Kim tứ đồ là một khái niệm không còn xa lạ với chúng ta kể từ khi Robert Kiyosaki giới thiệu khái niệm này trong tập sách Dạy con làm giàu của mình.
Sau bài viết này, bạn sẽ nhận được một số thông tin như:
– Kim tứ đồ là gì, ý nghĩa của kim tứ đồ?
– 4 cách kiếm tiền của 4 nhóm người trên kim tứ đồ.
– Tại sao có sự phân chia thành 4 nhóm người có sự khác biệt lớn như vậy?
– 2 Bản chất thật sự của kim tứ đồ là gì?
– 5 sai lầm thường mắc phải khi sử dụng kim tứ đồ.
– Cuối cùng là cách sử dụng kim tứ đồ để đạt được giàu có và tự do tài chính.
Kim Tứ Đồ Là Gì?
Kim tứ đồ là một khái niệm dùng để chỉ 4 cách kiếm tiền của 4 nhóm người khác nhau, có tác dụng định hướng suy nghĩ và hành động để đạt được sự giàu có và tự do về mặt tài chính.
Kim tứ đồ (Tiếng anh: Cashflow Quadrant) được nhắc đến bởi tác giả Robert Kiyosaki – Nhà đầu tư, doanh nhân nổi tiếng thế giới.
Kể từ lần đầu tiên được ông nhắc đến trong Tập 2 của Bộ sách “Dạy con làm giàu”, Kim tứ đồ đã trở thành một khái niệm phổ biến và làm thay đổi suy nghĩ, quan điểm về tiền bạc của rất nhiều người, đồng thời giúp họ trở nên thành công hơn về mặt tài chính.
Trong hình ảnh của Kim tứ đồ có 4 góc phần tư tượng trưng cho 4 nhóm người khác nhau với 4 cách kiếm tiền khác nhau, gồm có:
– Nhóm L: Là nhóm gồm những người làm công
– Nhóm T: Là nhóm gồm những người tự doanh (Tự mình làm cho mình hoặc thuê mướn lao động làm cùng với mình)
– Nhóm C: Là nhóm gồm những người làm chủ một công ty, một hệ thống kinh doanh.
– Nhóm Đ: Là nhóm gồm những nhà đầu tư.
Giải Thích 4 Cách Kiếm Tiền Theo Kim Tứ Đồ
Tương ứng với 4 nhóm người trên kim tứ đồ sẽ có 4 cách kiếm tiền khác nhau:
I. Nhóm L (Employee)
– Nhóm này gồm những người làm công (hay làm thuê).
Họ làm việc cho một cá nhân hay một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó và được trả lương.
Trong công việc, họ đóng vai trò là nhân viên, nếu là sếp thì sẽ có sếp lớn hơn.
– Những người nhóm L tạo ra thu nhập bằng cách đánh đổi thời gian, sức lao động, trí tuệ, sức khỏe,… của mình. Thu nhập của họ là thu nhập chủ động.
– Nhóm L có một số đặc điểm công việc và thu nhập như:
+ Có một công việc cố định và khá ổn định.
+ Nếu họ nghỉ việc thì họ sẽ không có thu nhập.
+ Làm việc cho một cá nhân hoặc một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó.
+ Thời gian làm việc một ngày 8 tiếng hoặc hơn, cố định và không linh hoạt.
+ Được trả một mức lương khá ổn định theo định kỳ.
+ Ngoài lương, những người nhóm L còn được nhận các khoản phụ cấp và phúc lợi như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế,…
+ Ngoài pháp luật ra thì họ phải làm việc theo ý chí và niềm tin của người khác (Quản lý, Sếp hoặc Chủ lao động của họ).
Sẽ rất khó để trở nên giàu có nếu chỉ làm việc duy nhất trong nhóm L.
