Chính sách tài khóa (Fiscal Policy) là một trong những chính sách nổi bật và quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Bài viết sau sẽ chia sẻ với bạn một số kiến thức chung về chính sách tài khóa như: Chính sách tài khóa là gì, mục tiêu của chính sách tài khóa, công cụ của chính sách tài khóa, cơ chế tác động của chính sách tài khóa, các nhân tố ổn định tự động nền kinh tế, cách định lượng cho chính sách tài khóa, các hạn chế của chính sách tài khóa và vai trò của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế vĩ mô.
Chính Sách Tài Khóa Là Gì?
Chính sách tài khóa (Fiscal policy) là các biện pháp mà chính phủ sử dụng để tác động lên hệ thống thuế khóa và chi tiêu, thông qua đó đạt được các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, kiểm soát lạm phát.
Cơ quan hoạch định chính sách tài khóa là chính phủ.
Mục tiêu của chính sách tài khóa là đưa nền kinh tế vào trạng thái tăng trưởng ổn định.
Khi nền kinh tế có mức sản lượng quá lớn hoặc quá bé so với mức sản lượng tiềm năng thì chính sách này là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa nền kinh tế vào mức sản lượng tiềm năng và tăng trưởng ổn định.
Chính sách tài khóa mở rộng có mục tiêu là giảm thất nghiệp và tăng sản lượng thực tế
Chính sách tài khóa thu hẹp có mục tiêu là giảm Lạm phát.
Công Cụ Của Chính Sách Tài Khóa
Công cụ của chính sách tài khóa chủ yếu là thuế và các khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ của chính phủ.
Thuế thường gồm có 2 loại chính là:
+ Thuế trực thu (Direct Taxes): Là thuế đánh trực tiếp lên tài sản, thu nhập của người dân.
+ Thuế gián thu (Indirect Taxes): Là thuế đánh lên giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong lưu thông thông qua các hành vi sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng người dân trong nền kinh tế.
Thông thường, thuế (gián thu) sẽ khiến giá cả của hàng hoá, dịch vụ thay đổi dẫn đến thay đổi hành vi tiêu dùng của cá nhân.
Bên cạnh đó, thuế (trực thu) làm giảm thu nhập khả dụng của cá nhân, dẫn đến làm giảm chi tiêu cho tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ. Kéo theo đó là làm tổng cầu giảm và tổng GDP giảm.
Chi tiêu của chính phủ bao gồm hai loại chính là: Chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ và chi chuyển nhượng.
– Chi mua hàng hoá dịch vụ: Là việc chính phủ dùng ngân sách để xây dựng các cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống và các công trình công cộng, đầu tư cho quốc phòng bằng việc mua vũ khí, xây dựng các công trình quốc phòng,…
Chi tiêu của chính phủ sẽ tác động đến tổng cầu theo cấp số nhân.
Tổng cầu của nền kinh tế sẽ tăng hoặc giảm theo cấp số nhân, phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của chính phủ. Nếu chi tiêu của chính phủ tăng thì tổng cầu tăng và ngược lại.
– Chi chuyển nhượng: Là các khoản trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách trong xã hội, ví dụ như người nghèo, thương bệnh binh, người khuyết tật, và một số đối tượng khác thuộc diện chính sách của nhà nước.
Bằng việc tác động đến thu nhập cá nhân, chi chuyển nhượng đã gián tiếp tác động lên tổng cầu. Thông thường, nếu chi chuyển nhượng tăng, tổng cầu của nền kinh tế sẽ tăng và ngược lại.
Cơ Chế Tác Động Của Chính Sách Tài Khóa
Cơ chế tác động của chính sách tài khóa được thể hiện qua sơ đồ sau:
Mục Tiêu Của Chính Sách Tài Khóa
Mục tiêu của chính sách tài khóa là kiểm soát lạm phát và đảm bảo tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế. Mục tiêu của chính sách tài khóa sẽ được thể hiện thông qua 2 chính sách cụ thể là Chính sách tài khóa mở rộng và Thắt chặt.
– Chính Sách Mở Rộng
Chính sách tài khóa mở rộng có mục tiêu là làm gia tăng tổng cầu và đưa nền kinh tế vào trạng thái toàn dụng.
Khi nền kinh tế suy thoái, tổng sản lượng của nền kinh tế sụt giảm quá mức so với sản lượng tiềm năng, tình trạng thất nghiệp xảy ra nghiêm trọng, tổng cầu và mức giá chung suy giảm.
