Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được chính thức giao dịch vào ngày 10/8/2017 tại nước ta. Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ nắm được một số thông tin chi tiết như: Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 là gì và có vai trò như thế nào với nhà đầu tư trên thị trường, Mẫu Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30, Cách tính lãi/lỗ của Hợp Đồng Tương Lai VN30-Index, Cách thanh toán khi đáo hạn và Ký quỹ Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 và Một số lưu ý quan trọng trước khi giao dịch HĐTL Chỉ Số VN30.
Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 Là Gì?
Hợp Đồng Tương Lai chỉ số cổ phiếu là loại hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là một chỉ số cổ phiếu.
Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 – còn gọi là Hợp đồng tương lai VN30 – Index – là sản phẩm chứng khoán phái sinh thuộc loại hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số VN30.
Chỉ số VN30 là chỉ số của 30 Cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hoá thị trường và thanh khoản cao nhất, nhóm 30 cổ phiếu này chiếm 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 là sản phẩm Chứng khoán phái sinh đầu tiên được ra mắt trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam vào ngày 10/08/2017.
Tương tự như các loại hợp đồng tương lai khác, HĐTL chỉ số VN30 là công cụ được giao dịch trên một sở giao dịch tập trung với những điều khoản được Sở giao dịch chuẩn hóa.
Các yếu tố chuẩn hóa đó được nêu chi tiết trong bản mô tả của hợp đồng.
Ví dụ:
Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 được giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
HĐTL chỉ số S&P 500 được giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago – CME (Mỹ)
HĐTL chỉ số Nikkei 225 được giao dịch tại Sở giao dịch Chứng Khoán Phái Sinh Osaka – OSE (Nhật Bản)
Mẫu Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30
Mẫu Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30
Nguồn: Sở GDCK Hà Nội (HNX)
STT | Điều Khoản | Mô Tả |
1 | Tên Hợp Đồng | Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 |
2 | Mã hợp đồng | Theo quy ước xác định mã giao dịch của HNX |
3 | Tài sản cơ sở | Chỉ số VN30 |
4 | Quy mô hợp đồng | 100.000 đồng × điểm chỉ số VN30 |
5 | Hệ số nhân hợp đồng | 100.000 đồng |
6 | Tháng đáo hạn | Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo. |
7 | Thời gian giao dịch | – Mở cửa: sớm hơn thị trường cơ sở 15 phút – Đóng cửa: cùng giờ thị trường cơ sở |
8 | Phương thức giao dịch | Phương thức khớp lệnh và phương thức thỏa thuận |
9 | Đơn Vị Giao Dịch | 1 hợp đồng |
10 | Giá Tham Chiếu | Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết |
11 | Biên độ dao động giá | 7% so với giá tham chiếu |
12 | Bước giá/Đơn vị yết giá | 0,1 điểm chỉ số (tương đương 10.000 đồng) |
13 | Giới hạn lệnh | 500 hợp đồng/lệnh |
14 | Ngày Niêm Yết | Khi ra mắt hợp đồng |
15 | Ngày giao dịch cuối cùng | Ngày Thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn, trường hợp trùng ngày nghỉ sẽ được điều chỉnh lên ngày giao dịch liền trước đó |
16 | Ngày thanh toán cuối cùng | Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng |
17 | Phương thức thanh toán | Thanh toán bằng tiền |
18 | Phương pháp xác định giá thanh toán hàng ngày | Theo quy định của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam |
19 | Phương pháp xác định giá thanh toán cuối cùng | Là giá trị chỉ số cơ sở đóng cửa tại ngày giao dịch cuối cùng của HĐTL. |
20 | Giới hạn vị thế | Theo quy định của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam |
21 | Mức ký quỹ | Theo quy định của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam |
22 | Phí Giao Dịch | Chưa áp dụng |
Trong đó:
– Mã hợp đồng: Thường có dạng là VN30FYYMM, với “VN30F” là loại hợp đồng, “F” = “Future”, YYMM là năm và tháng tương ứng.
Ví dụ, VN30F2109, VN30F2211,…
– Quy mô hợp đồng (Hay Hệ số nhân hợp đồng): là số lượng hoặc giá trị của tài sản cơ sở áp dụng cho một hợp đồng.
Qua điều khoản này, nhà đầu tư sẽ biết được số lượng hoặc giá trị của tài sản cơ sở mình sẽ giao dịch khi giữ vị thế đối với một HĐTL.
Trong mẫu trên, số lượng (hệ số nhân) = 100.000, nếu điểm chỉ số VN30 là 800 điểm thì quy mô hợp đồng là 100.000×800 = 80.000.000 đồng.
– Tháng đáo hạn: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo.
Vậy, tại mỗi thời điểm, sẽ có 4 mã Hợp đồng tương lai Chỉ số VN30 được giao dịch.
Ví dụ, tháng hiện tại là tháng 9 năm 2021, các tháng đáo hạn lần lượt là tháng 9, tháng 10, tháng 12 và tháng 3/2022.