Mặc dù có một mức thu nhập và công việc ổn định, được bảo đảm các khoản phụ cấp, phúc lợi nhưng mức thu nhập của nhóm L bị phụ thuộc vào Chủ lao động của họ, phụ thuộc vào tình hình kinh tế, tình hình thị trường và vào năng lực cá nhân của họ.
Chưa kể, có một số công việc có tính chất chỉ cho phép con người ta làm đến một độ tuổi nào đó.
Nếu nhóm L có thể làm việc như vậy suốt đời thì cũng rất khó để giàu có và tự do tài chính vì thu nhập của họ là thu nhập chủ động và mức thu nhập thường không cao.
Nếu thu nhập cao thì đòi hỏi họ phải có năng lực cao, thời gian làm việc nhiều hơn, bận bịu hơn, ít thời gian để lo cho bản thân và gia đình.
Hơn nữa, trong suốt quãng đời của mình những người nhóm L sẽ luôn “lặp đi lặp lại” một chu trình đó là bán thời gian, sức lực, trí tuệ cho người khác để kiếm thu nhập.
Tình trạng này được Robert Kiyosaki gọi là “Vòng Chuột” (Rat Race), với hàm ý là một sự theo đuổi vô nghĩa, mù quáng, không có lối thoát.
II. Nhóm T (Self – Employed)
– Nhóm này gồm những người tự doanh.
Họ có thể tự làm cho mình hoặc thuê mướn lao động làm cùng với mình.
Họ thường có một doanh nghiệp nhỏ, một cơ sở kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ nào đó và làm việc cùng với một số nhân viên mà họ thuê mướn.
Họ đóng vai trò vừa là nhân viên vừa là ông chủ, họ là một thành phần hoặc là chính hệ thống kinh doanh đó, tức họ làm việc cho chính mình.
Ví dụ như: chủ shop quần áo, một thợ hớt tóc là chủ một tiệm hớt tóc, một luật sư tự mở văn phòng luật, chủ tạp hóa, chủ xe hủ tiếu, chủ quán cafe, các Freelancer làm việc tự do,…
– Những người nhóm T cũng tạo ra thu nhập bằng cách đánh đổi thời gian, sức lao động, sức khỏe, trí tuệ… của mình để tạo ra thu nhập.
Nếu họ tự làm cho mình 100% thì khi họ nghỉ làm thu nhập sẽ dừng lại.
Thu nhập của họ là thu nhập chủ động, nhưng khác biệt so với nhóm L là những người nhóm T có thể tự quyết định được thu nhập của mình.
– Nhóm T có một số đặc điểm công việc và thu nhập như
+ Thường có mức thu nhập cao hơn nhóm L.
+ Nhóm T chịu áp lực công việc và rủi ro cao hơn so với nhóm L.
+ Họ có thể tự mình sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách linh hoạt theo ý chí của mình.
+ Công việc và thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình thị trường
+ Vì tự làm thuê và tự trả lương cho mình nên thu nhập của họ phụ thuộc nhiều vào thời gian, sức lực, sức khỏe do chính họ bỏ ra.
+ Ngoài pháp luật ra thì họ chỉ làm việc theo ý chí và niềm tin của mình
Xem thêm: Tài Sản Và Tiêu Sản Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Tài Sản Và Tiêu Sản
III. Nhóm C (Business Owner)
– Nhóm này gồm những người làm chủ sở hữu doanh nghiệp hay hệ thống kinh doanh.
Ví dụ như: Chủ của một doanh nghiệp, chủ của một chuỗi các quán cafe, chủ của một chuỗi các của hàng bán lẻ, chủ khách sạn, chủ nhà hàng,…
– Những người nhóm C tạo ra thu nhập bằng cách xây dựng hệ thống kinh doanh và thuê mướn lao động về làm cho mình.
Hay nói cách khác, họ tận dụng sức mạnh của hệ thống kinh doanh cùng với việc sử dụng thời gian, sức lao động, trí tuệ,… của người khác để tạo ra thu nhập cho hệ thống, trong đó có bản thân họ.