Nếu tình trạng suy thoái kéo dài thì sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Lúc này, chính phủ sử dụng chính sách tài khóa mở rộng bằng cách giảm thuế T và tăng chi tiêu G.
Việc giảm thuế T làm cho thu nhập khả dụng Yd tăng lên, làm cho các cá nhân và hộ gia đình gia tăng chi tiêu C.
Cùng với việc chính phủ gia tăng đầu tư và chi tiêu công G kéo theo tổng cầu AD của nền kinh tế tăng làm cho sản lượng thực tê Y tăng lên, giảm thất nghiệp và đưa nền kinh tế vào trạng thái toàn dụng.
– Chính Sách Thắt Chặt
Chính sách tài khóa thắt chặt có mục tiêu là làm giảm tổng cầu và kiểm soát lạm phát.
Khi nền kinh tế lạm phát cao, tổng sản lượng của nền kinh tế tăng quá cao so với mức sản lượng tiềm năng, tổng cầu tăng cao, mức giá chung tăng làm đồng tiền mất giá.
Lúc này chính phủ sử dụng chính sách tài khóa thu hẹp bằng cách tăng thuế T và giảm chi tiêu G.
Việc tăng thuế T làm cho thu nhập khả dụng Yd giảm xuống khiến cho các cá nhân và hộ gia đình thắt chặt chi tiêu C.
Cùng với việc giảm đầu tư và chi tiêu công G thì tổng cầu giảm xuống kéo theo sản lượng thực tế Y giảm và giảm lạm phát.
Xem thêm: Tỷ Lệ Lạm Phát Việt Nam Qua Các Năm Trong Giai Đoạn 2010 – 2020
Định Lượng Cho Chính Sách Tài Khóa
Để định lượng cho CSTK chúng ta có 2 trường hợp được ví dụ như sau:
Trường hợp 1: Nền kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng nóng (Yt ≠ Y)
Giả sử mức sản lượng thực tế của nền kinh tế là Y và mức sản lượng tiềm năng là Yt.
Khi đó nếu nền kinh tế đang suy thoái hoặc tăng trưởng nóng thì chính sách tài khóa có mục tiêu là làm cho sản lượng nền kinh tế tăng hoặc giảm một lượng là ∆Y = Yt – Y.
Ta có thể sử dụng số nhân tổng cầu k để tính sự thay đổi trong tổng cầu bằng phép tính ∆AD = ∆Y/k, từ đó suy ra các giá trị cần phải thay đổi của chi tiêu công ∆G, và thuế ∆T.
Nhưng phép tính sẽ trở nên đơn giản hơn nếu ta sử dụng các số nhân cá biệt trong mô hình số nhân (kc, ki, kg,kt…) khi đó từ ∆Y ta có thể tính toán được ∆G, ∆T mà không cần tính ∆AD.
Có 3 trường hợp là:
– Khi chính phủ chỉ sử dụng công cụ thuế T: ∆T = ∆Y/kt
– Khi chính phủ chỉ sử dụng công cụ chi tiêu G: ∆G =∆Y/kg
– Khi chính phủ phối hợp cả G và T: ta cần tính toán ∆G và ∆T sao cho biểu thức sau được thỏa mãn ∆AD = ∆G – Cm.∆T
Ví dụ:
Sản lượng thực tế của quốc gia Y = 900 tỷ đồng, sản lượng tiềm năng của nền kinh tế là Yt = 1000 tỷ đồng. Số nhân tổng cầu k = 2, xu hướng tiêu dùng biên Cm = 0,75.
Khi đó để cho Y = Yt thì ta cần thay đổi sản lượng thực một lượng là
∆Y = Yt – Y = 1000 – 900 = 100 tỷ đồng.
Áp dụng CSTK có 3 trường hợp như sau:
– Chính phủ chỉ sử dụng công cụ thuế T:
∆T = ∆Y/kt = ∆Y/(-k.Cm) =100/(-2.0,75) = -66,67 tỷ đồng, lúc này chính phủ sẽ giảm thuế một lượng là 66,67 tỷ đồng.
– Chính phủ chỉ sử dụng công cụ chi tiêu G:
∆G =∆Y/kg = ∆Y/k = 100/2 = 50 tỷ đồng. Lúc này chính phủ sẽ tăng chi tiêu 50 tỷ đồng.
