Hợp đồng tương lai là một công cụ phái sinh nổi bật trên thị trường. Tuy vậy đối với một số nhà đầu tư thì loại công cụ này còn khá mới mẻ. Bài viết sau sẽ chia sẻ với bạn một số thông tin như: Hợp đồng tương lai là gì, đặc điểm và các loại hợp đồng tương lai? Sự khác nhau giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai, Cách tính lãi lỗ hợp đồng tương lai, Cách đóng vị thế hợp đồng tương lai, 3 Mục đích sử dụng hợp đồng tương lai, Ký quỹ hợp đồng tương lai và 4 vai trò cùng 4 nhược điểm của hợp đồng tương lai.
Hợp Đồng Tương Lai Là Gì ?
Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận giữa người mua và người bán về việc mua hoặc bán một tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định từ trước.
HĐTL được giao dịch trên thị trường tập trung (Sở giao dịch chứng khoán)
Như vậy, tại thời điểm hợp đồng được xác lập, hai bên tham gia sẽ biết được những thông tin như:
– Loại tài sản (hàng hóa) mà mình sẽ mua/bán là gì
– Khối lượng tài sản mà bên bán sẽ chuyển giao và bên mua sẽ được nhận là bao nhiêu
– Thời điểm giao dịch sẽ được diễn ra trong tương lai là khi nào (thời điểm mà bên mua nhận được hàng và bên bán sẽ nhận được tiền).
– Giao dịch đó sẽ được thanh toán theo mức giá là bao nhiêu.
Các điều khoản trên của HĐTL sẽ do Sở giao dịch hợp đồng tương lai chuẩn hóa, quy định và thống nhất.
Do đó, Hợp đồng tương lai có tính chuẩn hóa (Quy chuẩn chung dành chung cho tất cả các đối tượng tham gia, hễ ai tham gia HĐTL đều phải tuân theo những điều khoản đã được chuẩn hóa này)
Một Số Loại Hợp Đồng
– Hợp Đồng Tương Lai Trái Phiếu/Cổ phiếu
Đây là nhóm HĐTL xây dựng cho các trái phiếu/Cổ phiếu riêng lẻ được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán nhất định.
– Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số (Cổ Phiếu).
Hầu hết các HĐTL chỉ số được xây dựng trên các chỉ số cổ phiếu. Các chỉ số cổ phiếu được chọn có thể là chỉ số toàn thị trường hoặc chỉ số ngành.
Tuy nhiên tính thanh khoản của các HĐTL đối với mỗi loại chỉ số này là khác nhau.
Các HĐTL chỉ số bắt buộc phải được thanh toán bù trừ bằng tiền chứ không thể thực hiện thanh toán chuyển giao tài sản thực.
Chúng ta có một loại hợp đồng quen thuộc là Hợp Đồng Tương Lai Chỉ Số VN30 – Index, đây là sản phẩm chứng khoán phái sinh có tài sản cơ sở là chỉ số VN30. Chỉ số VN30 là chỉ số của 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hoá thị trường và thanh khoản cao nhất.
– Hợp Đồng Tương Lai Tiền Tệ.
Các đồng tiền làm tài sản cơ sở cho loại hợp đồng tương lai tiền tệ rất đa dạng như: Bảng Anh, Yên Nhật, Đôla Canada, đồng Franc Thụy Sỹ, đồng Euro,…
– Hợp Đồng Tương Lai Lãi Suất
HĐTL lãi suất được xây dựng dựa trên những công cụ đem lại thu nhập dưới dạng tiền lãi.
Các tài sản cơ sở thường thấy bao gồm tín phiếu và trái phiếu chính phủ.
– Hợp Đồng Tương Lai Hàng Hóa Cơ Bản:
Hàng hóa cơ bản ở đây bao gồm các loại nông sản, kim loại và năng lượng.
HĐTL nông sản có thể được lập cho các loại ngũ cốc như: Gạo, ngô, lúa mạch,…
Bột và dầu như: đậu tương, bột đậu tương và dầu đậu nành, hạt hướng dương, …, gia súc và thịt gia súc, gỗ, bông, cà phê, ca cao,…
Nhóm các sản phẩm kim loại gồm có vàng, bạc, nhôm, platinum, palladium, chì, nickel, thiếc, kẽm và đồng.
Nhóm năng lượng thường bao gồm dầu đốt nóng (heating oil), dầu thô, khí thiên nhiên, xăng không chì, than, Propane và điện.
