Hàm MIRR là một sự nâng cấp của hàm tài chính IRR trong Excel, giống như chỉ số MIRR là một phiên bản mới hoàn thiện hơn chỉ số IRR thông thường. Trong bài viết này chúng ta hãy tìm hiểu hàm MIRR là gì, công thức của hàm MIRR và cách tính MIRR trong Excel để tính toán tỷ suất hoàn vốn nội bộ có hiệu chỉnh của một dòng tiền.
Hàm MIRR Là Gì?
Hàm MIRR là một hàm tài chính trong Excel giúp tính toán tỷ suất hoàn vốn nội bộ có hiệu chỉnh (hay tỷ suất sinh lợi nội bộ có hiệu chỉnh) của một dự án đầu tư có dòng tiền định kỳ.
MIRR là suất sinh lợi nội bộ đã được điều chỉnh để khắc phục một số hạn chế của chỉ số IRR dạng chuẩn. MIRR là viết tắt của Modified Internal Rate of Return.
Có thể bạn đã biết MIRR là gì, nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng ta hãy cùng xem lại MIRR là gì (và cũng là chia sẻ với những ai chưa thật sự rõ). Vì khi hiểu được ý nghĩa của MIRR thì chúng ta sẽ cảm thấy thích thú hơn khi nhập hàm Excel.
Định Nghĩa Suất Sinh Lời Nội Bộ Hiệu Chỉnh MIRR
MIRR là suất sinh lời nội bộ hiệu chỉnh (hay điều chỉnh) của một dự án đầu tư có phát sinh các dòng tiền định kỳ.
Định nghĩa này tuy đơn giản nhưng vẫn khá khó hiểu và chưa thể hiện được bản chất của MIRR. Để có thể hiểu chính xác MIRR, chúng ta cần bắt đầu với IRR.
Giả định rằng một dự án đầu tư có vốn ban đầu là Po và đầu tư hết số tiền này vào năm 0. Trong 5 năm sau đó dự án đều phát sinh thu nhập dương (dòng tiền dương, thực thu lớn hơn thực chi) và có IRR = a%.
Đồng thời, người ta đem toàn bộ số thu nhập qua các năm này đi tái đầu tư, năm nào có thu nhập thì ta đầu tư ngay trong năm đó luôn, cứ như vậy đến khi kết thúc vòng đời dự án.
Như vậy, nếu xét theo IRR thì số tiền đem đi tái đầu tư đó sẽ sinh lợi một mức bằng IRR = a%.
Điều này là không đúng so với thực tế, bởi vì tỷ suất lợi nhuận tái đầu tư ở các năm sau không giống như IRR mà phụ thuộc vào tình hình của thị trường. Tỷ suất này có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc bằng IRR ban đầu.
Nếu tỷ suất này nhỏ hơn so với IRR thì IRR đã đánh giá dự án quá lạc quan. Nếu tỷ suất này lớn hơn IRR thì IRR đã đánh giá thiếu chính xác. Thông thường thì tỷ suất tái đầu tư sẽ nhỏ hơn so với IRR ban đầu.
Bên cạnh đó, một số dự án còn có nhiều IRR khác nhau, dẫn đến việc đánh giá dự án khó khăn hơn. Từ đó, chúng ta cần một chỉ số mới là MIRR.
Ý Nghĩa Của MIRR
Giả định rằng tất cả số thu nhập của dự án đều được chúng ta tái đầu tư với một tỷ suất lợi nhuận mới là b% (b khác a).
Từ đó, ta có giá trị tương lai của các khoản tái đầu tư này khi kết thúc dự án là F, được cho trong phương trình (1), với CFi là thu nhập của năm i, n là tổng số giai đoạn đầu tư.
Để đánh giá dự án, hay để tính mức lợi nhuận của dự án, chúng ta cần quy giá trị của F về hiện tại sao cho bằng với số vốn đầu tư ban đầu Po, được thể hiện trong phương trình (2).
Trong đó, r là suất chiết khấu để tính hiện giá của F. Nếu tương ứng với r, ta có hiện giá của F bằng Po thì r được gọi là tỷ suất hoàn vốn nội bộ có hiệu chỉnh MIRR.