– Chính phủ phối hợp cả G và T: ta phải điều chỉnh ∆G và ∆T để thỏa mãn ∆G – Cm.∆T = ∆AD = ∆Y/k = 100/2 = 50 tỷ đồng.
Ta chọn trước một công cụ, giả sử là tăng chi ngân sách ∆G = 30 tỷ thì thuế phải thay đổi một lượng là
∆T = (k.∆G – ∆Y)/(k.Cm) = (2.30 – 100)/(2.0,75) = -26,67 tỷ đồng.
Trường hợp 2: Nền kinh tế đã đạt đến mức sản lượng tiềm năng (Yt = Y)
Khi nền kinh tế đã đạt được mức sản lượng tiềm năng nhưng vì lý do nào đó chính phủ muốn chi tiêu (như chi đầu tư quốc phòng, phát triển cơ sở hạ tầng…) thì phải sử dụng thêm công cụ thuế để không gây ra lạm phát cao.
Khi tăng chi ngân sách thì sản lượng thực sẽ tăng một lượng là
∆Y = kg.∆G = k.∆G
Khi tăng thuế thì sản lượng thực sẽ giảm một lượng là ∆Y = kt.∆T
Để không xảy ra lạm phát thì ∆Y = kt.∆T = -k.∆G
Ở ví dụ trên, giả sử là sau khi áp dụng CSTK thì Yt = Y = 1000 tỷ. Nhưng chính phủ muốn chi tiêu đầu tư quốc phòng 100 tỷ thì số thuế phải tăng thêm một lượng là
∆T = (-k.∆G)/kt = (-k.∆G)/(-k.Cm) = ∆G/Cm = 100/0,75 = 133,33 tỷ.
Trước khi thực hiện chính sách tài khóa vào thực tiễn thì chính phủ sẽ luôn cân nhắc, nghiên cứu những nội dung như Nhân tố ổn định tự động của nền kinh tế và những hạn chế của chinh sách.
Nhân Tố Ổn Định Tự Động Của Nền Kinh Tế
Các nhân tố ổn định tự động nền kinh tế là các hệ thống thuế khóa (thuế lũy thoái – lũy tiến) và trợ cấp được chính phủ ban hành.
Các hệ thống này có tác dụng tự động điều chỉnh để điều tiết kinh tế vĩ mô ngay khi nền kinh tế có triệu chứng suy thoái hay lạm phát cao.
Khi nền kinh tế suy thoái, số thu về thuế đánh vào thu nhập cá nhân và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm xuống (thuế lũy thoái), các khoản trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội (ví dụ như bảo hiểm thất nghiệp…) được gia tăng làm tăng thu nhập khả dụng dẫn tới gia tăng sức mua, tăng tổng cầu của nền kinh tế kéo theo đó là gia tăng sản lượng thực và tình trạng suy thoái, thất nghiệp được giảm thiểu.
Ngược lại, khi nền kinh tế có lạm phát cao, số thu về thuế đánh vào thu nhập các nhân và doanh nghiệp sẽ tăng lên (thuế lũy tiến), các khoản chi trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội sẽ giảm xuống (ví dụ như việc trích nộp các khoản bảo hiểm khi có việc làm,…) làm giảm thu nhập khả dụng dẫn tới làm suy giảm sức mua, giảm tổng cầu, kéo theo đó là sản lượng thực tế giảm xuống và giảm lạm phát.
Những nhân tố ổn định tự động nền kinh tế chỉ có tác dụng một phần nhỏ chứ không thể chấm dứt hoàn toàn những biến động của nền kinh tế.
Nên sau khi xem xét tác động của các nhân tố này là việc áp dụng các chính sách thuế suất khác, thay đổi mức chi tiêu hoặc các chính sách kinh tế vĩ mô khác của chính phủ.
Xem thêm: Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Là Gì? Cách Tính Chỉ Số Giá Tiêu Dùng CPI
Hạn Chế Của Chính Sách Tài Khóa
Trên thực tế chính sách tài khóa có các hạn chế là:
– Khi nền kinh tế suy thoái hay lạm phát thì thông tin hay trở nên nhiễu loạn dẫn đến sự không chắc chắn trong các quan hệ kinh tế.
Bên cạnh đó là các nhà kinh tế khác nhau thường có những quan điểm và cách đánh giá khác nhau trước các sự kiện kinh tế.
Từ đó gây khó khăn trong việc xác định được chính xác mức độ cần thiết phải tác động đến nền kinh tế và ra quyết định.
