Hàm XNPV giống như “vị cứu tinh” của chúng ta mỗi khi hàm tài chính NPV bất lực trước những dòng tiền không theo định kỳ. Bài viết sau sẽ cung cấp với bạn một số thông tin quan trọng như hàm XNPV là gì, công thức tính hàm XNPV, cách sử dụng hàm XNPV trong Excel và một số ví dụ về hàm này.
Hàm XNPV Là Gì?
Hàm XNPV là một hàm tài chính trong Excel giúp tính giá trị hiện tại ròng của những dòng tiền phát sinh không theo định kỳ của một khoản đầu tư.
Như vậy, với ý nghĩa này, chúng ta đã khắc phục được điểm yếu của hàm NPV thông thường.
Trong khi hàm NPV chỉ giúp tính toán NPV của dự án khi mà các dòng tiền có khoảng cách thời gian bằng nhau, tức phát sinh định kỳ, thì hàm XNPV giúp tính toán được với những dòng tiền không theo định kỳ.
Hàm XNPV có quan hệ chặt chẽ với hàm XIRR (hàm tính tỷ suất hoàn vốn nội bộ của dòng tiền không theo định kỳ). Nếu chúng ta lấy kết quả của hàm XIRR để làm suất chiết khấu thì XNPV sẽ bằng 0. Ngược lại, suất chiết khấu nào làm cho XNPV bằng 0 thì sẽ là kết quả của hàm XIRR.
Sự Khác Nhau Giữa 3 Hàm PV, NPV Và XNPV
Cả 3 hàm tài chính là hàm PV, hàm NPV và hàm XNPV đều giúp chúng ta tính giá trị hiện tại của dòng tiền, nhưng 3 hàm này có những sự khác biệt rõ rệt, đó là:
– Hàm PV giúp tính giá trị hiện tại của dòng tiền đều, đều cả về mặt giá trị (thể hiện trong đối số PMT) và đều về mặt thời gian, tức các dòng tiền này phải không đổi trong suốt kỳ hạn và được phát sinh theo định kỳ cố định.
Tuy nhiên, nếu giá trị các dòng tiền này không đều, tức giá trị PMT biến thiên thì hàm PV không thể sử dụng mà chúng ta cần dùng hàm NPV.
– Hàm NPV giúp tính giá trị hiện tại của dòng tiền biến thiên nhưng các dòng tiền này phải phát sinh đều đặn, định kỳ theo thời gian.
Nếu các dòng tiền này không xuất hiện định kỳ theo thời gian thì hàm NPV sẽ không cho kết quả chính xác, do đó chúng ta cần dùng hàm XNPV.
– Hàm XNPV giúp tính toán giá trị hiện tại của dòng tiền bất kỳ, dù nó biến thiên về giá trị dòng tiền hay không và có phát sinh theo định kỳ hay không.
Bên cạnh đó, nếu nói cụ thể hơn về mặt thời gian, thì dòng tiền trong hàm PV có thể xuất hiện ở đầu kỳ hoặc cuối kỳ, dòng tiền của hàm NPV thì xuất hiện vào cuối kỳ, còn dòng tiền của hàm XNPV thì có thể xuất hiện vào một ngày bất kỳ nào đó.
Công Thức Hàm XNPV Trong Excel
Công thức tính Hàm XNPV là: = XNPV(Rate, Values, Dates)

Trong đó:
– Rate là lãi suất chiết khấu của dự án. Rate là đối số bắt buộc phải có trong hàm.
– Values là dãy các dòng tiền (hay thu nhập ròng) xảy ra tương ứng với các mốc thời gian được cho trong đối số Dates. Values là đối số bắt buộc phải có trong hàm. Các giá trị dòng tiền này sẽ được chiết khấu theo 1 năm có 365 ngày.
– Dates là một danh sách gồm các mốc thời gian tương ứng với các giá trị thu nhập ròng của đối số Values. Đây cũng là đối số bắt buộc phải có trong hàm.
Excel lưu trữ các mốc thời gian ngày tháng năm ở dạng số nguyên (tương tự kiểu như số thứ tự) để tính toán. Theo mặc định, ngày 01/01/1900 sẽ có số 01, ngày 02/01/1900 sẽ có số 02, ngày 03/01/1900 có số 03,… cứ như vậy cho đến ngày hiện tại. Ví dụ như ngày 15/10/2024 sẽ có số là 45580.