Vậy, MIRR có ý nghĩa là suất chiết khấu mà tại đó hiện giá của tổng lợi nhuận khi kết thúc dự án bằng với vốn đầu tư ban đầu, được gọi là tỷ suất hoàn vốn nội bộ có hiệu chỉnh. Giá trị của MIRR thường sẽ nhỏ hơn so với IRR.
Ưu điểm của MIRR là có thể giải quyết được một số hạn chế của IRR, đó là: (1) Không tồn tại nhiều nghiệm như chỉ số IRR và (2) Các khoản thu nhập của dự án được tái đầu tư với lãi suất chiết khấu của thị trường nên sát với thực tế hơn.
Cách Sử Dụng Hàm MIRR Trong Excel
Tương tự như hàm IRR, Hàm MIRR cũng chỉ sử dụng được đối với các dòng tiền định kỳ. Nếu cần tính tỷ suất hoàn vốn nội bộ của dòng tiền không theo định kỳ bạn hãy dùng hàm XIRR.
Thông thường, để đánh giá một dự án (hay một dòng tiền) nào đó, chúng ta hay sử dụng 2 chỉ số phổ biến nhất là IRR và NPV thông qua 2 hàm IRR và hàm NPV.
Tuy nhiên, nếu thu nhập của dự án được đem đi tái đầu tư hoặc chúng ta muốn đánh giá mức sinh lợi sát thực tế nhất của dự án thì chúng ta có thể dùng hàm MIRR.
Công Thức Hàm MIRR Trong Excel
Hàm MIRR có công thức là: = MIRR(Values, Finance_Rate, Reinvest_Rate)
Trong đó:
– Values là chuỗi các giá trị dòng tiền của dự án, hay là dòng ngân lưu ròng (Thu nhập ròng) của dự án trong từng giai đoạn đầu tư. Values là đối số bắt buộc trong hàm MIRR.
Ngân lưu ròng (Thu nhập ròng) = Thực thu – Thực chi.
– Finance_Rate là chi phí vốn, hay lãi suất vay ngân hàng. Lãi suất này là chi phí chúng ta phải chịu nếu vay tiền để đầu tư. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể xem lãi suất vay này là suất chiết khấu. Đây là đối số bắt buộc phải có trong hàm MIRR. Finance_Rate được dùng để chiết khấu dòng tiền âm.
– Reinvest_Rate là lãi suất tái đầu tư, hay tỷ suất lợi nhuận tái đầu tư. Đây là đối số bắt buộc trong hàm MIRR. Reinvest_Rate dùng để tính giá trị tương lai của dòng tiền dương.
Lưu ý Khi Sử Dụng Hàm MIRR
– Các giá trị trong đối số Values cần đổi dấu ít nhất một lần, tức phải chứa ít nhất một giá trị dương và một giá trị âm. Nếu không thì hàm MIRR sẽ báo lỗi #DIV/0!.
– Bạn hãy chú ý đến dấu của dòng tiền, nếu ngân lưu ròng nhỏ hơn 0 bạn hãy đặt dấu âm, ngược lại bạn hãy đặt dấu dương trước dòng tiền.
– Nếu lãi suất vay (chi phí sử dụng vốn, suất chiết khấu) bằng 0, bạn hãy nhập số 0 chứ không nên bỏ qua.
– Excel sẽ dựa trên thứ tự của các giá trị trong đối số Values để hiểu thứ tự của các dòng tiền, do đó bạn hãy đảm bảo mình sắp xếp thứ tự đúng cho các dòng tiền này.
– Nếu một ô nào đó là ô trống, hoặc chứa văn bản hoặc chứa giá trị logic thì sẽ bị bỏ qua, nhưng nếu có giá trị bằng 0 thì sẽ được tính.
- Xem thêm:
Cách Tính Giá Trái Phiếu Bằng Hàm Price Trong Excel (Từ A – Z)
Hàm XNPV Là Gì? Cách Sử Dụng Hàm XNPV Trong Excel
Một Số Bài Tập Tính MIRR Bằng Excel
Bài Tập 1
Một dự án đầu tư có vốn ban đầu là 100 tỷ VNĐ, hoạt động trong 4 năm. Trong năm thứ nhất, dự án có dòng tiền là 40 tỷ, năm thứ 2 là 48 tỷ, năm thứ 3 là 55 tỷ, năm thứ 4 là 70 tỷ. Giả định rằng mọi thu nhập từ dự án đều được đem đi tái đầu tư với tỷ suất lợi nhuận là 10%. Hãy tính suất sinh lời nội bộ của dự án. Biết dự án chỉ đầu tư một lần và không đi vay.