Khác với nhóm T, họ là chủ sở hữu của doanh nghiệp, hệ thống kinh doanh đó.
– Nhóm C có một số đặc điểm công việc và thu nhập như
+ Việc kinh doanh của hệ thống (tức thu nhập của họ) chịu ảnh hưởng bởi thời gian, lao động, nhu cầu và biến động thị trường,…nên họ vẫn phải kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, do đó thu nhập của họ phần lớn vẫn là thu nhập chủ động.
+ Họ ít khi bắt tay vào làm việc như nhóm L và T, mà họ tập trung xây dựng hệ thống kinh doanh và thuê nhân viên. Sau đó, hệ thống đi vào vận hành và nhân viên làm việc thay cho họ.
+ Họ có thể sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi linh hoạt hơn nhóm L và T.
+ Ngoài pháp luật ra thì họ chỉ làm việc theo ý chí và niềm tin của mình.
IV. Nhóm Đ (Investor)
– Nhóm này gồm những nhà đầu tư.
– Những người nhóm Đ tạo ra thu nhập bằng cách “dùng tiền để tạo tiền”.
Họ đầu tư vào những tài sản sinh lời để mang về lợi nhuận cho họ.
Ví dụ như đầu tư vào một doanh nghiệp, trái phiếu, các quỹ đầu tư, bất động sản,… Hoặc kiếm thu nhập từ tài sản do họ làm chủ, điển hình là các loại tài sản cho thuê như ô tô, đất đai, nhà cửa,… Thu nhập của họ là thu nhập thụ động.
– Nhóm Đ có một số đặc điểm công việc và thu nhập như:
+ Họ có thời gian làm việc và nghỉ ngơi vô cùng linh hoạt.
+ Họ chỉ cần đầu tư vào một tài sản có khả năng sinh lời và hưởng lợi nhuận.
+ Ngoài pháp luật ra thì họ chỉ làm việc theo ý chí và niềm tin của mình.
Tại Sao Có Sự Phân Chia Thành 4 Nhóm Người?
“Khi một người cần tiền, người nhóm L sẽ đi kiếm một công việc ngay mà không cần suy nghĩ, trong khi người nhóm T thường muốn tự mình kiếm tiền bằng chính công sức bản thân. Người nhóm C sẽ tạo ra hoặc mua lấy một hệ thống kinh doanh làm ra tiền, và người nhóm Đ thì tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một tài sản tạo ra tiền” – Robert Kiyosaki
Hiển nhiên là 4 nhóm người được phân chia thành 4 nhóm khác nhau bởi vì họ có những cách kiếm tiền khác nhau.
Vậy, tại sao họ lại có những cách kiếm tiền khác nhau như vậy? Hay điều gì ảnh hưởng, quyết định đến cách kiếm tiền của họ?
Chính những quan điểm về giá trị, mối quan tâm, lối suy nghĩ, niềm tin, sở thích, thói quen,… khác nhau, đặc biệt là cách cư xử khác nhau trước nỗi sợ thất bại, nỗi sợ mất mát tiền bạc đã tạo nên những cách kiếm tiền khác nhau, từ đó tạo nên 4 nhóm người khác nhau.
Cụ thể:
– Nhóm L luôn tìm đến một sự bảo đảm an toàn về công việc, thu nhập và các điều kiện phúc lợi.
Khi đối mặt với nỗi sợ thất bại hay rủi ro về tiền bạc, họ không muốn chấp nhận rủi ro hoặc là họ không sợ nhưng họ chưa biết cách quản trị rủi ro, cho nên họ chọn giải pháp an toàn, bảo đảm.
– Nhóm T thì độc lập trong suy nghĩ, tự do trong cách làm, họ luôn tìm đến một sự độc lập trong công việc, họ không tin là có ai khác làm tốt hơn “cách mà họ thấy đúng”, họ muốn tự tay mình làm và không mấy thích thú việc chia sẻ công việc.
