Home » Tài Chính Cá Nhân » Tự Do Tài Chính Là Gì? Công Thức Của Tự Do Tài Chính Bền Vững

Tự Do Tài Chính Là Gì? Công Thức Của Tự Do Tài Chính Bền Vững

vay tiền avay

Tự do tài chính luôn là khát khao cháy bỏng của mỗi chúng ta, bởi khi tự do về tiền bạc cũng là khi chúng ta đạt được tự do cá nhân. Nhưng con đường dẫn đến “vùng đất” tự do tài chính thì không suôn sẻ và dễ dàng chút nào. Đạt được tự do tài chính đã khó, giữ vững và phát triển tự do tài chính còn khó hơn.  Do đó, chúng ta cần một con đường đúng đắn để đi đến tự do tài chính và cách để bảo vệ sự tự do tài chính đó. Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ nhận được một số thông tin hữu ích và mới mẻ như:

– Tự do tài chính là gì?

– Những giá trị lớn lao mà tự do tài chính mang lại (hay tại sao phải tự do tài chính? )

Quan hệ giữa tự do tài chính, thu nhập thụ động và sự giàu có

– Bạn sẽ biết tại sao không đạt được tự do tài chính mặc dù đã có thu nhập thụ động?

– Con đường đi đến tự do tài chính, bát giác tự do tài chính

Hình vuông thu nhập, cấp độ 2 của tự do tài chính cùng cách xây dựng tự do tài chính bền vững.

Tự Do Tài Chính Là Gì ?

Hãy thử tưởng tượng, bạn không cần phải đi làm ở bất kỳ đâu. Nhưng hàng ngày bạn vẫn có một khoản thu nhập chuyển vào tài khoản ngân hàng.

Nguồn thu nhập này có được từ khóa học online bạn xây dựng và bán trên Edumall.

Hôm nay cũng vậy, trong khi bạn đang vi vu du lịch cùng gia đình ở Sa Pa thì đột nhiên điện thoại bạn báo tin nhắn tài khoản tăng 5 triệu từ lợi nhuận của khóa học.

Số tiền mà bạn nhận được như vậy gọi là Thu nhập thụ động. Tình trạng tài chính hiện tại của bạn được gọi là tự do tài chính.

Tự do tài chính là một trạng thái khi mà chúng ta có tổng các nguồn thu nhập thụ động lớn hơn tổng các khoản chi tiêu trong cuộc sống.

Hay cũng có thể nói: Tự do tài chính là trạng thái mà chúng ta có số tài sản “đủ lớn” để trang trải cuộc sống trong khoảng thời gian “đủ dài” mà không cần làm việc. Lúc này, bạn làm việc vì đam mê.

Vấn đề là, “lớn bao nhiêu là đủ lớn, dài bao lâu là đủ dài?”, điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, miễn sao thu nhập của chúng ta lớn hơn chi phí.

Vậy, Thu nhập thụ động là gì?

Thu nhập thụ động (Passive Income) là nguồn thu nhập mặc định chắc chắn bạn sẽ nhận được dù bạn không cần làm việc hoặc làm việc rất ít, có nguồn gốc từ quá trình Lao động đã được Tích Lũy lâu dài trước đó.

Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, điều kiện bắt buộc để có được tự do tài chính là thu nhập thụ động. (Thu nhập thụ động lớn hơn các khoản chi tiêu cần thiết)

Chừng nào chúng ta chưa có thu nhập thụ động thì chừng đó chúng ta chưa tự do tài chính.

Tại Sao Phải Tự Do Tài Chính?

làm thế nào để tự chủ tài chính

Hy vọng rằng, những lý do sau đây (cũng chính là những lợi ích mà tự do tài chính mang lại) sẽ đủ mạnh để tạo động lực cho mỗi chúng ta tìm đến tự do tài chính.

(1) Mang Lại Tự Do.

Tự do tài chính sẽ mang lại cho chúng ta sự tự do về thể chất, tinh thần, ý chí và niềm tin. Vì đã tự do tài chính thì bạn không cần phải đi làm cho ai hay bất kỳ tổ chức nào.

