Hợp đồng Quyền chọn là một công cụ phái sinh có tính phức tạp cao trên thị trường. Để có thể giao dịch và đặc biệt là khi dùng chiến lược kết hợp với nhiều loại quyền chọn khác nhau, nhà đầu tư cần có một số hiểu biết nhất định. Sau bài viết này, bạn sẽ nhận được một số thông tin như: Hợp đồng quyền chọn là gì, các loại hợp đồng quyền chọn, Cách mở và đóng vị thế quyền chọn, Phí quyền chọn, Các trạng thái lợi nhuận và lỗ của hợp đồng quyền chọn, Sự khác biệt giữa quyền chọn cổ phiếu và cổ phiếu, cuối cùng là những Ưu nhược điểm của Hợp đồng quyền chọn trong giao dịch.
Hợp Đồng Quyền Chọn Là Gì?
Hợp đồng Quyền chọn là công cụ phái sinh cho phép người sở hữu được quyền mua hoặc bán một loại tài sản cụ thể (tài sản cơ sở) với mức giá nhất định (giá thực hiện) tại hoặc trước một thời điểm xác định trong tương lai.
Khi mua hợp đồng quyền chọn, bên mua phải trả một khoản chi phí nhất định cho bên bán, được gọi là Phí quyền chọn.
Hợp đồng quyền chọn được giao dịch trên thị trường có tổ chức (sở giao dịch tập trung) hoặc thị trường phi tập trung (OTC).
Khi được giao dịch trên thị trường tập trung, hợp đồng quyền chọn cũng được Sở giao dịch chuẩn hóa các điều khoản.
Theo đó, những người tham gia quyền chọn sẽ biết được các thông tin đã được chuẩn hóa và công khai rõ ràng như:
– Loại tài sản cơ sở: Là tài sản sẽ được giao dịch giữa các bên tham gia khi quyền chọn được thực hiện
– Quy mô quyền chọn: là khối lượng, giá trị của tài sản cơ sở được mua bán giữa các bên trong tương lai ứng với một hợp đồng quyền chọn.
– Giá thực hiện: là mức giá mà 2 bên mua bán quyền chọn sẽ sử dụng để thanh toán cho nhau trong giao dịch mua bán tài sản cơ sở khi quyền chọn đáo hạn, bất kể giá thị trường lúc đó như thế nào.
– Thời gian đáo hạn quyền chọn: là khoảng thời gian còn lại tính từ thời điểm diễn ra giao dịch mua bán quyền chọn đến khi quyền chọn được thực hiện. Sau khi ngày đáo hạn, Quyền chọn không còn hiệu lực.
– Phương thức thanh toán khi thực hiện quyền chọn là thanh toán bằng tiền hay chuyển giao tài sản thực.
– …
Ví dụ về Hợp đồng quyền chọn
Ngày 1/8, một nhà đầu tư nắm giữ một Hợp đồng Quyền chọn mua đối với 100 cổ phiếu X đáo hạn vào tháng 12 và có giá thực hiện là 100.000 đồng.
Phí quyền chọn là 300.000 đồng.
Giả sử tại thời điểm đáo hạn quyền chọn, có 2 khả năng có thể xảy ra đối với giá cổ phiếu X:
- Giá thị trường của cổ phiếu X là 000 đồng/cổ phiếu
- Giá thị trường của cổ phiếu X là 110.000 đồng/cổ phiếu.
– Trường Hợp 1, khi giá cổ phiếu trên thị trường là 80.000 đồng, việc mua cổ phiếu theo giá thực hiện 100.000 đồng sẽ làm nhà đầu tư này phải bỏ ra thêm 20.000 đồng/cổ phiếu.
Lúc này, nhà đầu tư có thể sẽ:
- là không thực hiện quyền chọn mua (tức không mua cổ phiếu) và chấp nhận mất phí 300.000 đồng mua quyền chọn.
- là mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá thực hiện, với kỳ vọng giá sẽ lại tăng lên trong tương lai để bán lại trên thị trường cơ sở.
– Trường Hợp 2, giá thị trường của cổ phiếu X là 110.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm đáo hạn. lúc này, nhà đầu tư sẽ thực hiện quyền chọn mua để mua cổ phiếu với giá 100.000 đồng/cổ phiếu, sau đó sẽ đem lại ngay trên thị trường giao ngay với giá 110.000 đồng và hưởng số tiền chênh lệch 10.000 đồng/cổ phiếu (100×10.000 = 1.000.000 đồng).