Do đó, khi bạn nhập một ngày nào đó vào hàm, Excel sẽ chuyển nó thành dạng số nguyên như trên để hiểu và tính toán.
Bạn có thể xem điều này bằng cách nhập một ngày bất kỳ nào đó vào Excel, sau đó bấm bôi đen để chọn ô đó và chuyển đổi định dạng từ Date sang General.
Xem thêm: Hàm IRR Là gì? Cách Tính IRR Trong Excel Nhanh Chóng
Lưu ý Khi Sử Dụng
Khi sử dụng hàm tài chính XNPV để tính đoán NPV của một khoản đầu tư, bạn hãy chú ý những điểm sau nhé.
– Trong dãy các dòng tiền Value1, Value2,…, Values(n) phải có ít nhất một giá trị âm và một giá trị dương.
– Nếu là dòng tiền chi ra thì sẽ mang dấu âm, nếu là dòng tiền thu về thì sẽ mang dấu dương.
– Ngày đầu tiên trong đối số Dates sẽ thể hiện thời điểm đầu tiên phát sinh dòng tiền. Do đó, các ngày tiếp theo phải đến sau ngày này.
– Excel sẽ sẽ báo lỗi #NUM! nếu trong đối số Dates có một ngày xảy ra trước ngày bắt đầu, hoặc 2 đối số Values và Dates có số lượng các giá trị khác nhau.
– Excel sẽ sẽ báo lỗi #Value! nếu có vị trí nào đó trong hàm không phải là số, hoặc trong đối số Dates có ngày vô lý, như ngày 31/02, ngày 31/06,…
Một Số Ví Dụ Về Hàm XNPV Trong Excel
Ví dụ 1
Thông tin về dòng tiền của một dự án được cho trong bảng sau, hãy tính NPV của dự án tương ứng với suất chiết khấu là 10%.:
Ngày | 12/02/2023 | 18/05/2023 | 25/08/2023 | 16/01/2024 | 28/04/2024 |
NCF | -1000 | 200 | 300 | 250 | 350 |
Lời giải

Từ bảng trên chúng ta thấy rằng dòng tiền của dự án không theo định kỳ nên không thể sử dụng hàm NPV thông thường mà cần sử dụng hàm XNPV.
Sau khi nhập công thức vào Excel, chúng ta được kết quả là NPV = 21.09.
Lưu ý: Đối với những hàm mà chúng ta cần nhập ngày tháng, bạn có thể sử dụng hàm Date để tránh nhầm lẫn trong tính toán. Công thức của hàm Date là: = Date(Năm, Tháng, Ngày).
Ví dụ 2
Một dự án có thông tin dòng tiền như dưới đây, hãy tính NPV của dòng tiền này biết suất chiết khấu là 10%.
Ngày | 15/05/2022 | 20/06/2022 | 12/11/2022 | 30/03/2023 | 22/06/2023 |
NCF | -5000 | 2850 | 3500 | 4200 | 4500 |
Lời giải
Tương tự như bài tập trên, sau khi nhập hàm theo công thức có sẵn, chúng ta tính được NPV của dự án là: 9076.6 (Đơn vị tiền)
Có thể bạn quan tâm:
Hàm Rate Là Gì? Cách Sử Dụng Hàm Rate Trong Excel
Hàm Nper Là Hàm Gì? Chức Năng, Cách Dùng Hàm Nper Trong Excel
Kết Luận
Nếu khi nào bạn không thể sử dụng hàm NPV để tính hiện giá thu nhập ròng của một dòng tiền không theo định kỳ thì bạn có thể sử dụng hàm tài chính XNPV.
Nhờ có “bản nâng cấp” này mà chúng ta giải quyết được những dòng tiền phát sinh tại bất kỳ ngày nào trong suốt kỳ hạn. Đặc biệt là đối với hàm XNPV chúng ta không cần “chừa lại” giá trị đầu tư năm 0 như cách làm với hàm NPV, từ đó hạn chế được sự nhầm lẫn hoặc “tính hay quên” của chúng ta.
Mong rằng sau bài viết này bạn đã biết được hàm XNPV là gì, công dụng và công thức hàm XNPV cũng như cách sử dụng hàm XNPV trong Excel để dễ dàng ứng dụng vào việc học tập của mình. Chúc bạn thành công!