Hàm XIRR là một hàm tài chính quan trọng trong Excel giúp khắc phục hạn chế của hàm IRR và MIRR. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu hàm XIRR trong bài viết này. Sau khi đọc bài viết, bạn sẽ biết được hàm XIRR là gì, công thức tính hàm XIRR, cách sử dụng hàm XIRR trong Excel để tính tỷ suất hoàn vốn nội bộ.
Hàm XIRR Là Gì?
Hàm XIRR là một hàm tài chính trong Excel giúp tính toán tỷ suất hoàn vốn nội bộ của một dự án có dòng tiền không theo định kỳ.
Ở bài viết về hàm IRR, chúng ta đã biết IRR là suất chiết khấu mà tại đó giá trị hiện tại ròng của dòng tiền NPV = 0.
Tương tự như vậy, XIRR là suất chiết khấu mà tại đó giá trị hiện tại ròng của dòng tiền là XNPV = 0.
Hàm IRR và hàm NPV có quan hệ chặt chẽ với nhau, vì cùng tính toán các chỉ số của một dòng tiền theo định kỳ. Nếu bạn lấy kết quả của hàm IRR làm đối số Rate trong hàm NPV thì kết quả thu được sẽ là số tiền đầu tư vào năm 0 (Tức là làm cho NPV của dòng tiền bằng 0).
Hàm XIRR và hàm XNPV cũng có quan hệ mật thiết với nhau, vì cùng tính toán các chỉ số của một dòng tiền không theo định kỳ. Nếu bạn lấy kết quả của hàm XIRR làm đối số Rate trong hàm XNPV thì sẽ làm hàm này bằng 0 (Với điều kiện là xét cùng một dự án).
Khác Biệt Giữa 3 Hàm MIRR, XIRR Và IRR
Cả 3 hàm MIRR, XIRR và IRR đều giúp chúng ta tính toán tỷ suất hoàn vốn nội bộ của một dự án đầu tư, tuy nhiên 3 hàm này có những đặc điểm khác nhau như sau:
– Hàm IRR và hàm MIRR giúp tính toán tỷ suất hoàn vốn nội bộ của dự án (hay dòng tiền) theo định kỳ. Còn hàm XIRR thì giúp tính đối với những dòng tiền không theo định kỳ.
– Hàm IRR thường có nhiều nghiệm, kết quả IRR thường đánh giá dự án quá lạc quan và phản ánh mức sinh lợi của dự án không đúng so với thực tế. Còn hàm MIRR thì không có nhiều nghiệm và cho kết quả phản ánh tình hình sát với thực tế.
– Dòng tiền của hàm IRR và MIRR thì xuất hiện vào cuối kỳ, còn dòng tiền của hàm XIRR thì có thể xuất hiện vào một ngày bất kỳ nào đó.
Cách Sử Dụng Hàm XIRR Trong Excel
Hàm XIRR giúp chúng ta tính suất sinh lợi nội bộ của dòng tiền không theo định kỳ, do đó nếu bạn muốn tính suất sinh lợi của dòng tiền theo định kỳ bạn hãy sử dụng hàm IRR.
Bên cạnh đó, nếu bạn cần tính suất sinh lợi nội bộ hiệu chỉnh bạn hãy dùng hàm MIRR.
Những hàm tài chính này thường “bắt cặp” với nhau khi chúng ta tính toán một dòng tiền nào đó. Ví dụ như nếu đã tính NPV thì chúng ta cũng cần tính IRR và ngược lại. Nếu đã tính XNPV thì chúng ta cũng cần tính XIRR và ngược lại.
Do đó, sau khi có kết quả từ hàm XIRR (hoặc IRR), bạn có thể kiểm tra lại với hàm XNPV (hoặc NPV). Nếu kết quả XNPV hoặc NPV bằng 0 thì chúng ta có đáp án đúng (Dự phòng cho tình huống bảng tính bị lỗi gì đó mà chúng ta không nhận ra).
Công Thức Hàm XIRR Trong Excel
Hàm XIRR có công thức tính là: = XIRR(Values, Dates, [Guess])
Trong đó:
– Values là giá trị của các dòng tiền ròng (thu nhập ròng) xuất hiện tương ứng với các mốc thời gian có trong đối số Dates. Đây là đối số bắt buộc trong hàm.
Các giá trị trong đối số Values được chiết khấu theo năm có 365 ngày. Thu nhập ròng = Thực thu – thực chi.