Tương ứng theo đó sẽ có 4 mã được giao dịch là VN30F2109, VN30F2110, VN30F2112 và VN30F2203.
– Biên độ dao động giá: là khoảng dao động giá hợp đồng cho phép được qui định trong ngày giao dịch. Từ biên độ dao động ta có thể tính được giá trần và giá sàn.
Giá trần = Giá tham chiếu + Biên độ dao dộng giá
Giá sàn = Giá tham chiếu – Biên độ dao dộng giá
– Bước giá/Đơn vị yết giá: là mức tăng hoặc giảm, tối thiếu được chấp nhận của giá hợp đồng được giao dịch trên thị trường so với mức giá khớp gần nhất.
Khi muốn đặt lệnh thì nhà đầu tư phải tuân theo quy định về bước giá này.
Theo mẫu trên, mức tăng hay giảm giá phải là bội số của 10.000 đồng.
– Giới hạn vị thế: là số lượng hợp đồng tối đa mà một nhà đầu tư được phép nắm giữ.
Xem thêm: Hợp Đồng Tương Lai Trái Phiếu Chính Phủ Và Mẫu Hợp Đồng Chi Tiết
Vai Trò Của Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 Với Nhà Đầu Tư
Hợp đồng tương lai Chỉ Số VN30 có thể được nhà đầu tư sử dụng với những mục đích như:
– Những ai đang nắm giữ cổ phiếu có thể phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư cổ phiếu khi giá cổ phiếu có xu hướng giảm xuống
– Những ai có dự định mua trái phiếu trong tương lai sẽ có thể phòng ngừa rủi ro cho khoản đầu tư khi giá trái phiếu có xu hướng tăng lên
– Kiếm lợi nhuận từ sự biến động giá cổ phiếu trên thị trường mà không cần thực hiện các giao dịch mua, bán cổ phiếu trong danh mục cấu thành chỉ số (đầu cơ).
– So với đầu tư trên thị trường cổ phiếu cơ sở thì HĐTL chỉ số VN30 mang lại cơ hội đạt được mức sinh lời cao hơn nhờ hiệu ứng đòn bẩy.
– Thay đổi tỷ trọng tài sản trong danh mục đầu tư mà không cần phải thực hiện các giao dịch trên thị trường cổ phiếu cơ sở.
– Duy trì danh mục cổ phiếu nắm giữ trong những đợt điều chỉnh của thị trường.
Thanh Toán Khi HĐTL Chỉ Số VN30 Đáo Hạn
Như chúng ta đã biết, hợp đồng tương lai có 2 hình thức thanh toán là chuyển giao vật chất (chuyển giao hàng hóa thực) và thanh toán bằng tiền.
Đối với HĐTL chỉ số VN30 chỉ áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền.
Tương tự như Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, Giá thanh toán cuối cùng sẽ được Trung tâm thanh toán bù trừ xác định và công bố.
Các khoản lãi, lỗ của 2 bên mua bán trong giao dịch HĐTL chỉ số VN30 xét trong toàn bộ thời gian hợp đồng có hiệu lực sẽ được xác định bằng cách:
+ Vị Thế Mua Hợp Đồng
Chênh lệch = (Giá thanh toán cuối cùng – Giá mua HĐTL) x Hệ số nhân HĐ x Số lượng hợp đồng nắm giữ
+ Vị Thế Bán Hợp Đồng
Chênh lệch = (Giá bán HĐTL – Giá thanh toán cuối cùng) x Hệ số nhân HĐ x Số lượng hợp đồng nắm giữ
Do Hợp đồng tương lai được điều chỉnh giá theo thị trường hàng ngày nên vào ngày thanh toán cuối cùng, giá trị thanh toán được xác định bằng chênh lệch giữa giá thanh toán cuối cùng và giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước đó.
Nguyên tắc thanh toán hợp đồng khi đáo hạn là: Bên có lãi được nhận khoản chênh lệch phát sinh và Bên bị lỗ phải trả khoản chênh lệch phát sinh.
Xem thêm: Quỹ Mở Là Gì? 8 Kinh Nghiệm Đầu Tư Vào Quỹ Mở Sao Cho Hiệu Quả
Tính Lãi Lỗ Của Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30
– Khi nhà đầu tư có kỳ vọng là chỉ số VN30 sẽ tăng lên (giá cổ phiếu trên thị trường có xu thế tăng), họ sẽ đứng ở vị thế mua (Long Position)
+ Nếu giá thị trường HĐTL Chỉ Số VN30 lớn hơn giá mua hợp đồng khi mở vị thế, nhà đầu tư sẽ có lãi.
+ Nếu giá thị trường HĐTL Chỉ số VN30 nhỏ hơn giá mua hợp đồng khi mở vị thế, nhà đầu tư sẽ lỗ.