Trên hết, họ không muốn thu nhập của mình bị phụ thuộc vào bất kỳ ai mà do họ tự quyết định, cho nên họ tự doanh, họ tự làm cho bản thân mình, hoặc thuê thêm nhân viên vào làm chung với mình.
– Nhóm C thì quan tâm đến việc xây dựng hệ thống kinh doanh làm việc cho mình, họ thích được vây quanh bởi những người giỏi ở cả 4 nhóm, họ thích phân chia công việc và hướng đến sự tự do tài chính. Cho nên họ thành lập doanh nghiệp, hệ thống kinh doanh.
– Nhóm Đ thì hứng thú với rủi ro, vì với họ “rủi ro là nguồn gốc của lợi nhuận”, khi đối mặt với rủi ro, họ tự nhủ phải thật “khôn ngoan” và học cách quản trị rủi ro, đồng thời họ cũng luôn hướng đến sự tự do tài chính.
Vì đạt được tự do tài chính thì sẽ đạt được tự do cá nhân (trong khuôn khổ luật pháp).
Do đó, họ tìm cách đầu tư vào các tài sản mang lại thu nhập (thụ động) cho mình mà không cần phải bỏ thời gian, công sức làm việc nhiều.
Từ 4 cách kiếm tiền khác nhau đó đã tạo nên 4 nhóm người khác nhau và mỗi nhóm có một mối quan hệ khác nhau với những doanh nghiệp (hay hệ thống kinh doanh).
– Người nhóm L làm việc cho (trong) hệ thống, doanh nghiệp, họ thường nói: “Mức lương của tôi là 10 triệu/tháng”, “Tôi phải chạy deadline”,…
– Người nhóm T tự bản thân đã là hệ thống (doanh nghiệp), hoặc là một phần của hệ thống, họ thường nói: “Tôi cần tìm một phụ tá giỏi”, “Tôi cần một nhân viên mới vừa học nghề vừa làm nghề”…
– Người nhóm C tạo ra hoặc sở hữu (từ việc mua lại) và kiểm soát hệ thống, doanh nghiệp, câu nói của họ kiểu như: “Tôi đang tìm một Tổng giám đốc cho khu vực phía Nam”,…
– Người nhóm Đ thì đầu tư tiền bạc vào hệ thống (doanh nghiệp), họ có thể sẽ nói: “Tôi đang xây dựng một hệ thống nhà cho thuê”, “Cổ phiếu công ty X đang trên đà tăng trưởng”,…
Xem thêm: Gửi Tiết Kiệm Chỉ Từ 30k Nhận Lãi Suất Đỉnh Cao Với Savy Tpbank
Bản Chất Của Kim Tứ Đồ Và 5 Sai Lầm Thường Gặp
Kim tứ đồ có 2 đặc điểm trong bản chất là:
– Thể hiện 4 cách kiếm tiền khác nhau của 4 nhóm người khác nhau.
– Chỉ Định hướng suy nghĩ chứ không phải nêu lên một Hành động cụ thể.
Bằng cách thể hiện 4 cách kiếm tiền khác nhau của 4 nhóm người, Kim tứ đồ đã vẽ ra “bức tranh” tổng quát về những cách kiếm tiền trên thế giới, giải thích vì sao có những cách kiếm tiền đó, mỗi cách có lợi và hại như thế nào.
Từ đó giúp định hướng suy nghĩ của chúng ta, sau cùng mới là hành động để đi đến nhóm mà chúng ta mong muốn.
Việc một người di chuyển từ nhóm này sang nhóm kia, chúng ta hãy tạm gọi là “nhảy nhóm”.
Trong quá trình “nhảy nhóm”, chúng ta hay bắt gặp 5 sai lầm như:
(1) Nhóm L không dám “nhảy” sang nhóm T, C hay Đ do nỗi sợ thất bại, nỗi sợ rủi ro lấn át, hoặc đã dám rồi nhưng vẫn mang nỗi sợ đó bên trong mình.