Khi đó, thứ duy nhất chúng ta cần phải tuân thủ là luật pháp, ngoài luật pháp ra bạn không phải chịu sự ràng buộc của bất kỳ quy định nào.

Ngoài niềm tin và ý chí của bạn ra, bạn không phải làm theo niềm tin và ý chí của người khác.

(2) Tự Chủ.

Khi TDTC, tức bạn có nguồn thu nhập thụ động đủ lớn để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Lúc này, bạn không cần phải đi làm ở bất cứ đâu, tự bạn tạo ra thu nhập cho mình, điều này đồng nghĩa với việc bạn không phụ thuộc tài chính vào bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào.

Việc bạn đi làm hay không hoàn toàn là chọn lựa của bạn.

Như chúng ta thường nói, “đi làm vì đam mê”, hay “đi làm không phải vì tiền”, 2 câu nói này sẽ ứng nghiệm vào bản thân bạn, vì dù có đi làm hay không, bạn cũng có thu nhập.

(3) Có Quỹ Thời Gian Lớn.

Khi chúng ta chưa có thu nhập thụ động, chưa đạt được TDTC thì thường chúng ta sẽ bị gò bó thời gian tại nơi làm việc, tối thiểu là 8 tiếng. Trừ 8 tiếng ngủ đi thì chúng ta còn 8 tiếng là thời gian rảnh rỗi.

Khi TDTC, bạn có thể chọn không đi làm ở bất cứ đâu, bạn sở hữu một quỹ thời gian rất lớn và linh hoạt. Một ngày 24 giờ hoàn toàn do bạn làm chủ và phân bổ.

(4) Tự Do Làm Điều Mình Yêu Thích.

Từ việc có quỹ thời gian lớn và linh hoạt thì bạn có thể thoải mái làm bất cứ công việc mà bạn yêu thích.

Thay vì như trước đây, bạn phải làm việc mình không yêu thích để kiếm tiền và chỉ có thể làm điều mình thích vào lúc rảnh rỗi thì bây giờ bạn có thể làm việc mình thích cả ngày trời dù việc đó có mang lại thu nhập lớn hay không.

(5) Linh Hoạt Và Làm Chủ Công Việc.

Vì bạn có quỹ thời gian rất lớn và không phải đi làm ở đâu, nên bạn có thể chủ động và linh hoạt sắp xếp công việc của mình. Bạn có thể làm việc ở bất kỳ đâu (tại nhà, quán cafe, Coworking, khi đi du lịch, …) và bất cứ thời gian nào bạn muốn.

Thu Nhập Thụ Động, TDTC Và Giàu Có

thu nhập thụ động

Chúng ta thường hay bắt gặp một số quan điểm cho rằng “tự do tài chính là việc có rất nhiều tiền”, “muốn tự do tài chính thì phải giàu có”, hoặc “giàu có sẽ giúp chúng ta tiêu tiền không cần phải suy nghĩ, từ đó đạt được tự do tài chính”,…

Sự thật thì không phải vậy!

TDTC và giàu có là khái niệm hoàn toàn khác xa nhau.

Sự giàu có (về vật chất) thường nói đến số lượng của cải, tài sản được sở hữu bởi một ai đó.

Còn TDTC thì nói đến việc “không phụ thuộc” vào tiền bạc.

Ở bài viết Thu nhập thụ động chúng ta đã biết, người có thu nhập thụ động chưa chắc đã giàu có và người giàu có chưa chắc đã có thu nhập thụ động, mà thu nhập thụ động là yếu tố quyết định tự do tài chính, nên Người TDTC chưa hẳn đã giàu có và người giàu có chưa chắc đã tự do tài chính.

Vì yếu tố quyết định vẫn là có thu nhập thụ động hay không.

Ví dụ,

Anh Quang là chủ của một công ty (ngoài công ty ra anh ta không làm thêm công việc nào khác) và rất giàu có. Mặc dù rất giàu có nhưng anh ta vẫn phải làm việc vì tiền và vẫn phải chịu áp lực từ công việc.

Hoạt động của công ty phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài chính, nguồn lao động, nhu cầu thị trường, thời gian, công nghệ,… với những rủi ro và biến động thường xuyên.

