Home » Hàm Tài Chính » Hàm FV Trong Excel, Cú Pháp, Cách Dùng Hàm Và Một Số Bài Tập

Hàm FV Trong Excel, Cú Pháp, Cách Dùng Hàm Và Một Số Bài Tập

vay tiền avay

Hàm FV trong excel là một hàm tài chính quan trọng có chức năng tính toán giá trị tương lai của những dòng tiền đều cố định. Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết được Hàm FV trong Excel là gì, Chức năng Hàm FV dùng để làm gì? Cú pháp hàm FV, cách dùng hàm FV trong Excel và một số bài tập hàm FV thường gặp.

Hàm FV Trong Excel Là Gì?

Hàm FV là hàm tài chính được dùng để tính toán giá trị tương lai của một dòng tiền đều hoặc một khoản tiền phát sinh ở thời điểm hiện tại dựa trên một mức lãi suất cố định.

FV” là viết tắt của từ “Future Value” có ý nghĩa là Giá trị tương lai.

Hàm FV có chức năng là dùng để tính giá trị tương lai của một số dòng tiền đều hoặc các khoản tiền như: Các khoản đầu tư, khoản gửi tiết kiệm đều đặn vào mỗi tháng, một khoản tiền tiết kiệm cụ thể mà bạn gửi một lần.

Cú Pháp Hàm FV Trong Excel

Hàm tài chính FV trong Excel có cú pháp như sau:

FV(Rate, Nper, PMT, [PV], [Type])

công thức hàm fv trong excel
Công Thức Hàm FV Trong Excel

Trong đó:

– Rate là lãi suất theo kỳ hạn. Đây là đối số bắt buộc phải có trong công thức hàm FV.  

– Nper là tổng số kỳ hạn thanh toán cho dòng tiền. Đây là đối số bắt buộc phải có trong công thức hàm FV.

– PMT là khoản thanh toán cho mỗi kỳ và cố định, không đổi. Nếu bạn bỏ qua PMT thì Excel sẽ mặc định PMT = 0 và chúng ta phải đưa đối số PV vào cú pháp hàm FV.

– PV là giá trị hiện tại hoặc số tiền trả một lần hiện tại có giá trị tương đương với một chuỗi các khoản thanh toán trong tương lai.

Nếu PV được bỏ qua, thì Excel sẽ mặc định PV = 0 và bạn phải đưa vào đối số PMT.

– Type được dùng thể hiện hình thức thanh toán là đầu kỳ hay cuối kỳ. Nếu thanh toán vào đầu kỳ thì Type = 1, nếu thanh toán vào cuối kỳ thì Type = 0. Nếu Type được bỏ qua thì mặc định Type = 0.

Xem thêm: Hàm PV Là Gì? Cách Dùng Hàm PV Trong Excel Và Bài Tập Thường Gặp

Lưu ý Khi Dùng Hàm FV Trong Excel

(1) Bạn hãy đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng đơn vị của 3 đối số là Nper, PMT và Rate, tức là thống nhất tính theo tháng, hay quý, hay năm.

+ Nếu PMT là số tiền/tháng thì Nper là số tháng và Rate là lãi suất tính trên tháng.

+ Nếu PMT là số tiền/năm thì Nper là số năm và Rate là lãi suất tính trên năm.

V.v…

(2) Về dấu của PMT và PV, nếu tiền “chảy vào túi” thì chúng ta hãy nhập số dương, nếu tiền “ra khỏi túi” thì chúng ta hãy nhập số âm.

(3) Để Hàm tài chính FV có nghĩa thì bắt buộc phải có 1 trong 2 đối số PV hoặc PMT.

(4) Với đối số Rate thì chúng ta có thể nhập dạng phần trăm, ví dụ như 3%, hoặc dạng thập phân, ví dụ như 0.03.

Một Số Bài Tập Hàm FV Thường Gặp

#1. Trường Hợp 1, Tính FV Khi Biết PMT, PV = 0

Ví dụ 1:

Vào đầu mỗi tháng, bạn gửi tiết kiệm ngân hàng một số tiền là 3 triệu đồng, lãi suất tiền gửi ngân hàng là 8%/năm. Hỏi sau 2 năm, bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản.

bài tập hàm fv trong excel
Bài Tập Hàm FV Trong Excel

Ta có,

+ Rate = 8%/12

+ Nper = 2*12 = 24 tháng

+ PMT = 3 triệu đồng, mang dấu âm vì số tiền này “chảy ra khỏi túi” bạn.

+ PV = 0 vì ban đầu bạn không gửi gì.

+ Type = 1, vì bạn gửi tiền vào đầu tháng.

Ta có hàm FV như sau:

=FV(8%/12, 24, -3000, 0, 1) hoặc

=FV(8%/12, 24, -3000,, 1), kết quả là FV = 78.318.233 đồng.

Ví dụ 2:

Bạn đi học đại học trên thủ đô Hà Nội. Đầu mỗi tháng bố mẹ gửi cho bạn 3 triệu đồng làm chi phí sinh hoạt. Hỏi trong 4 năm học đại học, bố mẹ đã cho bạn bao nhiêu tiền (không tính tiền học phí). Giả sử bạn ở lại thành phố để học cả mùa hè. Biết lãi suất ngân hàng là 10%/năm và bỏ qua lạm phát.

bài tập hàm future value trong excel
Bài Tập Hàm FV Trong Excel

Ta có:

+ Rate = 10%/12

+ Nper = 4*12 = 48 tháng.