Đây là thất bại trước mắt nằm ngay trong suy nghĩ của chúng ta, khi chúng ta thua từ ngay trong suy nghĩ thì thật khó để tìm ra lý do cho việc chúng ta thành công.
(2) Có người sau khi hiểu Kim tứ đồ nói gì đã vội vàng “nhảy nhóm” mà quên mất yêu cầu cần thiết trước khi “nhảy nhóm” là gì. Việc này rất dễ dẫn đến thất bại trong khi chuyển nhóm.
(3) Có suy nghĩ cho rằng, vì mỗi người có suy nghĩ, tính cách, nghề nghiệp, chuyên môn,… khác nhau nên mỗi người thường chỉ thích hợp với 1 nhóm.
Sự thật thì không phải vậy, trên thực tế vẫn có nhiều người thành công ở 2, 3 thậm chí cả 4 nhóm. Bởi vì, những suy nghĩ, tính cách, chuyên môn hoàn toàn có thể được học tập và rèn luyện.
(4) “Ở nhóm C và Đ sẽ thành công về mặt tài chính”. Điều này không hẳn đúng, vì thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp, nhóm C và Đ vẫn có thể thất bại và trở về số 0, thậm chí là âm.
Bởi vì, việc ở một nhóm nào đó không quyết định thành công về tài chính mà chỉ đem lại cơ hội thành công về tài chính. Việc thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nữa.
(5) Đôi khi có sự so sánh là “Ở nhóm này sẽ tốt hơn nhóm kia”, “Nhóm này quan trọng hơn nhóm kia”, “Ở nhóm này sẽ abcxyz hơn nhóm kia”,…
Sự thật thì không hẳn vậy. Ở một nhóm bất kỳ không hẳn đã tốt hơn hay quan trọng hơn nhóm khác.
Bởi vì mỗi nhóm đều có những ý nghĩa nhất định và có những đóng góp giá trị nhất định cho nền kinh tế và xã hội.
Nền kinh tế luôn cần đủ 4 nhóm người trên Kim tứ đồ.
Và để trở nên giàu có và tự do về tài chính hơn, mỗi người đều nên tìm cách nâng cao năng lực, mục tiêu của mình và đặt mình vào ít nhất 2 nhóm trên Kim tứ đồ.
Yêu Cầu Cần Thiết Trước Khi “Nhảy Nhóm” Kim Tứ Đồ
“Không phải những hành động của bạn cần thay đổi, mà trước hết chính cách suy nghĩ của bạn nên thay đổi” – Robert Kiyosaki
Ở phần trên chúng ta đã biết, nguồn gốc của 4 nhóm người khác nhau là do quan điểm, suy nghĩ, niềm tin, tính cách, sở thích,… khác nhau.
Chính những điểm nằm “sâu bên trong con người” này đã quyết định việc một người chọn cách kiếm tiền như thế nào.
Robert Kiyosaki gọi đó là “giá trị gốc rễ”, nên khi muốn “di cư” sang một nhóm nào đó và hơn hết là để trụ lại và kiếm tiền từ nhóm đó thì trước hết, chúng ta cần tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm đó.
Hay nói cách khác chính là thay đổi suy nghĩ, thay đổi thói quen, rèn luyện thái độ, cá tính cần có sao cho phù hợp với nhóm mà chúng ta cần đến. Sau đó là học tập những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần có của nhóm đó.
Sau cùng mới là hành động cụ thể để đạt đến nhóm chúng ta mong muốn.
Cũng vì vậy mà ông đã gọi việc “di cư” từ nhóm này sang nhóm khác là một cuộc “cách mạng”, vì việc làm đó sẽ thay đổi mọi thứ, từ suy nghĩ đến hành động, từ trong ra ngoài, giống như việc con người ta “thay da đổi thịt”.
Những việc này xảy ra bên trong nội tâm, bên trong suy nghĩ của bản thân mỗi người. Việc di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác chủ yếu là một quá trình trở thành chứ không phải hành động trong ngày 1 ngày 2.