Thông thường, các HĐTL hàng hóa cơ bản đều được áp dụng phương thức thanh toán là chuyển giao hàng hóa và nhận tiền.
Ví dụ về Hợp đồng tương lai Cổ phiếu:
HĐTL cổ phiếu X đáo hạn vào tháng 9 đang được giao dịch ở mức 100.000 đồng/cổ phiếu.
Quy mô của hợp đồng là 100 cổ phiếu. Số lượng HĐTL sẽ được giao dịch là một hợp đồng.
Với hợp đồng này, 2 bên tham gia HĐTL sẽ biết được:
– Loại tài sản là cổ phiếu X. Bên mua HĐTL sẽ được mua (được nhận) cổ phiếu X, còn bên bán hợp đồng tương lai sẽ phải chuyển giao cổ phiếu X cho bên mua.
– Thời điểm mà giao dịch mua – bán cổ phiếu X sẽ được diễn ra là vào tháng 9.
– Số lượng cổ phiếu X mà Bên bán chuyển giao và Bên mua được nhận trong tháng 9 tới là 100 cổ phiếu.
– Mức giá mà Bên mua phải trả cho Bên bán là 100.000đ/cổ phiếu.
Xem thêm: Chứng Khoán Phái Sinh Là Gì? 12 Kinh Nghiệm Đầu Tư CKPS Hiệu Quả
9 Đặc Điểm Hợp Đồng Tương Lai
Hợp đồng tương lai có 9 đặc điểm nổi bật như sau:
– Hợp đồng tương lai có tính chuẩn hóa và được niêm yết. Các điều khoản của HĐTL đều được Sở giao dịch chuẩn hóa và niêm yết.
– HĐTL có tính thanh khoản cao do được giao dịch liên tục trên thị trường.
– Luôn có 2 vị thế là vị thế mua (Long Position) và vị thế bán (Short Position). Nếu dự đoán giá của tài sản cơ sở tăng lên trong tương lai, nhà đầu tư sẽ đứng ở vị thế mua, nếu dự đoán giá của tài sản cơ sở giảm xuống, nhà đầu tư sẽ đứng ở vị thế bán.
– Ngày thực hiện hợp đồng là một ngày được ấn định trước trong tương lai, vào ngày này, cả 2 bên mua bán đều có nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng.
– Cả 2 bên tham gia HĐTL đều phải kỹ quỹ một khoản tiền nhất định để đảm bảo nghĩa vụ được thực hiện.
– Sẽ có rủi ro nếu người mua không đủ tiền để thanh toán, hoặc người bán không đủ tài sản để chuyển giao, nên trên thực tế, hầu hết các giao dịch trên thị trường HĐTL đều chọn cách là thanh toán khoản chênh lệch thay vì giao nhận.
– Hợp đồng tương lai được thanh toán và bù trừ theo giá thực tế hàng ngày.
– Cả 2 bên mua – bán HĐTL đều có thể chấm dứt vị thế của mình dễ dàng bằng một hợp đồng bán – mua đối ứng.
– Do hiệu ứng của đòn bẩy tài chính trên khoản tiền ký quỹ mà mức sinh lời thường cao hơn nhiều so với trên thị trường tài sản cơ sở, tuy vậy, đây cũng là con dao 2 lưỡi trong trường hợp nhà đầu tư có quyết định đầu tư không chính xác.
3 Mục Đích Sử Dụng Của Hợp Đồng Tương Lai
Thường có 2 mục đích chính để tham gia sử dụng HĐTL là phòng ngừa rủi ro do giá tài sản cơ sở thay đổi và đầu tư tìm kiếm lợi nhuận dựa vào biến động giá của tài sản.
Mục đích 1: Phòng Ngừa Rủi Ro, Tối Đa Hóa Giá Trị Tài Sản, Giảm Thiểu Thua Lỗ Khi Giá Tài Sản Biến Động.
– Phòng Ngừa Rủi Ro Giá Giảm Xuống:
+ Những ai đang nắm giữ (có kỳ vọng bán giá cao) cổ phiếu hoặc danh mục cổ phiếu sẽ phòng ngừa rủi ro giá cổ phiếu giảm xuống.
+ Những ai dự định đi vay trong tương lai hoặc đang nắm giữ công cụ đầu tư mang lại thu nhập cố định sẽ phòng ngừa rủi ro lãi suất tăng.
+ Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ bán hàng hóa, nông sản trong tương lai sẽ phòng ngừa rủi ro mức giá hàng hóa giảm.
+ Những ai có nguồn thu bằng ngoại tệ trong tương lai (như Doanh nghiệp xuất khẩu) sẽ phòng ngừa rủi ro tỷ giá giảm.
– Phòng Ngừa Rủi Ro Giá Tăng Lên:
+ Những ai có dự định mua (chứ chưa mua) cổ phiếu trong tương lai sẽ phòng ngừa rủi ro giá cổ phiếu tăng lên.
+ Người có khoản tiền dự định cho vay trong tương lai hoặc dự định đầu tư vào công cụ mang lại thu nhập cố định sẽ phòng ngừa rủi ro lãi suất giảm.
+ Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải nhập nguyên – vật liệu, hàng hóa trong tương lai sẽ phòng ngừa rủi ro mức giá hàng hóa tăng.
+ Những ai có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ (như Doanh nghiệp nhập khẩu) trong tương lai sẽ phòng ngừa rủi ro tỷ giá tăng.
Mục Đích 2: Đầu Tư Kiếm Lợi Nhuận Dựa Vào Biến Động Giá Của Tài Sản.
– Nhà đầu tư có dự đoán giá hàng hóa, tài sản tăng lên trong tương lai thì sẽ mua HĐTL ở hiện tại (cho phép mua hàng hóa ở mức giá thấp hơn trong tương lai) để trong tương lai sẽ bán lại hàng hóa, tài sản và hưởng chênh lệch giá, hoặc là bán HĐTL ở thời điểm giá tài sản tăng.
– Ngược lai, nếu nhà đầu tư có dự đoán giá hàng hóa, tài sản giảm xuống trong tương lai thì sẽ bán HĐTL.
Mục đích 3: Kiếm Lợi Nhuận Nhờ Chênh Lệch Giá.
– Thực hiện đồng thời giao dịch mua và bán một HĐTL trên các thị trường (sở giao dịch HĐTL) khác nhau.
– Nếu nhà đầu tư dự đoán giá của tài sản cơ sở sẽ giảm xuống trong tương lai thì họ sẽ thực hiện đồng thời giao dịch mua HĐTL (mua ở mức giá thấp) và bán khống tài sản cơ sở (bán ở mức giá cao) để kiếm lợi nhuận.
Ngược lại, nhà đầu tư sẽ bán HĐTL và mua tài sản cơ sở, trên hai thị trường này.
Xem thêm: Hợp Đồng Tương Lai Trái Phiếu Chính Phủ Và Mẫu Hợp Đồng (Từ A – Z)
Phân Biệt Hợp Đồng Kỳ Hạn Và Hợp Đồng Tương Lai
Hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn khi nhìn sơ qua thì khá giống nhau.
Bên cạnh sự giống nhau là: Đều là thỏa thuận giữa 2 bên để mua bán một tài sản nhất định, tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá xác định – thì Hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn có 9 điểm khác biệt nhau.
Chi tiết về sự khác nhau giữa 2 Hợp đồng này, mời bạn xem tại bài viết So Sánh Hợp Đồng Kỳ Hạn Và Hợp Đồng Tương Lai Khác Nhau Như Thế Nào?
Ký Quỹ Hợp Đồng Tương Lai
Nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên, thì trước khi giao dịch, cả 2 bên mua và bán HĐTL, đều phải mở một tài khoản ký quỹ tại công ty môi giới.
Công ty môi giới cũng có tài khoản ký quỹ mở tại trung tâm thanh toán bù trừ (nếu là thành viên của Trung tâm) hoặc tại công ty là thành viên của trung tâm thanh toán bù trừ.
Các quy định cụ thể về ký quỹ sẽ do Sở giao dịch HĐTL chịu trách nhiệm đưa ra.
Thông thường, có hai loại ký quỹ được yêu cầu đối với nhà đầu tư là ký quỹ ban đầu và ký quỹ duy trì.
– Ký Quỹ Ban Đầu
Đây là số tiền tối thiểu phải có trên tài khoản của nhà đầu tư trước khi họ được phép mua bán HĐTL. Mỗi loại HĐTL trên mỗi loại tài sản cơ sở khác nhau thường sẽ được có một mức ký quỹ khác nhau. Hiện nay, số tiền ký quỹ ban đầu thường dao động trong khoảng từ 5% đến 10% giá trị HĐTL.