Do đó, đòi hỏi anh ta phải có chiến lược, kế hoach, kiểm tra giám sát sự hoạt động của công ty, nếu không, công ty có thể sẽ sụp đổ và thu nhập của anh ta sẽ bằng không.

Anh ấy không TDTC vì không có thu nhập thụ động đồng thời phải bám sát công việc của mình.

Còn chị Thủy là giáo viên dạy Tiếng Anh có kinh nghiệm 10 năm. Ngoài giờ dạy ở trường thì cô ấy còn xây dựng một khóa học online trên website UnicaMột khóa học cô ấy bán 499.000 đồng cho mỗi học viên đăng ký. 

Lúc này, mặc dù cô ấy không giàu có bằng anh Quang nhưng lại TDTC nhờ có khoản thu nhập thụ động, miễn sao thu nhập của chị ấy lớn hơn chi phí.

Nếu tự do tài chính và giàu có không phải là một thì chúng có liên quan gì đến nhau không? Mời bạn xem các phần tiếp theo.

Tại Sao Có Thu Nhập Thụ Động Mà Không Tự Do Tài Chính?

“Con đường nào cũng dẫn đến thành Rome”

Có thể có nhiều cách để đi đến tự do tài chính nhưng dù bằng cách nào đi nữa thì chúng ta cũng phải đi qua một đoạn đường có tên là Thu nhập thụ động. Bởi thu nhập thụ động là yếu tố nền tảng để đạt được tự do tài chính hay không.

Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta có thu nhập thụ động mà vẫn không đạt được tự do tài chính ???

Chúng ta không đạt được TDTC mặc dù đã có thu nhập thụ động là vì một số lý do như suy nghĩ sai về tiền bạc, mua tiêu sản nhiều hơn tài sản, chi tiêu vượt quá thu nhập, không cân đối được tài chính cá nhân, sử dụng sai mục đích của vốn vay,…

Lý do chúng ta có thu nhập thụ động mà vẫn không TDTC (cũng chính là con đường đi đến TDTC) được thể hiện thông qua hình sau đây và sẽ được giải thích chi tiết trong phần kế tiếp:

con đường đi đến tự do tài chính

 

Chi Tiết Cách Để Đạt Được Tự Do Tài Chính

– Thay Đổi Tư Duy Về Tiền Bạc.

Hầu hết chúng ta vẫn hay có suy nghĩ là “tiền bạc và giàu có có thể giải quyết được tất cả”, “chỉ cần trở nên giàu có thì mọi việc khác tự động sẽ được giải quyết”,…

Từ đó chúng ta vô tình xem tiền bạc là mục đích đồng thời trao toàn quyền kiểm soát vào tay của đồng tiền và dễ dàng bị cuốn vào sự “cám dỗ” của đồng tiền mà quên mất những điều xung quanh, thậm chí có người sẵn sàng trả mọi giá để kiếm tiền.

Khát khao được trở nên giàu có thì không có gì xấu và hoàn toàn đáng trân trọng, nhưng nếu chỉ chăm chăm làm giàu mà quên mất cần phải TDTC thì sẽ là một thiếu sót. Bởi nếu không, chúng ta sẽ đánh mất những lợi ích lớn lao do tự do tài chính mang lại.

Vậy, thay vì tôn sùng và xem tiền bạc là mục đích thì chúng ta hãy đưa tiền bạc trở về với đúng vị trí vốn có của nó, đó là một phương tiện để chúng ta thực hiện những khía cạnh khác của cuộc sống.

Việc xem “đồng tiền là phương tiện” chứng tỏ rằng từ bên trong chúng ta, chúng ta không còn phụ thuộc vào đồng tiền nữa. Chiến thắng “sự phụ thuộc vào đồng tiền” từ bên trong sẽ là nền tảng để chúng ta đạt được tự do tài chính ở bên ngoài.

Hơn nữa, nếu tận dụng được những lợi ích mà TDTC mang lại (như mục 2) thì chúng ta có thể trở nên giàu có hơn.