– Xét về mặt thời gian thì CSTK có độ trễ khá lớn bao gồm độ trễ bên trong là thời gian thu thập, xử lý thông tin, ra quyết định.
Độ trễ bên ngoài là thời gian phổ biến, thi hành chính sách và thời điểm phát huy tác dụng của chính sách.
Nếu cơ cấu tổ chức của bộ máy xử lý hoàn thiện, mạch lạc, hoạt động chính xác cập nhật thông tin kịp thời thì sẽ có tác dụng rút ngắn độ trễ của chính sách.
– Thực hiện Chính sách tài khóa mở rộng thì dễ dàng nhưng thực hiện Chính sách tài khóa thu hẹp thì gặp khó khăn do tăng thuế.
– Tác động lấn át
Vai Trò Của Chính Sách Tài Khóa Đối Với Nền Kinh Tế Vĩ Mô
Bên cạnh người những người anh em của mình như Chính sách tiền tệ, Chính sách ngoại thương… CSTK có vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề điều tiết nền kinh tế vĩ mô của quốc gia.
– Vai trò đầu tiên của CSTK phải nhắc đến là một công cụ mạnh mẽ để điều tiết và ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Vào thời kỳ nền kinh tế suy thoái, sản lượng thực suy giảm và thất nghiệp gia tăng thì chính sách tài khóa mở rộng được áp dụng kịp thời sẽ góp phần nâng cao sản lượng thực giúp tỷ lệ thất nghiệp suy giảm từ đó đưa nền kinh tế lại gần trạng thái toàn dụng.
Ngược lại vào thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng nóng có dấu hiệu lạm phát thì chính sách tài khóa thu hẹp được áp dụng kịp thời sẽ góp phần làm giảm sản lượng thực tế, giảm tỷ lệ lạm phát từ đó kéo nền kinh tế trở về trạng thái tăng trưởng ổn định.
– CSTK giúp phân phối và tái phân phối tổng thu nhập quốc dân một cách công bằng, bình đẳng.
Bằng việc thu ngân sách và lại đem ngân sách đi chi đầu tư cho các dịch vụ công hay mua hàng hóa dịch vụ, CSTK góp phần điều chỉnh phân phối thu nhập, của cải, cơ hội kinh doanh trong xã hội và thậm chí là phân tán rủi ro có nguồn gốc từ thị trường.
Thông qua đó tạo lập môi trường ổn định trong xã hội làm nền tảng cho đầu tư tăng trưởng.
Bên cạnh đó việc phân phối lại thu nhập còn góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
– CSTK giúp đạt mục tiêu tăng trưởng và định hướng phát triển trong tương lai.
Một thành phần quan trọng trong cơ cấu chi tiêu của chính phủ là chi đầu tư phát triển cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Từ việc hướng trọng điểm đầu tư vào một số ngành nghề hay lĩnh vực nhất định, cũng như việc ban hành luật thuế mới hay tăng thuế, giảm thuế đối với những ngành nghề, lĩnh vực này mà CSTK góp phần tạo nền tảng và định hướng phát triển trong tương lai của tổng thể nền kinh tế đất nước.
– Chính Sách tài khóa giúp phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế một cách hiệu quả.
Thông qua việc thu thuế và chi ngân sách của chính phủ, CSTK góp phần làm giảm hoặc triệt tiêu thất bại của thị trường trong việc phân bổ nguồn lực, đảm bảo nguồn lực như tài chính, nhân lực, vật lực được phân bổ hiệu quả, đến đúng khu vực thích hợp khi cần thiết.
Từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả của khu vực tư nhân. Ví dụ như việc chính phủ chi ngân sách để cải thiện, nâng cao chất lượng cho các dịch vụ công như: chống tội phạm kinh tế, chống độc quyền, hành lang pháp lý, hệ thống thông tin thanh toán…
Xem thêm: Chính Sách Tiền Tệ Là Gì? Các Công Cụ Của Chính Sách Tiền Tệ
Kết Luận
Vậy là bạn đã nắm được chính sách tài khóa là gì, mục tiêu của chính sách tài khóa, các công cụ của chính sách tài khóa, cơ chế tác động, hạn chế cũng như vai trò của chính sách tài khóa trong nền kinh tế.
Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích từ đó có thể dễ dàng áp dụng trong học tập và làm việc.
Chúc bạn thành công!