– Ký Quỹ Duy Trì
Vì số tiền ký quỹ ban đầu không được giữ cố định trong suốt thời gian HĐTL tồn tại mà sẽ biến động theo cách tăng lên hoặc giảm đi, cùng với quá trình điều chỉnh theo giá thị trường.
Nên để chắc chắn rằng tài khoản ký quỹ của những người giao dịch HĐTL luôn có một khoản tiền nhất định nào đó để bảo đảm nghĩa vụ được thực hiện, sở giao dịch đưa ra quy định về mức ký quỹ duy trì.
Nếu tiền trên tài khoản ký quỹ chạm đến mức này hoặc thấp hơn, công ty môi giới thông báo đến nhà đầu tư để yêu cầu bổ sung thêm tiền ký quỹ sao cho đủ để số dư tài khoản bằng với mức ký quỹ ban đầu.
Cách Tính Lãi Lỗ Hợp Đồng Tương Lai
HĐTL được thanh toán hàng ngày, những khoản lãi, lỗ phát sinh sẽ được các bên tham gia giao dịch thanh toán cho từng ngày.
Đối với một tài sản cơ sở cụ thể và có thời gian đáo hạn đã biết thì giá HĐTL sẽ thay đổi gần như liên tục trên thị trường.
Tương ứng với mỗi sự thay đổi đó sẽ một khoản lãi hoặc lỗ phát sinh và được ghi nhận cho các bên tham gia giao dịch tương ứng.
Lãi sẽ làm số tiền trên tài khoản ký quỹ tăng thêm
Ngược lại, lỗ sẽ làm số tiền trên tài khoản ký quỹ giảm xuống.
Ví dụ:
Vào ngày 1/3, giá HĐTL đối với cổ phiếu X đáo hạn tháng 5 là 100.000 đ/cổ phiếu, quy mô hợp đồng là 100 cổ phiếu.
Ký quỹ ban đầu đối với HĐTL này là 10% giá trị hợp đồng.
Ký quỹ duy trì được yêu cầu ở mức 70% khoản ký quỹ ban đầu.
Để có thể mở vị thế mua hoặc bán một HĐTL cổ phiếu X vào ngày 1/3, nhà đầu tư cần phải ký quỹ một số tiền là:
100.000x100x10% = 1.000.000 (đồng)
Vì ký quỹ duy trì được yêu cầu ở mức 70% khoản ký quỹ ban đầu nên số tiền tối thiểu phải có trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư tại mỗi thời điểm là 1.000.000×70% = 700.000 (đồng)
HĐTL được điều chỉnh theo giá thị trường ngay trong ngày giao dịch đầu tiên.
Quá trình diễn ra được thể hiện qua bảng sau:
5 Chủ Thể Tham Gia Thị Trường HĐTL
Trên thị trường Hợp đồng tương lai có 5 chủ thể tham gia, gồm có:
– Những người sử dụng HĐTL: Họ tham gia và thực hiện các giao dịch mua – bán HĐTL tùy theo nhu cầu và mục đích cụ thể của mình.
– Các công ty chứng khoán: có vai trò là trung gian môi giới cho khách hàng có nhu cầu giao dịch HĐTL.
– Những nhà tạo lập thị trường: là những tổ chức tài chính yết các mức giá chào mua, mức giá chào bán HĐTL và cung cấp tính thanh khoản cho thị trường.
– Sở giao dịch HĐTL: Có vai trò thực hiện việc chuẩn hóa về những điều khoản của HĐTL (như loại HĐTL, quy mô hợp đồng, thời gian đáo hạn và thời điểm thanh toán, phương thức thanh toán,…), tổ chức thị trường, cung cấp sản phẩm và đưa ra các quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch, an toàn, trật tự của thị trường và quyền lợi của các bên liên quan.
– Trung tâm thanh toán, Bù trừ: có vai trò là đối tác với Bên mua và Bên bán HĐTL, thực hiện việc thanh toán bù trừ cho các giao dịch HĐTL, đưa ra và giám sát việc thực thi các quy định nhằm đảm bảo sự an toàn của thị trường (như ký quỹ, Quỹ bù trừ rủi ro).
2 Cách Đóng Vị Thế Hợp Đồng Tương Lai
Chúng ta có 2 cách để đóng vị thế hợp đồng tương lai:
Cách 1: Nắm giữ HĐTL đến khi đáo hạn và thanh toán hợp đồng.
Cách 2: Đóng vị thế trước khi HĐTL đáo hạn.