– Gia Tăng Mua Tài Sản Và Ngừng Mua Tiêu Sản

độc lập tài chính

Có một việc quan trọng không kém so với việc thay đổi suy nghĩ về tiền bạc đó là phân biệt được Tài sản và tiêu sản.

Tài sản là những thứ mang lại thu nhập cho bạn, hoặc mang lại thu nhập lớn hơn chi phí bạn phải bỏ ra.

Ví dụ, Các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu,… một căn nhà cho thuê hay một quán cafe là tài sản bởi vì chúng mang lại thu nhập cho bạn.

Tiêu sản là những thứ không những không mang lại thu nhập mà còn dần dần còn lấy đi thu nhập của bạn, hoặc là những thứ mang lại thu nhập nhưng thu nhập đó nhỏ hơn số chi phí đã bỏ ra ban đầu.

Ví dụ, Các khoản nợ vay ngân hàng, nợ thẻ tín dụng, chiếc xe bạn đang đi,… đó là tiêu sản, mỗi tháng bạn phải trích một phần thu nhập để trả các chi phí đó.

Để có thể trở nên giàu có hơn giúp cho sự tự do tài chính được bền vững hơn thì chúng ta cần gia tăng mua tài sản và giảm thiểu việc mua tiêu sản.

Xem thêm: Tài Sản Và Tiêu Sản Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Tài Sản Và Tiêu Sản

– Trả Hết Nợ

Sẽ thế nào nếu vào một ngày trong xanh bạn nói với đứa bạn của bạn một cách tự hào là: “Tao đang tự do tài chính và sẽ trở nên giàu có”,

Ngay lập tức bạn của bạn trả lời rằng: “Vậy à, thế thì trả nợ tao đi!” ?

Nếu 2 việc trên là nằm trong suy nghĩ của chúng ta thì trả nợ sẽ là việc đầu tiên chúng ta nên làm khi tự do tài chính.

Nếu bạn không hề có nợ, xin chúc mừng bạn.

Nếu bạn đang có nợ, chúng ta cần trở nợ, chắc chắn rồi!

Bởi vì các khoản nợ sẽ làm tăng tổng chi phí hàng tháng của bạn. Việc trả hết nợ sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng về tinh thần và gánh nặng về tài chính.

Một cái thở phào nhẹ nhõm sẽ bắt đầu cho sự gia tăng tiền bạc của bạn về sau khi không còn nợ.

Hơn nữa, việc trả hết nợ sẽ làm các khoản chi phí hàng tháng giảm đi, là nền tảng và tạo động lực mạnh mẽ hơn để bạn đến gần hơn với TDTC.

– Tiết Kiệm

các bước đạt được TDTC

Nếu tổng chi phí hàng tháng đều lớn hơn hoặc bằng tổng thu nhập hàng tháng của chúng ta thì chúng ta rất dễ đi vào con đường nợ nần và việc đạt được tự do tài chính sẽ xa xôi hơn. Bạn có thể xem chi tiết các cách tiết kiệm tiền hiệu quả tại bài viết này.

– Quản Lý Tài Chính Cá Nhân

Nếu chỉ có tiết kiệm thì vẫn chưa đủ để chúng ta trở nên giàu có và tự do tài chính.

Bởi vì, giàu có đến từ sự sinh sôi nảy nở của đồng tiền và tự do tài chính đến từ thu nhập thụ động.

Trước khi bắt đồng tiền làm việc cho mình để nó sinh sôi và tạo ra thu nhập thụ động (bằng đầu tư) thì chúng ta cần phải quản lý tài chính cá nhân thật tốt.

Bạn có thể áp dụng một số phương pháp tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả đã được ứng dụng rãi trên thế giới như:

+ Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính

+ Phương pháp Kakeibo – Nghệ thuật quản lý chi tiêu của người Nhật

+ Quy tắc 50/20/30 trong quản lý tài chính cá nhân.

– Quản Lý Vốn Vay Hiệu Quả

cách đạt được tự do tài chính

Mặc dù đã tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân tốt nhưng có thể vì một lý do nào đó mà chúng ta vay vốn ngân hàng.

