốn thử tìm lãi suất khác (nếu có). Thông thường hàm Rate sẽ cho kết quả với Guess trong đoạn từ 0 – 1.
Lưu Ý Khi Sử Dụng Hàm Tài Chính Rate Trong Excel
Khi sử dụng Hàm tài chính Rate để tính lãi suất trong Excel, bạn hãy lưu ý một số điểm sau nhé:
– Với những số tiền bạn Nhận Được thì chúng ta sẽ đặt dấu dương (+) trước đối số hoặc bỏ qua. Với những số tiền chúng ta Phải Bỏ Ra thì bạn hãy đặt dấu âm (-) trước đối số.
Ví dụ như Số tiền bạn phải trả hàng tháng cho ngân hàng khi vay vốn là Pmt sẽ mang dấu âm (-), số tiền bạn vay là PV sẽ mang dấu dương (+).
– Bạn hãy đảm bảo tính thống nhất trong đơn vị của Nper, Pmt và Guess. Nếu Pmt được trả theo tháng thì Nper sẽ là tổng số tháng và Guess là %/tháng. Tương tự cho quý, năm.
Trong trường hợp Pmt =0 thì Nper và Guess phải thống nhất đơn vị với nhau. Nếu Nper là tổng số tháng thì Guess phải là %/tháng. Nếu bạn dự đoán Guess theo lãi suất %/năm thì Nper phải là tổng số năm.
– Đối số PV có thể bằng 0 trong bài toán gửi tiết kiệm đều đặn chứ không thể bỏ qua. Nếu PV = 0 bạn hãy nhập số 0 vào vị trí của PV, nếu không Excel sẽ hiểu giá trị của FV là của PV và cho kết quả sai lệch.
– Đối số Pmt có thể bằng 0 chứ không thể bỏ qua. Nếu Pmt = 0 thì bạn hãy nhập số 0 vào vị trí của Pmt, nếu không Excel sẽ hiểu giá trị của PV là giá trị của Pmt và cho kết quả sai lệch.
– 2 đối số Pmt và PV không thể đồng thời bằng 0. Nếu một trong 2 đối số này bằng 0 thì ta phải đưa vào FV khác 0.
– Excel sẽ tính lãi suất theo từng kỳ thanh toán của dòng tiền mà không quan tâm đó là tháng hay quý hay năm.
Do đó, bạn có thể tính lãi suất năm bằng cách lấy kết quả lãi suất tháng nhân với 12, hoặc lãi suất quý nhân với 04.
Nếu đề bài cho Pmt phát sinh theo tháng hay theo quý thì chúng ta cần tính lãi suất tháng hoặc lãi suất quý sau đó nhân lên với 12 hoặc với 4 để tính lãi suất năm.
Chúng ta không nên quy đổi ra năm ngay trong đối số Nper, Pmt và Guess trước khi đưa vào hàm vì như vậy sẽ làm thay đổi nội dung của đề bài dẫn đến kết quả sai lệch. Ví dụ như, bạn gửi tiết kiệm 12 triệu 1 lần (PV = 12, Pmt = 0) sẽ khác với bạn gửi 12 lần mỗi lần 1 triệu (PV = 0, Pmt = 1).
Xem thêm: Hàm PMT Trong Excel Là Gì? Cách Dùng Hàm PMT Và Bài Tập Chi Tiết
Các Lỗi Thường Gặp Khi Sử Dụng Hàm Rate
– Kết quả lãi suất bằng 0%. Việc lãi suất bằng 0% không phải do lỗi. Nguyên nhân thường do chúng ta cài đặt làm tròn chưa phù hợp.
Để loại bỏ điều này bạn chỉ cần chỉnh sửa lại phần làm tròn số thập phân trên Excel. Để có kết quả chính xác và “chấp nhận được”, chúng ta nên làm tròn đến 3 hoặc 4 chữ số thập phân.