Lợi nhuận của nhà đầu tư = 1.000.000 – Phí quyền chọn 300.000 đồng – phí giao dịch (nếu phát sinh).
Xem thêm: Chứng Khoán Phái Sinh Là Gì? 12 Kinh Nghiệm Đầu Tư CKPS Hiệu Quả
Các Loại Hợp Đồng Quyền Chọn
Với những tiêu chí khác nhau, quyền chọn được phân thành những loại khác nhau.
– Theo Quyền Lợi Mang Lại Cho Người Nắm Giữ:
+ Hợp Đồng Quyền chọn mua: cho phép người sở hữu được quyền mua tài sản cơ sở (nhận tài sản và thanh toán tiền).
+ Hợp Đồng Quyền chọn bán: cho phép người sở hữu được quyền bán tài sản cơ sở (giao tài sản và nhận tiền).
– Theo Thời Gian Đáo Hạn:
+ Hợp Đồng Quyền chọn kiểu Mỹ: cho phép người sở hữu được thực hiện sớm quyền chọn (trước thời điểm đáo hạn đã xác định trong tương lai).
+ Hợp Đồng Quyền chọn kiểu châu Âu: chỉ cho phép người sở hữu thực hiện quyền chọn tại thời điểm đáo hạn.
– Theo Loại Tài Sản Cơ Sở:
+ Quyền chọn chứng khoán vốn: như Cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu
Hợp đồng quyền chọn cổ phiếu: Là những hợp đồng quyền chọn được thiết kế với tài sản cơ sở là một cổ phiếu đơn lẻ.
Quyền chọn cổ phiếu đơn lẻ cho phép người nắm giữ nó quyền (chứ không phải nghĩa vụ) được mua hoặc bán một cổ phiếu cụ thể với một số lượng nhất định ở một mức giá xác định vào hoặc trước một thời điểm đã biết trong tương lai.
Hợp đồng quyền chọn chỉ số cổ phiếu: Là hợp đồng quyền chọn được xây dựng dựa trên một chỉ số cổ phiếu. Chỉ số cổ phiếu này có thể được dùng làm đại diện cho toàn bộ thị trường hay cho những khu vực, những ngành cụ thể trên thị trường.
+ Quyền chọn công cụ có thu nhập cố định: như tín phiếu, trái phiếu
+ Quyền chọn hàng hóa. Ví dụ như: nông sản gồm lúa mì, ngô, đậu tương,… Kim loại gồm nhôm, đồng, dầu mỏ, vàng, bạc,…
+ Quyền chọn tiền tệ. Gồm có:
Hợp đồng quyền chọn đối với tài sản giao ngay: Nếu tài sản cơ sở của quyền chọn này tham chiếu đến tỷ giá giao ngay thì Bên mua hợp đồng được quyền mua hoặc bán một lượng ngoại tệ nhất định (đồng tiền cơ sở của quyền chọn) theo tỷ giá cố định trong tương lai.
Hợp quyền chọn đối với hợp đồng tương lai tiền tệ: Người mua có quyền được giữ một vị thế nhất định đối với hợp đồng tương lai cơ sở nếu họ quyết định thực hiện quyền.
+ Hợp đồng quyền chọn lãi suất: Quyền chọn lãi suất là quyền chọn mà tài sản cơ sở của hợp đồng là một lãi suất hoặc tài sản gắn liền với lãi suất.
Hợp đồng quyền chọn trái phiếu cũng được xếp vào nhóm này nếu yếu tố cơ sở của hợp đồng quyền chọn trái phiếu có liên quan đến lãi suất trung và dài hạn (có thời hạn trên một năm).
+ Quyền chọn hợp đồng tương lai. Trước hoặc tại thời điểm đáo hạn, người mua quyền chọn có quyền mua hoặc bán đối với Hợp đồng tương lai mà dựa vào đó quyền chọn được tạo ra.
– Theo Phương Thức Giao Dịch:
+ Quyền chọn giao dịch trên thị trường tập trung (sở giao dịch): các điều khoản của hợp đồng quyền chọn được chuẩn hóa theo quy định của sở giao dịch.
+ Quyền chọn giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC): các điều khoản của hợp đồng quyền chọn được thiết kế linh hoạt tùy thuộc nhu cầu của từng người sử dụng.
Xem thêm: Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 Là Gì? Mẫu Hợp Đồng Chỉ Số VN30
Phí Quyền Chọn
Khi mua quyền chọn, nhà đầu tư sẽ phải trả một khoản tiền được gọi là phí quyền chọn cho người bán quyền chọn.