– Dates là danh sách các ngày phát sinh dòng tiền tương ứng với các giá trị trong đối số Values. Dates là đối số bắt buộc trong hàm.
Excel lưu trữ ngày tháng năm ở dạng số nguyên (giống như số thứ tự) để tính toán. Theo mặc định, ngày 01/01/1900 sẽ ngày thứ nhất, ngày 02/01/1900 là ngày 02,… cứ như vậy đến ngày hiện tại. Ví dụ như ngày 25/09/2025 là ngày thứ 45925.
Do đó, khi bạn nhập một ngày nào đó vào hàm, Excel sẽ chuyển nó thành dạng số nguyên như trên để tính toán.
– Guess là dự đoán của bạn về giá trị của XIRR. Đây là đối số tùy chọn không bắt buộc phải có trong hàm XIRR. Nếu bị bỏ qua thì Excel sẽ mặc định Guess = 10%.
Tương tự như hàm IRR, Excel cũng dùng phương pháp thử – sai (phép lặp) để tìm kết quả cho hàm XIRR. Điểm bắt đầu của quá trình thử – sai này là đối số Guess, sau đó là các con số khác. Quá trình tìm kiếm sẽ dừng lại khi tìm được đáp án thỏa mãn XNPV = 0.
Nếu sau 100 lần tìm kiếm mà không thấy kết quả thì Excel sẽ báo lỗi #NUM!.
Lưu ý Khi Sử Dụng Hàm
Khi dùng hàm XIRR trong Excel bạn hãy lưu ý một số điểm sau nhé.
– Các giá trị dòng tiền trong đối số Values cần có ít nhất một giá trị âm và một giá trị dương để hàm có thể tìm ra kết quả. Nếu không, Excel sẽ báo lỗi #NUM!.
– Nếu 2 đối số Dates và Values có số lượng các giá trị khác nhau thì Excel sẽ báo lỗi #NUM!. Ví dụ như, Values có 5 ô nhưng Dates có 6 ô được chọn tức chúng ta thiếu 1 ô của đối số Values.
– Nếu trong đối số Dates có một ngày nào đó không có thật, ví dụ như ngày 31 tháng 04 thì Excel sẽ báo lỗi #Values!.
– Nếu đối số Dates có ngày nào đó xảy ra trước ngày bắt đầu thì Excel sẽ báo lỗi #NUM!.
Ví Dụ Về Hàm XIRR
Cho bảng thông số về các dòng tiền của một dự án như sau:
Ngày tháng | 15/03/2022 | 18/05/2022 | 30/08/2022 | 17/02/2023 | 28/06/2023 |
Dòng tiền | -1000 | 300 | 280 | 350 | 300 |
Hãy tính suất sinh lợi nội bộ của dự án trên.
Lời giải:
Chúng ta thấy các dòng tiền này không theo chu kỳ, do đó không thể dùng hàm IRR và MIRR mà chúng ta cần dùng hàm XIRR.
Sau khi nhập công thức dựa trên các thông tin trong bảng, chúng ta được kết quả XIRR = 34.439%.
Sau đó, bạn có thể tính NPV của dự án này bằng hàm XNPV do các dòng tiền này không theo định kỳ. Chúng ta có thể thử với các suất chiết khấu khác nhau, riêng với suất chiết khấu bằng XIRR thì XNPV sẽ bằng 0.
Lưu ý: Để nhập ngày tháng năm cho bảng tính, bạn có thể sử dụng hàm Date với công thức là =Date(Năm, tháng, ngày) để tránh sai sót trong tính toán.
Có thể bạn quan tâm:
Hàm Rate Là Gì? Cách Sử Dụng Hàm Rate Trong Excel
Hàm Nper Là Hàm Gì? Chức Năng, Cách Dùng Hàm Nper Trong Excel
Kết Luận
Như vậy, bên cạnh hàm IRR và MIRR thì chúng ta có thể sử dụng hàm XIRR trong Excel để tính tỷ suất sinh lợi nội bộ của một dòng tiền.
Việc hàm XIRR được áp dụng với những dòng tiền không theo định kỳ giống như một sự bổ sung và hoàn thiện tính năng cho hàm tài chính IRR thông thường.
Hy vọng rằng sau bài viết này bạn đã biết hàm XIRR là gì, chức năng, công thức của hàm XIRR và cách sử dụng hàm XIRR trong phần mềm Excel để ứng dụng hiệu quả vào việc học tập của mình. Chúc bạn thành công.