+ PMT = 3 triệu đồng, mang dấu dương vì số tiền này “đi vào túi” của bạn.

+ PV = 0.

+ Type = 1. Vì chúng ta “nhận lương” từ bố mẹ vào đầu mỗi tháng.

Ta có cú phàm hàm FV như sau:

= FV(10%/12, 48, 3000, 0, 1) hoặc

= FV(10%/12, 48, 3000,, 1). Kết quả là FV = 177.635.538 đồng.

FV mang dấu âm vì đây là số tiền phí sinh hoạt chúng ta nợ bố mẹ trong 4 năm học đại học.

#2. Trường Hợp 2, Tính FV Khi Biết PV, PMT = 0

Ví dụ,

Bạn gửi tiết kiệm ngân hàng một số tiền là 100 triệu đồng với lãi suất 8%/năm. Hỏi sau 10 năm bạn có bao nhiêu tiền. (Giả định lãi suất không đổi và bỏ qua lạm phát).

công thức tính future value trong excel
Bài Tập Hàm FV Trong Excel

Ta có,

+ Rate = 8%/năm

+ Nper = 10 năm

+ PMT = 0 vì bạn chỉ gửi tiền một lần, sau đó không gửi thêm nữa.

+ PV = 100 triệu đồng, mang dấu âm vì số tiền này “chạy ra khỏi túi” bạn

+ Type. Vì PMT = 0 nên Type bằng 0 hay 1 cũng đều cho 1 kết quả.

Ta có hàm FV như sau:

= FV(8%, 10, 0, -100000, 0) hoặc

= FV(8%, 10,, -100000, 1) hoặc

= FV(8%, 10, 0, -100000), kết quả FV = 215.892.500 đồng.

Xem thêmHàm PMT Trong Excel Là Gì? Cách Dùng Hàm PMT Và Bài Tập Chi Tiết

#3. Trường Hợp 3, Tính FV Khi PMT Khác 0, PV Khác 0.

Ví dụ 1:

Bạn gửi tiết kiệm ngân hàng 50 triệu, sau đó cuối mỗi tháng bạn gửi thêm đều đặn số tiền là 5 triệu, lãi suất tiền gửi là 12%/năm. Hỏi sau 5 năm bạn nhận bao nhiêu tiền? (Bỏ qua lạm phát).

future value
Bài Tập Hàm FV Trong Excel

Ta có,

+ Rate = 12%/12 = 1%/tháng.

+ Nper = 5*12 =60 tháng

+ PMT = 5 triệu, mang dấu âm, vì số tiền này “chảy ra khỏi túi” bạn.

+ PV = 50 triệu. Là số tiền ban đầu (ở thời điểm hiện tại) bạn gửi ngân hàng. PV cũng mang dấu âm vì số tiền “chạy khỏi túi bạn”.

+ Type = 0, vì bạn gửi vào cuối mỗi tháng.

Ta có cú pháp hàm như sau:

= FV(12%/12, 60, -5000, -50.000, 0) hoặc

= FV(12%/12, 60, -5000, -50.000), kết quả là FV = 499.183.184 đồng.

Ví dụ 2:

Bạn gửi vào ngân hàng 500 triệu đồng với lãi suất 8%/năm, sau đó cứ vào đầu mỗi tháng, bạn rút ra 5 triệu đồng để chi tiêu. Hỏi sau 5 năm tài khoản của bạn còn bao nhiêu tiền?

bài tập hàm fv trong excel
Bài Tập Hàm FV Trong Excel

Ta có,

+ Rate = 8%/12

+ Nper = 5*12 = 60 tháng

+ PMT = 5 triệu đồng, mang dấu dương vì số tiền này “chảy vào túi” bạn.

+ PV = 500 triệu đồng, mang dấu âm vì số tiền “chạy khỏi túi” bạn.

+ Type = 1, vì bạn rút tiền vào đầu tháng.

Ta có công thức hàm như sau:

= FV(8%/12, 60, 5000, -500.000, 1), kết quả là FV = 375.089.344 đồng.

Có thể bạn quan tâm:

Hàm NPV Là Gì? Hướng Dẫn Cách Tính NPV Trong Excel

Hàm PPMT Là Gì? Cách Dùng Hàm Tài Chính PPMT Trong Excel

Kết Luận

Rõ ràng rằng, hàm tài chính FV có chức năng quan trọng trong việc giúp chúng ta tính toán giá trị tương lai của một dòng tiền đều.

Hy vọng sau bài viết này, bạn đã biết được hàm FV trong Excel là gì, Chức năng hàm FV, Cú pháp hàm FV trong Excel, cũng như cách dùng hàm FV để giải một số bài tập thường gặp, qua đó ứng dụng dễ dàng vào việc học tập và làm việc của mình.

Để tìm hiểu các hàm tài chính khác, mời bạn tham khảo tại đây

Chúc bạn thành công!

Photo of author

Kẻ Khù Khờ

"Ta đi theo bóng mặt trời từ hạ tới hay đông dần qua, khi những đam mê còn nồng cháy thì chặng đường đó sẽ không hề xa" - Đen