Phí quyền chọn (giá quyền chọn) là khoản tiền mà người mua quyền chọn phải bỏ ra ban đầu và không thể thu hồi lại được.
Trong trường hợp người mua quyền chọn bán lại quyền chọn đó trên thị trường với giá có lợi hoặc thực hiện quyền thì có thể bù đắp vào phí quyền chọn ban đầu.
Đối với người bán quyền chọn, họ sẽ được hưởng trọn vẹn khoản phí này nếu quyền chọn được để đáo hạn vô giá trị do Bên mua không thực hiện quyền chọn.
Phí quyền chọn thay đổi liên tục tính cho đến thời điểm đáo hạn quyền chọn. Tức, khoản chi phí nhà đầu tư bỏ ra để mua quyền chọn có thể cao hoặc thấp hơn so với chi phí mua quyền chọn đó vào ngày hôm qua hoặc ngày mai.
Phí quyền chọn được cấu thành từ 2 thành phần là: giá trị nội tại và giá trị thời gian.
– Giá trị nội tại chính là số tiền mà người nắm giữ quyền chọn thu được khi quyền chọn ở trạng thái lãi.
– Giá trị thời gian là chênh lệch giữa giá quyền chọn với giá trị nội tại của quyền chọn đó.
Phí quyền chọn = Giá trị nội tại + Giá trị thời gian.
Giá trị nội tại của quyền chọn mua = Thị giá của tài sản cơ cở – Giá thực hiện quyền chọn
Giá trị nội tại của quyền chọn bán = Giá thực hiện quyền chọn – Thị giá của tài sản cơ sở
Khoảng thời gian còn lại tính cho đến khi quyền chọn đáo hạn càng dài thì giá trị thời gian của quyền chọn càng lớn.
Càng gần đến thời điểm quyền chọn đáo hạn thì thành phần giá trị thời gian trong giá quyền chọn càng giảm đi.
Tại thời điểm quyền chọn đáo hạn, giá trị thời gian sẽ bằng không, lúc này, quyền chọn chỉ còn lại giá trị nội tại.
Giá trị thời gian của quyền chọn tại thời điểm đáo hạn = 0
Giá quyền chọn tại thời điểm đáo hạn = Giá trị nội tại của quyền chọn
Lợi Nhuận Và Lỗ Của Hợp Đồng Quyền Chọn
– Nếu Thị giá tài sản cơ sở > Giá thực hiện quyền chọn thì quyền chọn mua ở trạng thái lãi và quyền chọn bán sẽ ở trạng thái lỗ.
– Nếu Thị giá tài sản cơ sở < Giá thực hiện quyền chọn thì quyền chọn mua ở trạng thái lỗ và quyền chọn bán ở trạng thái lãi.
– Nếu Thị giá tài sản cơ sở = Giá thực hiện quyền chọn thì quyền chọn ở trạng thái hòa vốn.
Ví dụ:
Quyền chọn mua cổ phiếu X đáo hạn vào tháng 9/2022 với giá thực hiện là 100.000 đồng.
Nếu giá thị trường của cổ phiếu này tăng lên 150.000 đồng/cổ phiếu thì quyền chọn ở trạng thái lãi, bởi vì giá trị nội tại của quyền chọn = 150.000 – 100.000 = 50.000 đồng.
Nếu giá thị trường của cổ phiếu này là 90.000 đồng thì quyền chọn đang có trạng thái lỗ, bởi vì giá trị nội tại của quyền chọn bằng 0.
Nếu giá cổ phiếu bằng hoặc gần với mức giá 100.000 đồng thì Quyền chọn này ở trạng thái hòa vốn.
Các Vị Thế Của Hợp Đồng Quyền Chọn
Trên thị trường giao dịch quyền chọn, có 4 loại vị thế sau đây:
(1) Mua quyền chọn mua: có quyền mua tài sản cơ sở với giá xác định trong tương lai
(2) Bán quyền chọn mua: có nghĩa vụ bán tài sản cơ sở theo giá xác định trong tương lai.
(3) Mua quyền chọn bán: có quyền bán tài sản cơ sở với giá xác định trong tương lai
(4) Bán quyền chọn bán: có nghĩa vụ mua tài sản cơ sở theo giá xác định trong tương lai.
Xem thêm: So Sánh Hợp Đồng Kỳ Hạn Và Hợp Đồng Tương Lai (Chi Tiết)
Cách Mở Và Đóng Vị Thế Hợp Đồng
– Cách Mở vị thế
Để tham gia thị trường quyền chọn, nhà đầu tư cần mở một vị thế quyền chọn. Việc mở vị thế được thực hiện bằng một lệnh mua hoặc một lệnh bán. Công cụ được mua, bán có thể là quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán.