Ví dụ như mua nhà, xây sửa nhà, vay vốn làm ăn kinh doanh, vay vốn để đi du học, làm đám cưới, hoặc chữa bệnh,…

Lúc này, chúng ta cần có cách để quản lý vốn vay hiệu quả, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm, và có kế hoạch hoàn trả vốn vay kịp thời.

Nếu không sử dụng vốn vay đúng cách, sai mục đích, làm tiêu hao vô ích hoặc không có kế hoạch trả nợ thì chúng ta dễ bị mất cân bằng tài chính, nợ nần kéo dài làm cho lung lay sự tự do tài chính.

Để tìm hiểu về cách quản lý vốn vay hiệu quả, mời bạn xem tại Bài viết này.

– Tạo Thu Nhập Thụ Động

Thu nhập thụ động là điều kiện tiên quyết để chúng ta tự do tài chính. Chừng nào chúng ta chưa có thu nhập thụ động thì chừng đó chúng ta chưa đạt TDTC.

Như phần trên có nói, thu nhập thụ động là nguồn thu nhập mặc định chắc chắn bạn sẽ nhận được dù bạn không cần làm việc hoặc làm việc rất ít, có nguồn gốc từ quá trình Lao động đã được Tích Lũy lâu dài trước đó.

Để có thể xây dựng được nguồn thu nhập thụ động bền vững thì chúng ta cần một quá trình lao động và lựa chọn kênh tạo thu nhập đúng đắn.

– Đầu Tư (tài chính)

Việc đầu tư (tài chính) cũng có thể giúp chúng ta tạo thu nhập thụ động nhưng được tách ra riêng biệt với mục đích là phân biệt với các nguồn thu nhập thụ động khác.

Hầu hết với các cách tạo thu nhập thụ động thì chúng ta đều dùng sức lao động để tạo ra tiền, còn đầu tư là chúng ta dùng tiền để tạo ra tiền, là level cao nhất trong những cách kiếm tiền.

Để tìm hiểu về những cách kiếm tiền, mời bạn tham khảo bài viết về Kim tứ đồ.

Chúng ta có một số cách đầu tư tài chính phổ biến như:

– Đầu tư chứng khoán: cổ phiếu, trái phiếu. Nếu nhà đầu tư không có nhiều thời gian hoặc chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán thì có thể tham gia đầu tư chứng chỉ quỹ, ủy thác cho một quỹ đầu tư,…

– Đầu tư cho vay ngang hàng.

– Đầu tư forex.

– Đầu tư vàng.

– Đầu tư bất động sản.

Cấp Độ 2 Của Tự Do Tài Chính

Phần 1 là tổng hợp những điều kiện mà chúng ta nên làm, trong đó thu nhập thụ động là điều bắt buộc phải có để mỗi cá nhân đạt được tự do tài chính.

Phần Cấp độ 2 của TDTC này đơn giản chỉ như một lời khuyên chân thành để giúp sự tự do tài chính được vững bền.

Vì vậy, phần này được xem là tham khảo và tùy thuộc vào hoàn cảnh, định hướng của mỗi cá nhân.

– Hình Vuông Thu Nhập

Dự trên 2 tiêu chí là có thu nhập thụ động hay không và mức độ thu nhập là cao hay thấp mà chúng ta có thể chia ra 4 kiểu thu nhập như sau:

hình vuông thu nhập

Ô vuông số 1 là những người có thu nhập cao nhưng không có thu nhập thụ động, tức chưa TDTC.

Ô vuông số 2 là những người vừa giàu có vừa tự do tài chính

Ô vuông số 3 là những ai có thu nhập thấp và không có thu nhập thụ động

Ô vuông số 4 là những cá nhân có thu nhập thụ động nhưng mức độ thu nhập không cao.

Việc phân chia ra các kiểu như trên chỉ có ý nghĩa tương đối, nhằm mục đích giúp chúng ta hình dung về các mức độ thu nhập, bởi thu nhập “cao” hay “thấp”, “đủ” hay “không đủ” thì hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm, hoàn cảnh sống, mức độ chi tiêu của mỗi người.

