Lạm phát cơ bản là một chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng giúp chúng ta biết được sự thay đổi mức giá chung của nền kinh tế. Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết được lạm phát cơ bản là gì, lạm phát cơ bản khác lạm phát ở điểm nào, cách tính lạm phát cơ bản và cách khắc phục nhược điểm của chỉ số này.
Lạm Phát Cơ Bản Là Gì?
Lạm phát cơ bản là chỉ tiêu thể hiện sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Lạm phát cơ bản (tiếng Anh là Core Inflation) có thể được hiểu là lạm phát đã được điều hòa hay lạm phát đã được điều chỉnh. Chỉ số LPCB là một chỉ tiêu tương đối thể hiện sự thay đổi của mức giá chung trong dài hạn và có đơn vị tính là phần trăm.
Nguyên nhân của sự thay đổi mang tính tạm thời trong chỉ số giá tiêu dùng CPI là sự biến động về giá cả có tính ngẫu nhiên và không theo bất kỳ xu hướng nào của những mặt hàng dễ biến động.
Sự thay đổi ngẫu nhiên trong mức giá chung sẽ diễn ra ngẫu nhiên và ngay sau đó biến mất như chưa có gì xảy ra. Một số nhóm hàng hóa như vậy có thể kể đến như lương thực, thực phẩm và năng lượng.
Chẳng hạn như các loại thực phẩm có tính thời vụ phụ thuộc vào năng suất mùa vụ, ảnh hưởng của thiên nhiên hay các dịch bệnh. Hay các nguyên nhiên liệu như dầu mỏ thì chịu ảnh hưởng các yếu tố như chính trị, chiến tranh, chính sách thương mại, sản lượng khai thác, dịch bệnh, thời tiết.
Ví dụ, tỷ lệ lạm phát năm 2021 là 1.84%, tỷ lệ lạm phát cơ bản năm 2021 là 0.81%.
Hai con số trên có ý nghĩa là, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2021 tăng 1.84% so với bình quân năm 2020, tỷ lệ LPCB bình quân năm 2021 tăng 0.81% so với bình quân năm 2020.
Nếu tính thêm giá cả của các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, năng lượng thì tỷ lệ lạm phát bình quân năm 2021 là 1.84%, khi đã loại bỏ đi sự biến động nhất thời trong giá cả của những mặt hàng này bạn sẽ có tỷ lệ LPCB là 0.81%.
Lạm Phát Cơ Bản Khác Lạm Phát Ở Điểm Nào?
Lạm phát cơ bản khác lạm phát ở 3 điểm sau:
- Lạm phát chung bao gồm sự thay đổi mức giá của những mặt hàng dễ biến động hoặc thường xuyên biến động, còn lạm phát cơ bản loại trừ đi những sản phẩm này.
- Trên phương diện hình học, lạm phát chung có đồ thị lồi lõm hơn còn lạm phát cơ bản có đồ thị tương đối bằng phẳng.
- Lạm phát cơ bản thể hiện xu hướng lạm phát tốt hơn lạm phát chung nhưng phản ánh các thời điểm thay đổi xu hướng lạm phát tương đối trễ so với lạm phát chung.
Cả 2 chỉ số lạm phát chung và lạm phát cơ bản đều là những chỉ số có ý nghĩa quan trọng trong việc đo lường sự biến động giá cả và đánh giá tình hình nền kinh tế để từ đó thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, vì đã loại bỏ đi những biến động có tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng CPI nên chỉ số LPCB cho đánh giá “thật hơn” nhưng cũng kém đầy đủ hơn so với chỉ số truyền thống.
Ngược lại, lạm phát chung thì phản ánh đầy đủ hơn nhưng xu hướng lạm phát thật sự thì bị làm méo mó đi vì có tính cả những sự thay đổi tạm thời trong giá cả của một số hàng hóa.