Hành động mua quyền chọn được gọi là “Mua để mở”, hành động bán quyền chọn được gọi là “Bán để mở”.
– Cách Đóng vị thế
Nhà đầu tư có thể đóng (hay chấm dứt) vị thế bằng một trong ba cách sau đây:
- Bù Trừ Vị Thế (Tức Thực Hiện Giao Dịch Đảo Ngược).
+ Người giữ vị thế mua quyền chọn mua: bán quyền chọn mua đối với cùng tài sản cơ sở, có cùng thời gian đáo hạn và cùng mức giá thực hiện.
+ Người giữ vị thế mua quyền chọn bán: bán quyền chọn bán đối với cùng tài sản cơ sở, có cùng thời gian đáo hạn và cùng mức giá thực hiện.
+ Người giữ vị thế bán quyền chọn mua: mua quyền chọn mua đối với cùng tài sản cơ sở, có cùng thời gian đáo hạn và cùng mức giá thực hiện.
+ Người giữ vị thế bán quyền chọn bán: mua quyền chọn bán đối với cùng tài sản cơ sở, có cùng thời gian đáo hạn và cùng mức giá thực hiện.
- Đợi Đến Thời Điểm Đáo Hạn Quyền Chọn Để Đóng Vị Thế.
+ Người nắm giữ quyền chọn mua: quyết định mua tài sản cơ sở theo giá thực hiện, lúc này bên bán quyền chọn mua sẽ phải giao tài sản cho bên mua quyền chọn mua.
+ Người nắm giữ quyền chọn bán: quyết định bán tài sản cơ sở theo giá thực hiện, lúc này, bên bán quyền chọn bán sẽ phải nhận tài sản do bên mua quyền chọn bán chuyển giao.
- Để Quyền Chọn Đáo Hạn Vô Giá Trị.
Lúc này, người nắm giữ quyền chọn quyết định không thực hiện quyền của mình, nên không phát sinh nghĩa vụ nào đối với bên bán quyền chọn.
3 Sự Khác Biệt Giữa Cổ Phiếu Và Hợp Đồng Quyền Chọn Cổ Phiếu
Giống nhau:
– Đều là công cụ đầu tư trên thị trường tài chính.
– Đều giúp nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận dựa trên biến động của giá cổ phiếu
Cụ thể, nhà đầu tư nắm giữ quyền chọn mua cổ phiếu sẽ tương tự như việc sở hữu cổ phiếu, đem lại lợi nhuận khi giá cổ phiếu tăng lên.
Nếu nắm giữ quyền chọn bán cổ phiếu sẽ tương tự như giữ vị thế bán khống cổ phiếu và đem lại lợi nhuận khi giá cổ phiếu giảm xuống.
Khác nhau:
– Việc sở hữu cổ phiếu đem lại những quyền lợi của một cổ đông (như hưởng cổ tức, có quyền biểu quyết,…).
Còn hợp đồng quyền chọn mua cổ phiếu chỉ đem đến cho nhà đầu tư cơ hội trở thành cổ đông trong tương lai (khi quyền chọn được thực hiện).
Chừng nào quyền chọn mua chưa được thực hiện, nhà đầu tư vẫn chưa sở hữu cổ phiếu cơ sở thì chưa có những quyền lợi của cổ đông
– Giá của một quyền chọn cổ phiếu thấp hơn nhiều so với giá của một cổ phiếu cơ sở. Do đó, quyền chọn có tác động đòn bẩy tài chính tương tự như trường hợp của hợp đồng tương lai.
– Nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu mãi mãi, trừ khi công ty phát hành không còn hoạt động nữa.
Còn Quyền chọn có một thời gian đáo hạn nhất định và chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, nên đối với quyền chọn cổ phiếu, chúng ta không thể sở hữu mãi mãi.
Ưu Nhược Điểm Của Hợp Đồng Quyền Chọn
1) 5 Ưu Điểm Của Quyền Chọn
– Quyền chọn có vai trò là một công cụ để phòng ngừa rủi ro trước những biến động giá của tài sản cơ sở trong tương lai.
+ Phòng ngừa rủi ro tăng giá: Những nhà đầu tư dự định mua cổ phiếu trong tương lai, các cá nhân hoặc tổ chức cho vay hoặc mua chứng khoán có thu nhập cố định trong tương lai, doanh nghiệp có dòng tiền ra bằng ngoại tệ trong tương lai… sẽ sử dụng quyền chọn mua để đảm bảo mua được tại mức giá thấp hơn giá thực hiện.