– Lỗi #NUM!. Lỗi này thường do chúng ta nhập sai dấu của các đối số, hoặc thông tin chúng ta đưa vào hàm “vô lý” nên hàm không chạy được, ví dụ như 02 giá trị Pmt và PV đồng thời bằng 0, hoặc Pmt và FV đồng thời bằng 0, hoặc Pmt = 0, PV và FV cùng dấu, hoặc Pmt và PV cùng dấu trong khi FV = 0, hoặc Nper =0, v.v…
Để sửa những lỗi này chúng ta cần kiểm tra lại xem cách nhập công thức của mình có đúng hay chưa, hoặc “nhìn lại” xem các giá trị được cung cấp có “vô lý” hay không.
– Lỗi #NAME? Hoặc lỗi #Value!. Lỗi này thường do chúng ta nhập kí tự chữ cái, kí tự đặc biệt vào hàm, hoặc nhập dấu phẩy thay vì dấu chấm, hoặc do lỗi ở một ô tham chiếu nào đó.
Để sửa lỗi này, chúng ta cần xem lại công thức của mình có đúng hay chưa, hoặc bấm vào nút (!) màu vàng bên cạnh ô hiển thị lỗi để xem các bước xử lý của Excel và tìm ra chỗ sai sót.
Một Số Bài Tập Về Hàm Tài Chính Rate Trong Excel
I – Tính Lãi Gửi Tiết Kiệm
Bài Tập 1
Hiện tại bạn không có tiền trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Vào cuối mỗi tháng, sau khi nhận lương, bạn đều gửi vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng 3 triệu đồng. Sau 2 năm, bạn có 80 triệu đồng trong tài khoản. Hỏi lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng là bao nhiêu %/năm?
Lời Giải:

Ta có các đối số như sau:
– Nper = 2 năm = 24 tháng
– Pmt = – 3.000.000 đồng, Pmt mang dấu âm vì số tiền này bạn phải bỏ ra.
– PV = 0, vì hiện tại bạn không có tiền trong tài khoản tiết kiệm
– FV = 80.000.000, đây là số tiền bạn nhận được sau 2 năm.
– Type = 0, vì bạn gửi tiền vào cuối mỗi kỳ.
– Guess. Bạn có thể bỏ qua đối số này. Hoặc chúng ta có thể tạm dự đoán Guess = 0.15
Ta có công thức cần nhập như sau:
=Rate(2*12, -3.000.000, 0, 80.000.000, 0, 0.15), hoặc
=Rate(2*12, -3.000.000, 0, 80.000.000)
= 0,903%/tháng, suy ra lãi suất gửi ngân hàng tính theo năm là 0,903*12 = 10,841 %/năm
Lưu ý:
– Bạn đừng quy đổi ra năm khi nhập hàm nhé. Nếu bạn quy đổi Pmt theo năm là 3 triệu nhân với 12 bằng 36 triệu/năm, rồi nhập hàm như sau sẽ cho kết quả sai vì gửi 36 triệu 1 lần sẽ khác với gửi 12 lần mỗi lần 3 triệu.
=Rate(2, -36.000.000, 0, 80.000.000) – Công thức sai
– Nếu bạn bỏ qua đối số PV khi nó bằng 0 thì cũng cho kết quả sai vì Excel sẽ hiểu 80 triệu là giá trị của PV chứ không phải FV.
=Rate(2*12, -3.000.000, 80.000.000) – Công thức sai
Bài Tập 2
Đầu tháng, bạn gửi vào ngân hàng 100 triệu đồng, sau đó vào cuối mỗi tháng bạn gửi thêm 5 triệu đồng. Sau 5 năm bạn có 500 triệu đồng trong tài khoản. Hỏi lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng là bao nhiêu %/năm?
Lời Giải:
Ta có:
– Nper = 5 năm = 60 tháng
– Pmt = – 5.000.000, Pmt mang dấu âm vì số tiền này bạn phải bỏ ra
– PV = -100.000.000, PV mang dấu âm vì số tiền này bạn phải bỏ ra
– FV = 500.000.000, mang dấu dương vì đây là số tiền bạn nhận được
– Type = 0, vì bạn gửi vào cuối kỳ.
– Guess. Chúng ta dự đoán Guess = 15%.
Ta có công thức hàm Rate cần nhập như sau:
=Rate(60, -5.000.000, -100.000.000, 500.000.000, 0, 15%)
= 0,585%/tháng, suy ra lãi suất năm là 7,017%/năm.