Lời Giải
Từ những thông tin trên, chúng ta dễ dàng tính được suất sinh lợi bộ của dự án thông qua hàm IRR trong Excel là IRR = 34.65%.
Nhưng vì thu nhập của dự án được đem đi tái đầu tư, chúng ta cần tính suất sinh lợi nội bộ hiệu chỉnh để đánh giá mức lợi nhuận thực tế mà dự án này mang lại.
Vì dự án chỉ đầu tư một lần và không đi vay nên chi phí vốn (hay đối số Finance_Rate) sẽ bằng 0%.
Áp dụng công thức hàm MIRR, chúng ta tính được chỉ số MIRR = 24.7%
Bài Tập 2
Một dự án đầu tư có thông số dòng tiền theo các năm được cho trong bảng sau:
Năm | 0 | 1 | 2 | 3 |
Dòng tiền | -300 | 1290 | -1774 | 787 |
Biết dự án không sử dụng vốn vay và các khoản thu nhập được tái đầu tư với suất chiết khấu là 10%. Hãy tính suất sinh lợi nội bộ của dự án.
Lời Giải
Trong bài viết về hàm IRR chúng ta đã biết, khi dòng tiền đổi dấu thì dự án sẽ có nhiều kết quả suất sinh lợi nội bộ IRR. Đây là dòng tiền bất thường.
Khi dùng hàm IRR để tính, chúng ta tính được dự án có 3 suất sinh lợi nội bộ lần lượt là: IRR 1 = 3.76%, IRR 2 = 26.71%, IRR 3 = 99.53%. Kết quả này làm chúng ta khó đánh giá dự án.
Do đó, chúng ta cần thêm một số chỉ tiêu khác phối hợp để đánh giá, một trong số đó là việc tính thêm suất sinh lợi nội bộ hiệu chỉnh MIRR.
Chúng ta có 3 cách tiếp cận để tính MIRR là (1) Chiết khấu, (2) Tái đầu tư, (3) Kết hợp 2 cách trên. Excel sử dụng cách số 3, cụ thể là:
– Tính hiện giá của các dòng tiền âm (A)
– Tính giá trị tương lai của các dòng tiền dương, giá trị tương lai này ta gọi là (B).
– Tính hiện giá của (B) sao cho bằng với hiện giá của các dòng tiền âm (Hiện giá của B = A), suất chiết khấu nào thỏa mãn phương trình này chính là MIRR cần tìm.
Với dòng tiền âm xuất hiện tại một năm nào đó chúng ta có thể xem là một khoản đầu tư và tính hiện giá khoản này về năm 0. Vì không sử dụng vốn vay nên chúng ta không có suất chiết khấu (tức Finance_Rate = 0).
Nhưng nếu suất chiết khấu bằng 0 thì khoản chi ra này lại là của năm 0 chứ không phải ở năm t nào đó. Do đó, chúng ta cần một suất chiết khấu khác 0 để tính hiện giá.
Trong trường hợp thiếu dữ liệu như vậy chúng ta cần giả định một suất chiết khấu, có thể xem suất chiết khấu này bằng với tỷ suất lợi nhuận tái đầu tư.
Cuối cùng, chúng ta có công thức hàm MIRR như trong hình trên và được kết quả MIRR = 9.96%.
Nếu nhập Finance_Rate = 0 thì chúng ta được kết quả thiếu chính xác là 4.22%.
- Có thể bạn quan tâm:
Hàm Rate Là Gì? Cách Sử Dụng Hàm Rate Trong Excel
Hàm Nper Là Hàm Gì? Chức Năng, Cách Dùng Hàm Nper Trong Excel
Kết Luận
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong hàm MIRR trong Excel, đây là một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta tính được mức lợi nhuận gần với tình hình thực tế nhất của một dự án đầu tư.
Mong rằng sau bài viết này, bạn đã biết được nguồn gốc và ý nghĩa của chỉ số MIRR, hàm MIRR là gì, công thức của hàm MIRR và cách dùng hàm MIRR trong Excel để hỗ trợ cho công việc và trong học tập của mình. Chúc bạn thành công.