– Khi nhà đầu tư có kỳ vọng là Chỉ số VN30 sẽ giảm xuống (giá cổ phiếu trên thị trường có xu thế giảm), họ sẽ đứng ở vị thế bán (Short Position)
+ Nếu giá thị trường HĐTL Chỉ số VN30 nhỏ hơn giá mua hợp đồng khi mở vị thế, nhà đầu tư sẽ có lãi.
+ Nếu giá thị trường HĐTL Chỉ số VN30 lớn hơn giá mua hợp đồng khi mở vị thế, nhà đầu tư sẽ lỗ.
Trong khoảng thời gian còn hiệu lực của HĐTL Chỉ số VN30, khi xét với đơn vị giao dịch là 1 hợp đồng thì tại mỗi thời điểm:
– Lãi/lỗ đối với vị thế mua = (Giá thị trường HĐTL – Giá mua HĐTL) x Hệ số nhân hợp đồng.
– Lãi/lỗ đối với vị thế bán = (Giá bán HĐTL – Giá thị trường HĐTL) x Hệ số nhân hợp đồng.
Lãi/lỗ đối với mỗi vị thế mua, bán được thể hiện trong hình dưới đây:
Gọi A, B là Giá Cổ Phiếu khi nhà đầu tư mở vị thế.
– Ở vị thế mua, nếu giá cổ phiếu tăng (Chỉ số tăng) cao hơn A thì nhà đầu tư có lãi, nếu giá cổ phiếu giảm (Chỉ số giảm) nhỏ hơn A thì nhà đầu tư sẽ lỗ.
– Ở vị thế bán, nếu giá cổ phiếu tăng (Chỉ số tăng) cao hơn B thì nhà đầu tư sẽ lỗ, nếu giá cổ phiếu giảm (Chỉ số giảm) nhỏ hơn B thì nhà đầu tư có lãi.
Ký Quỹ Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30
Tương tự như các Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. HĐTL Chỉ số VN30 cũng có hai loại ký quỹ được yêu cầu đối với nhà đầu tư là ký quỹ ban đầu và ký quỹ duy trì.
Để xem chi tiết hơn về ký quỹ hợp đồng tương lai, mời bạn xem tại Bài viết này.
– Ký Quỹ Ban Đầu
Đây là số tiền tối thiểu phải có trên tài khoản của nhà đầu tư trước khi họ được phép mua bán hợp đồng tương lai.
– Ký Quỹ Duy Trì
Là việc bổ sung thêm tiền vào tài khoản ký quỹ để đảm bảo số tiền trong tài khoản đạt tối thiểu là bằng giá trị ký quỹ ban đầu.
Lưu ý “Vàng” Trước Khi Đầu Tư HĐTL Chỉ Số VN30
– Nhà đầu tư cần phải thực hiện quy định về ký quỹ trước khi giao dịch HĐTL chỉ số VN30 và phải đáp ứng kịp thời yêu cầu ký quỹ bổ sung khi có phát sinh.
Nếu không thực hiện đúng và đủ yêu cầu này thì vị thế của nhà đầu tư sẽ bị thanh lý.
– Nhà đầu tư chỉ nên giao dịch HĐTL chỉ số của mình thông qua các công ty môi giới đã được cơ quan quản lý chấp thuận cho cung cấp dịch vụ này.
Các khoản phí giao dịch trong thực tế có thể sẽ làm giảm lãi (hoặc tăng lỗ) so với trên lý thuyết.
– Do dự báo về xu thế biến động giá cổ phiếu của nhà đầu tư có thể không chính xác nên việc sử dụng HĐTL chỉ số cổ phiếu với mục đích kiếm lợi nhuận từ biến động giá cổ phiếu trên thị trường có tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khi dự báo sai, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ lớn, thậm chí phải thanh lý vị thế của mình trước hạn.
Để hạn chế rủi ro này, nhà đầu tư cần:
+ Đảm bảo khả năng tài chính để đáp ứng các yêu cầu về ký quỹ
+ Tìm hiểu đầy đủ các thông tin cần thiết về thị trường và hiểu rõ về các đặc tính của HĐTL chỉ số VN30.
+ Xác định mục tiêu sử dụng HĐTL chỉ số VN30
+ Xác định mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân khi tham gia thị trường
+ Lựa chọn công ty môi giới uy tín, có chất lượng tốt và sử dụng dịch vụ tư vấn thích hợp để có đủ thông tin cho việc đưa ra quyết định đầu tư.
Có thể bạn quan tâm:
Hợp Đồng Quyền Chọn Là Gì? Các Loại Hợp Đồng Quyền Chọn
Hướng Dẫn Cách Đọc Bảng Giá Chứng Khoán Dễ Dàng, Nhanh Chóng
Kết Luận
Trên đây là những thông tin chung về Hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Hy vọng sau bài viết này, bạn đã nắm được những thông tin như Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là gì, có vai trò như thế nào với nhà đầu tư trên thị trường, mẫu Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30,… cùng một số lưu ý quan trọng trước khi giao dịch Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30.
Chúc bạn thành công!