+ Phòng ngừa rủi ro giảm giá: nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, cá nhân hoặc tổ chức dự định đi vay hoặc bán chứng khoán có thu nhập cố định trong tương lai, doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ trong tương lai… sẽ sử dụng quyền chọn bán để đảm bảo bán được ở mức giá cao hơn giá thực hiện.
– Quyền chọn là công cụ giúp gia tăng thu nhập cho nhà đầu tư.
Khi mua quyền chọn và thực hiện quyền chọn mua khi giá tài sản cơ sở tăng cao hơn giá thực hiện, hoặc thực hiện quyền chọn bán khi giá tài sản cơ sở giảm xuống thấp hơn giá thực hiện giúp gia tăng thu nhập cho nhà đầu tư.
Khi thực hiện chiến lược bán quyền chọn, nhà đầu tư sẽ thu được phí do bán quyền
– Nếu so với thị trường cơ sở thì Quyền chọn mang lại cơ hội kiếm lợi nhuận mà không yêu cầu số vốn cao (Hiệu ứng đòn bẩy tài chính, giúp gia tăng lợi nhuận với cùng một quy mô vốn đầu tư).
– Quyền chọn là công cụ ít rủi ro hơn so với nhiều công cụ đầu tư khác. Trong nhiều trường hợp, khoản lỗ của nhà đầu tư được giới hạn bởi phí quyền chọn và không cao hơn mức phí mua Quyền chọn.
– Quyền chọn cho phép người sử dụng kết hợp một cách linh hoạt để tạo nên những chiến lược đầu tư khác nhau. Qua đó, giúp phòng ngừa rủi ro và kiếm lợi nhuận trong điều kiện thị trường luôn biến đổi.
2) 4 Nhược Điểm Của Quyền Chọn
– Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh có tính phức tạp cao.
Do đó, trong quá trình đầu tư, quyền chọn đòi hỏi nhà đầu tư phải có một sự hiểu biết nhất định. Đặc biệt là khi sử dụng chiến lược kết hợp với nhiều loại quyền chọn khác nhau.
Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự giám sát vị thế chặt chẽ và theo dõi diễn biến thị trường.
– Khi đáo hạn vô giá trị thì người mua quyền chọn không thu hồi lại được số tiền đã bỏ ra để mua quyền lúc ban đầu (Chi phí mua quyền chọn).
– Tính “2 lưỡi” của hiệu ứng đòn bẩy. Quyền chọn có hiệu ứng đòn bẩy có thể mang lại tác dụng tích cực là gia tăng mức sinh lời.
Nhưng bên cạnh đó, nó cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu thị giá của tài sản cơ sở biến động trái ngược với dự đoán ban đầu của nhà đầu tư.
– Chiến lược bán quyền chọn tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn.
Ví dụ, nhà đầu tư dự đoán giá cổ phiếu sẽ giảm nên bán quyền chọn mua cổ phiếu mặc dù không hề nắm giữ cổ phiếu cơ sở.
Nếu giá cổ phiếu trên thị trường tăng lên thì nhà đầu tư phải mua với giá cao để chuyển giao cho người nắm giữ quyền chọn mua.
Nếu giá cổ phiếu tăng càng cao thì nhà đầu tư thua lỗ càng lớn.
- Đừng bỏ lỡ
Hướng Dẫn Cách Đọc Bảng Giá Chứng Khoán Dễ Dàng, Nhanh Chóng
Chứng Chỉ Quỹ Là Gì ? So Sánh Cổ Phiếu Và Chứng Chỉ Quỹ
Kết Luận
Hợp đồng quyền chọn là một công cụ phái sinh khá phức tạp nhưng có độ rủi ro thấp hơn so với các công cụ khác. Khi giao dịch hợp đồng quyền chọn, chúng ta cần giám sát chặt chẽ vị thế của mình và theo dõi diễn biến thị trường liên tục.
Hy vọng sau bài viết này, bạn đã biết được hợp đồng quyền chọn là gì, các loại hợp đồng quyền chọn, Cách mở và đóng vị thế quyền chọn, Phí quyền chọn, Các trạng thái lợi nhuận và lỗ của hợp đồng quyền chọn, Sự khác biệt giữa quyền chọn cổ phiếu và cổ phiếu, cùng những ưu nhược điểm của Hợp đồng quyền chọn để từ đó bạn có thể ứng dụng hiệu quả trong quá trình giao dịch của mình.
Chúc bạn thành công!