Không phải việc “nộp đơn xin nghỉ việc và gia nhập thị trường chứng khoán” là sẽ giúp chúng ta chuyển sang nhóm Đ ngay lập tức.
Kim tứ đồ đã khuyên chúng ta rằng, từ trong suy nghĩ, chúng ta hãy:
– Hãy chọn tự do thay vì ổn định, an toàn.
– Hãy học cách quản lý rủi ro thay vì né tránh rủi ro.
– Hãy hỏi “Làm thế nào để tôi mua nổi nó?” thay vì nói “Tôi không mua nổi nó”
– Hãy nghĩ “Thứ đó trị giá bao nhiêu về dài hạn?” thay vì “Thứ đó quá đắt tiền”
Việc tìm “nơi trú ngụ” trên Kim tứ đồ có thể được tóm tắt trong 6 bước:
Bước 1: Vượt qua nỗi sợ thất bại, nỗi sợ rủi ro.
Bước 2: Chấp nhận thay đổi và xây dựng niềm tin.
Bước 3: Tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm cần đến.
Bước 4: Xác định sở trường và đam mê của bản thân để phát huy.
Bước 5: Học hỏi những kiến thức, kỹ năng, thái độ và chuyên môn cần thiết tương thích với nhóm đó.
Ví dụ như Nhóm C và Đ thường cần có những kỹ năng chuyên môn như cách quản trị, kỹ năng lãnh đạo, sự hiểu biết về tiền bạc, quản trị rủi ro, phân tích thị trường, cách gọi vốn, cách sắp xếp nợ, cách điều chỉnh giá bán,…
Bước 6: Hành động.
- Xem thêm
Sổ Tay Quản Lý Chi Tiêu Kakeibo, Nghệ Thuật Quản Lý Tiền Từ Nhật Bản
6 Chiếc Lọ Tài Chính – Quy Tắc Quản Lý Tài Chính Siêu Việt [Chi Tiết]
Kết Luận
Khi nói đến việc “chuyển nhà” sang nhóm C hay Đ trên Kim tứ đồ, Robert Kiyosaki đã nhắc đến một ví dụ khi con người tìm người yêu, đó là:
“Những gì họ hành động là chạy ra ngoài và “tìm kiếm một người yêu lý tưởng” mà lẽ ra chính bản thân họ phải nên phấn đấu “trở thành người yêu lý tưởng trước nhất”.”
Rõ ràng là việc thay đổi suy nghĩ, niềm tin là điều quan trọng đầu tiên mà chúng ta phải làm trước khi tung người “nhảy nhóm” trên kim Tứ đồ.
Bởi nếu không thể thay đổi được suy nghĩ và niềm tin thì mọi hành động của chúng ta đều vô nghĩa.
Dù ở nhóm nào đi nữa thì nhóm đó cũng quan trọng và có ý nghĩa, giá trị nhất định với xã hội. Nền kinh tế luôn cần đủ 4 nhóm người trên Kim tứ đồ. Nhưng để thành công về tài chính thì mỗi người chúng ta nên nâng cao năng lực, mục tiêu và đặt mình ở ít nhất 2 hoặc 3 nhóm trên Kim tứ đồ.
Hy vọng rằng, sau bài viết này bạn đã hiểu thêm nhiều điều hơn về Kim tứ đồ, ý nghĩa của kim tứ đồ, 4 nhóm người với 4 cách kiếm tiền khác nhau, ưu nhược điểm của từng nhóm và có định hướng riêng cho mình về việc chọn nhóm nào phù hợp cũng như quá trình bước vào nhóm đó, và đừng quên chia sẻ điều này với bạn bè, người thân của chúng ta bạn nhé!
“Làm ra bao nhiêu tiền không quan trọng, quan trọng là giữ lại bao nhiêu và sinh lời bao nhiêu.” – Robert Kiyosaki.
Chúc bạn thành công!!