Bài Tập 3
Đầu tháng, bạn gửi vào ngân hàng 1 tỷ đồng, sau đó vào cuối mỗi tháng bạn rút ra 10 triệu đồng để chi tiêu. Sau 5 năm, bạn còn lại 650 triệu đồng trong tài khoản. Hỏi lãi suất tiền gửi ngân hàng là bao nhiêu %/năm?
Lời Giải:

Ta có:
– Nper = 5 năm = 60 tháng.
– Pmt = 10.000.000, Pmt mang dấu dương vì bạn nhận tiền về túi mình.
– PV = -1.000.000.000, PV mang dấu âm vì bạn phải bỏ ra số tiền này
– FV = 650.000.000.
– Type = 0 vì bạn rút tiền vào cuối tháng
– Guess. Chúng ta dự đoán Guess = 0.15 (tức 15%)
Ta có công thức hàm Rate cần nhập là:
=Rate(5*12, 10.000, -1.000.000, 650.000, 0, 15%)
= 0,498%/tháng, suy ra lãi suất năm là 5,977 %/năm.
Có thể bạn quan tâm: Hàm PPMT Là Gì? Cách Dùng Hàm Tài Chính PPMT Trong Excel
II – Tính Lãi Vay Ngân Hàng
Bài Tập 4
Bạn dự định vay ngân hàng 100 triệu VNĐ trong 4 năm. Nhưng bạn nhân viên tín dụng quên mất lãi suất nên chỉ tư vấn cho bạn số tiền hàng tháng bạn phải trả là 3 triệu đồng. Hỏi lãi suất cho vay của ngân hàng là bao nhiêu? (Bỏ qua bảo hiểm khoản vay)
Lời Giải:

Ta có:
– Nper = 4 năm = 48 tháng
– Pmt = -3.000.000
– PV = 100.000.000
– FV =0, vì khi đáo hạn bạn sẽ trả hết khoản vay
– Type =0, vì thường khi vay ngân hàng chúng ta sẽ trả vào cuối kỳ.
– Guess. Bạn có thể bỏ qua hoặc chúng ta giả định Guess = 15%.
Ta có công thức hàm cần nhập là:
=Rate(4*12, -3.000, 100.000, 0, 0, 15%)
= 1,599%/tháng. Suy ra lãi suất vay ngân hàng là 19,2%/năm.
Bài Tập 5
Bạn cho một người bạn vay 50 triệu đồng trong 2 năm. Bạn muốn hàng tháng người bạn đó phải trả cho bạn 2,5 triệu đồng. Hỏi bạn cần cho vay với lãi suất bao nhiêu?
Lời Giải:

Ta có:
– Nper = 2 năm = 24 tháng
– Pmt = 2.500.000, dưới góc nhìn của người cho vay thì Pmt mang dấu dương vì số tiền này đi vào túi bạn.
– PV = -50.000.000, dưới góc nhìn của người cho vay thì PV mang dấu âm vì số tiền này bạn phải bỏ ra cho vay lúc đầu.
– FV = 0, vì khi đáo hạn số tiền vay được trả hết.
– Type = 0 vì được trả vào cuối kỳ.
– Guess chúng ta dự đoán Guess = 15%.
Ta có công thức cần nhập là:
=Rate(2*12, 2500, -50.000, 0, 0, 15%)
= 1,513%/tháng. Suy ra lãi suất bạn cần cho vay là 1,667 %/tháng hay 18,2 %/năm.
Đừng bỏ lỡ: Hàm IPMT Là Gì? Cách Dùng Hàm IPMT Trong Excel
Kết Luận
Hàm tài chính Rate là một hàm hữu ích trong phần mềm Excel. Nhờ có hàm Rate chúng ta có thể tính lãi suất cho các khoản vay hay tiết kiệm một cách dễ dàng.
Mong rằng sau bài viết này, bạn đã biết hàm Rate là gì, công thức hàm Rate, cách sử dụng hàm Rate trong Excel và cách giải một số bài tập hàm Rate thông dụng để ứng dụng hiệu quả trong học tập và công việc của mình.
Chúc bạn thành công!