Cả 2 chỉ số đều có những ưu điểm và nhược điểm của riêng mình, nên trong thực tế, người ta thường sử dụng cả 2 chỉ số lạm phát này để có cái nhìn tổng quát và chính xác chứ không chỉ tập trung vào 1 chỉ số riêng biệt, đặc biệt là trong một giai đoạn nào đó mà chỉ số giá tiêu dùng CPI có sự biến động lớn.
Xem thêm: Thị Trường Tài Chính Là Gì? Phân Tích 3 Chức Năng 4 Vai Trò Của Thị Trường Tài Chính
Cách Tính Lạm Phát Cơ Bản
Lạm phát cơ bản được tính bằng cách sử dụng chỉ số giá tiêu dùng CPI đã loại trừ đi các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm các dịch vụ Y tế và Giáo dục.
Cách tính phổ biến thường được sử dụng để tính toán là loại trừ trực tiếp những sự thay đổi ngẫu nhiên vì cách tính này đơn giản, dễ dàng sử dụng và dễ hiểu đối với người thực hiện.
Do đó, công thức tính LPCB tương tự như công thức tính lạm phát thông thường, chỉ khác ở một điểm là Chỉ số giá tiêu dùng CPI được sử dụng đã loại trừ đi một số mặt hàng nhất định.
Ở thời điểm hiện tại, tại nước ta, chỉ số LPCB được tính toán bằng cách loại trừ trực tiếp 16 nhóm hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và một số mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Công thức tính là: I(t) = [CPI(t)/CPI(t-1) – 1]*100
Trong đó:
- I(t) là tỷ lệ LPCB của năm t cần tính
- CPI(t) là chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm t (năm sau)
- CPI(t-1) là chỉ chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm t – 1 (năm trước)
Lưu ý: Các chỉ số giá tiêu dùng CPI trong công thức trên đã loại trừ đi các mặt hàng hàng thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và một số mặt hàng Giáo dục, Y tế do Nhà nước quản lý.
Khắc Phục Hạn Chế
Chỉ số LPCB có nhược điểm là phản ánh không đầy đủ xu hướng lạm phát vì loại bỏ đi một số hàng hóa có giá cả biến động ngẫu nhiên. Để khắc phục nhược điểm này, người ta thường sử dụng hai cách là:
Cách 1: Xác định các thành phần hàng hóa có giá cả dễ biến động hoặc thường xuyên biến động và quy định cho chúng một quyền số thấp trong công thức tính toán. Kéo theo đó, những thông tin về giá cả của những mặt hàng này không bị loại trừ và vẫn được giữ lại trong kết quả tính toán.
Cách 2: Phân chia sự biến động giá cả bên trong Chỉ số giá tiêu dùng CPI thành 2 phần riêng biệt là Phần có tính thường xuyên, lâu dài và Phần có tính ngẫu nhiên, nhất thời. Phần có tính thường xuyên, lâu dài chính là xu hướng lạm phát.
Mỗi quốc gia, mỗi khu vực sẽ có các tình hình khác nhau về rổ hàng hóa cần tính. Do đó, tại các nước khác nhau sẽ có các cách tiếp cận với LPCB khác nhau để điều chỉnh cách tính toán phù hợp.
- Xem thêm:
Công Thức Và Cách Tính Chi Phí Cơ Hội Đơn Giản, Dễ Dàng
Quy Luật Giá Trị Yêu Cầu Những Gì Trong Sản Xuất Và Lưu Thông Hàng Hóa?
Kết Luận
Nếu bỏ qua chỉ số lạm phát cơ bản mà chỉ sử dụng chỉ số lạm phát chung thì chúng ta sẽ không thể thấy được chính xác mức giá chung của nền kinh tế thực sự thay đổi ra sao. Do đó, trong thực tiễn cần phải sử dụng đầy đủ cả 2 chỉ số này.
Mong rằng sau bài viết này bạn đã biết lạm phát cơ bản là gì, lạm phát cơ bản khác lạm phát ở điểm nào và cách tính lạm phát cơ bản để dễ dàng vận dụng của việc học tập của mình. Chúc bạn thành công!