Để có thể đóng vị thị trước khi HĐTL đáo hạn, chúng ta cần thực hiện giao dịch đảo ngược, tức HĐTL mới có cùng giá trị nhưng giữ vị thế trái ngược với vị thế của HĐTL hiện có.
Ví dụ:
+ Bạn đang giữ vị thế mua 10 HĐTL cổ phiếu X đáo hạn vào tháng 9, để đóng vị thế hiện tại bạn cần thực hiện giao dịch đảo ngược là bán 10 hợp đồng tương lai cổ phiếu X đáo hạn vào tháng 9.
Cách Thanh Toán Hợp Đồng Tương Lai Khi Đáo Hạn
Theo quy định Sở giao dịch, khi đáo hạn, HĐTL sẽ được thanh toán theo một trong hai cách sau đây.
Cách 1: Giao Tài Sản Dưới Dạng Vật Chất
Bên mua HĐTL: nhận tài sản từ Bên bán HĐTL và trả tiền theo mức giá đã được xác định từ trước.
Bên bán HĐTL: chuyển giao tài sản cho Bên mua HĐTL và nhận tiền theo mức giá đã được xác định từ trước.
Cách 2: Thanh Toán Bù Trừ Bằng Tiền
Hai bên Bên mua – bán không cần phải giao nhận tài sản dưới dạng vật chất.
Các khoản lãi – lỗ của mỗi bên tham gia HĐTL sẽ được xác định căn cứ vào giá HĐTL (là mức giá hai bên đã thỏa thuận từ trước) và giá tài sản cơ sở tại thời điểm đáo hạn hợp đồng.
Bên nào có phát sinh lỗ phải chuyển trả tiền cho Bên phát sinh lãi.
Số tiền chuyển giao bằng giá trị khoản lãi – lỗ phát sinh.
4 Lợi Ích Của HĐTL
– HĐTL là công cụ phái sinh có tính thanh khoản cao khiến cho việc đóng, mở vị thế có thể thực hiện dễ dàng.
– Nếu so sánh với hoạt động đầu tư trên thị trường tài sản cơ sở thì HĐTL đem lại cơ hội kiếm lợi nhuận với yêu cầu thấp hơn về vốn, hay là gia tăng mức sinh lời với cùng một quy mô vốn đầu tư (hiệu ứng đòn bẩy tài chính).
– HĐTL giúp các cá nhân và tổ chức quản lý rủi ro biến động giá một cách hiệu quả, giảm bớt thua lỗ do biến động giá của các tài sản, hàng hóa trên thị trường gây ra.
– HĐTL giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kiểm soát nhằm ổn định các luồng tiền vào, luồng tiền ra và lợi nhuận.
4 Nhược Điểm Của Hợp Đồng Tương Lai
– Tính không linh hoạt. Vì HĐTL có tính chuẩn hóa cao, các điều khoản (như thời gian đáo hạn, số lượng tài sản, quy mô hợp đồng,…) được thiết kế thống nhất theo quy định của Sở giao dịch nên không thể đáp ứng được các nhu cầu có tính cá biệt.
– Mức độ đòn bẩy cao tiềm ẩn rủi ro thua lỗ cao cho người sử dụng, đặc biệt với những người có mục tiêu đầu tư kiếm lợi nhuận.
– Khi sử dụng HĐTL để phòng ngừa rủi ro thì khả năng tận dụng những biến động có lợi của thị trường bị hạn chế.
– Rủi ro chênh lệch cơ bản, tức chênh lệch giữa giá HĐTL và giá thị trường của tài sản cơ sở vẫn tồn tại và có thể ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chiến lược của người sử dụng công cụ.
Xem thêm: Hợp Đồng Quyền Chọn Là Gì? Lợi Nhuận Và Lỗ Của Quyền Chọn
Kết Luận
Vậy là bạn đã nắm được hầu hết những thông tin cơ bản về hợp đồng tương lai rồi.
Hy vọng sau bài viết này, bạn đã biết rõ hợp đồng tương lai là gì, những đặc điểm hợp đồng tương lai, phân biệt sự khác nhau giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai, cách tính lãi lỗ hợp đồng tương lai, cách đóng vị thế hợp đồng tương lai, ký quỹ HĐTL, cùng những lợi ích và nhược điểm của loại hợp đồng này để có thể dễ dàng áp dụng vào học tập và công việc của mình.
Chúc bạn thành công!