Theo hình vuông thu nhập, chúng ta dễ dàng nhận ra cấp độ cao nhất của TDTC chính là ô vuông số 2, Vừa tự do tài chính vừa giàu có.

– Xây Dựng Tự Do Tài Chính Bền Vững

Có thể nói chỉ cần có thu nhập thụ động (thu nhập thụ động lớn hơn tổng chi tiêu) là chúng ta đã đạt được tự do tài chính.

Nhưng có 2 câu hỏi đặt ra là:

+ “Liệu nguồn thu nhập của chúng ta có đủ lớn để chi trả cho mọi quyết định (đúng đắn) trong cuộc sống?” 

+ “Sự TDTC đó sẽ đứng vững trong bao lâu khi những kịch bản chứa đựng những biến cố, rủi ro ập đến?”

Ví dụ như,

+ Khi chúng ta lập gia đình và sinh con. Giả sử như bạn bắt đầu có thu nhập thụ động 20 triệu/tháng, tiết kiệm được 10 triệu/tháng, sau 1 năm bạn có 120 triệu.

Đây cũng là lúc “Bác sĩ bảo” bạn và người ấy phải cưới gấp, đồng thời bạn/người ấy sinh đôi. Lúc này 120 triệu chưa đủ để trang trải mọi chi phí cho gia đình mới)

+ Khi bạn cần vốn để khởi nghiệp, làm ăn, kinh doanh (vài tỷ, vài chục tỷ, vài trăm tỷ,…)

+ Khi bạn yêu thích một căn nhà có giá gấp hàng ngàn lần thu nhập của mình?

+ Khi chúng ta cần rất nhiều tiền để chữa bệnh cho người thân.

+ Khi chúng ta cần rất nhiều tiền để lo cho biến cố của gia đình: vỡ nợ, trả nợ, kiện tụng,…

+ Khi không may chúng ta bị tai nạn, hỏa hoạn cần rất nhiều tiền để chạy chữa, phục hồi…

Khi những sự kiện trên xảy ra, chúng ta sẽ hoặc là không đủ khả năng đáp ứng, hoặc là thu nhập không bù nổi chi tiêu, hoặc chúng ta dễ lâm vào cảnh nợ nần.

Lúc này, những khoản tiền tiết kiệm được và nguồn thu nhập thụ động vốn có của chúng ta chỉ như “muối bỏ biển”. Kéo theo đó là sự tự do tài chính mà chúng ta xây dựng bị lung lay và sụp đổ.

Để có thể bảo đảm bền vững cho sự TDTC, chúng ta có một số cách làm là:

(1) Gia tăng thu nhập và Đa dạng hóa nguồn thu nhập.

Ở phần 3 chúng ta đã biết rằng người giàu có chưa chắc đã TDTC, người TDTC chưa chắc đã giàu có.

Sẽ thế nào nếu bạn có cả 2 thứ đó?

Tức là bạn vừa giàu có vừa tự do tài chính. Bạn vừa có những “đặc quyền” của người giàu có vừa có những “đặc ân” được nhận từ sự TDTC.

Sự giàu có của bạn sẽ củng cố thêm cho sự TDTC (gia tăng khả năng chi tiêu, phòng tránh rủi ro).

Ngược lại, khi bạn tự do tài chính bạn có thể tận dụng để làm mình trở nên giàu có hơn.

Cụ thể, bạn có thể tận dụng sự tự do về thể chất, tinh thần, thời gian, ý chí, mong ước,…để học tập thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng, mở rộng quan hệ xã hội, tạo nguồn lực và tìm kiếm cách thức gia tăng và đa dạng hóa nguồn thu nhập cho mình.

Với cách làm hiện tại, bạn có thể làm gì thêm để gia tăng thu nhập cho mình? Hơn nữa, bạn có muốn mình phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất hay không?

Hầu hết những người giàu có và thành công họ đều có ít nhất 3 nguồn thu nhập cho mình và không ngừng tìm cách gia tăng thu nhập.

Bạn đừng nên phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất mà hãy xây dựng cho mình ít nhất là 3 nguồn thu nhập.

Bạn có thể vừa có thu nhập thụ động, vừa làm thuê hoặc vừa làm chủ, vừa tự doanh, vừa nhà đầu tư, hoặc bạn có thể làm cả 4 vai trò trên tùy thuộc vào khả năng của bạn.

Những việc này sẽ giúp bạn gia tăng số tài sản mình có và giúp sự TDTC được vững bền hơn.

(2) Mua “Bảo hiểm tự do tài chính”.

Khi rủi ro xảy ra mà có ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần thì dù có bao nhiêu tiền chúng ta cũng khó mà có lại được.

Thậm chí, những rủi ro đó còn làm tiêu hao, sói mòn đi nguồn lực tài chính, số tài sản vốn có của mình.

Ví dụ như xảy ra cháy nhà, tai nạn giao thông, hay ốm đau bệnh tật,… những rủi ro này đều tiêu tốn của chúng ta rất nhiều tiền bạc, nhẹ thì “hũ tiền” bị vơi đi, nặng thì đánh sập sự TDTC.

Có thể chúng ta rất giàu, mất đi một số tiền nhất định cũng không sao hoặc chúng ta có kiếm lại được ngay sau đó.

Nhưng tại sao chúng ta lại để mất tiền trong khi mình hoàn toàn có khả năng giữ nó lại dù biến cố, rủi ro xảy ra như thế nào?

Để có thể phòng tránh những rủi ro dạng này, chúng ta có thể sử dụng một số hình thức bảo hiểm như: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tài sản,…

(3) Chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra.

Cuối cùng, chính là việc bạn chuẩn bị hết các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống của mình.

Bởi cuộc sống vốn luôn thay đổi và có nhiều biến cố, rủi ro có thể xảy ra. Việc chúng ta chuẩn bị trước sẽ giúp tạo một tâm thế tự tin hơn, an nhiên hơn.

Khi sự việc xảy đến thì chúng ta đã có biện pháp phòng tránh hay ứng phó kịp thời, qua đó giúp bảo vệ vững vàng tình hình tài chính, kéo theo đó là bảo vệ hạnh phúc của chính mình và người thân.

Kết Luận

Rõ ràng rằng tự do tài chính mang lại những lợi ích to lớn và là khát khao cháy bỏng của mỗi chúng ta. Chừng nào chúng ta chưa TDTC thì chúng ta chưa thật sự đạt được tự do cá nhân.

Phần này, chúng ta sẽ tổng kết những nội dung chính về TDTC.

Công thức tự do tài chính gồm có: (1) Xem đồng tiền là phương tiện thay vì là mục đích, (2) Gia tăng mua tài sản và giảm thiểu việc mua tiêu sản, (3) Trả hết nợ, (4) Tiết kiệm, (5) Quản lý tài chính cá nhân, (6) Quản lý vốn vay, (7) Xây dựng thu nhập thụ động, (8) Đầu tư.

bát giác tự do tài chính

– Người Tự do tài chính chưa chắc đã giàu có nhưng TDTC sẽ là nền tảng để trở nên giàu có hơn.

– Người Giàu có chưa chắc đã tự do tài chính, nhưng sự giàu có sẽ giúp sự tự do tài chính trở nên vững vàng hơn.

– Thu nhập thụ động là nền tảng, là điều kiện tiên quyết để đạt được tự do tài chính, đồng thời Thu nhập thụ động cũng góp phần tạo nên sự giàu có.

– TDTC có nguồn gốc từ thu nhập thụ động

– TDTC bền vững có nguồn gốc từ đa dạng nguồn thu nhập, gia tăng nguồn thu nhập và “bảo hiểm tự do tài chính”.

Hy vọng bạn sẽ ứng dụng dễ dàng những thông tin này để tự mình đạt được tự do tài chính, và bạn đừng quên chia sẻ điều này với bạn bè, người thân của chúng ta nhé!

Chúc bạn thành công!

Photo of author

Kẻ Khù Khờ

"Ta đi theo bóng mặt trời từ hạ tới hay đông dần qua, khi những đam mê còn nồng cháy thì chặng đường đó sẽ không hề xa" - Đen