Lạm phát là gì? Nguyên nhân gây ra lạm phát là gì? Đây là câu hỏi quen thuộc mặc dù lạm phát là hiện tượng kinh tế không còn xa lạ với chúng ta. Sau bài viết này, bạn sẽ biết được lạm phát là gì và các nguyên nhân gây ra lạm phát như: lạm phát do cung tiền, do cầu kéo, do chi phí đẩy và lạm phát dự kiến.
Lạm Phát Là Gì?
Lạm phát (Tiếng anh: Inflation) là hiện tượng mức giá trung bình của nền kinh tế gia tăng theo thời gian. Trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng tiềm ẩn một khả năng lạm phát hoặc một tỷ lệ lạm phát cụ thể với nhiều nguyên nhân gây ra khác nhau.
Chúng ta gọi hiện tượng giá cả tăng lên làm suy giảm sức mua là Lạm Phát. Kéo theo đó làm suy giảm sức mua của đồng tiền, tức là bạn phải mua hàng hóa, dịch vụ với số tiền lớn hơn nhiều so với trước đây.
Lạm phát được thể hiện qua chỉ số lạm phát, trên thực tế là Chỉ số giá tiêu dùng CPI hoặc chỉ số điều chỉnh GDP (GDP Deflator). Khi loại bỏ sự gia tăng mức giá có tính chất tạm thời, ngẫu nhiên trong chỉ số CPI thì ta sẽ có tỷ lệ lạm phát cơ bản.
Ngược lại với Lạm Phát là giảm phát, là hiện tượng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống theo thời gian.
Hãy thử tưởng tượng rằng, bạn gửi vào ngân hàng 10 triệu đồng với mức lãi suất là 9%/năm.
Hôm nay, sau 1 năm, bạn rút hết tiền gốc ra cùng với số tiền lãi là 900 ngàn đồng và đi mua chiếc điện thoại mình thích – có giá là 10 triệu cách đây 1 năm.
Khi đó, nếu giá của chiếc điện thoại tăng lên 4% thì sức mua của bạn chỉ tăng lên 5% (bạn dư 500 ngàn) chứ không phải là 9%. Nếu giá của chiếc điện thoại đó tăng lên 10% thì sức mua của bạn giảm đi 1% (bạn bị thiếu 100 ngàn).
Ví dụ, lạm phát ở Việt Nam năm 2020 là 3,23%, tức là mức giá chung của nền kinh tế trong năm 2020 tăng lên 3,23% so với năm 2019. Lạm phát Việt Nam năm 2021 là 1.84%, tức mức giá chung của nền kinh tế trong năm 2021 tăng 1.84% so với năm 2020.
Vậy, nguyên nhân gây ra lạm phát là gì?
Các Nguyên Nhân Gây Ra Lạm Phát
Có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát, trong đó phải kể đến 04 nguyên nhân chính như: lạm phát do thừa cung tiền, lạm phát do cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy, lạm phát dự kiến.
Lạm Phát Do Thừa Mức Cung Tiền (Theo Học Thuyết Tiền Tệ)
Ngân hàng trung ương đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân này, bởi vì, theo quy luật lưu thông tiền tệ thì số lượng tiền cần cho lưu thông tỷ lệ thuận với sản lượng, mức giá chung và tỷ lệ nghịch với tốc độ lưu thông của tiền tệ.

Theo đó, nền kinh tế cần một lượng tiền nhất định (vừa đủ) để thực hiện chức năng trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Giả định rằng tốc độ lưu thông tiền tệ không đổi thì có 2 trường hợp sau:
Xét trong ngắn hạn, khi tổng sản lượng của nền kinh tế chưa đạt cân bằng thì tăng lượng cung tiền sẽ chưa gây ảnh hưởng nhiều lên mức giá chung.
Xét trong dài hạn, khi tốc độ lưu thông của tiền tệ ổn định và sản lượng thực của nền kinh tế đã đạt mức cân bằng thì nếu lượng cung tiền tăng lên (thừa tiền) sẽ làm giá cả tăng lên với tỉ lệ tương ứng gây ra lạm phát.
Trong trường hợp V (Tốc độ lưu thông của tiền tệ) thay đổi:
+ Nếu V giảm và giảm với tỷ lệ nhỏ hơn tỷ lệ gia tăng của cung tiền thì vẫn gây ra Lạm phát nhưng yếu hơn.
+ Nếu V giảm và tỷ lệ giảm bằng với tỷ gia tăng cung tiền thì sẽ không xảy ra lạm phát.
+ Nếu V tăng thì sẽ xảy ra Lạm Phát mạnh hơn so với lúc V không đổi.
V sẽ tăng trong các trường hợp như: nền kinh tế mở rộng, tận dụng công nghệ trong các giao dịch tiền tệ như sử dụng máy đếm tiền…
Trên thực tế, khi tăng cung tiền thì lãi suất sẽ giảm, tổng cầu tăng lên nhưng tổng cung không đổi sẽ dẫn đến mức giá chung tăng lên gây ra lạm phát.
Lạm Phát Do Cầu Kéo (Theo Học Thuyết Keynes)
Lạm phát cầu kéo là hiện tượng mức giá trung bình của nền kinh tế gia tăng do có sự gia tăng nhanh chóng trong tổng cầu (nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ) vượt qua tổng cung tối đa có thể có của nền kinh tế.
Trong trường hợp này, tổng cung không tăng hoặc là tăng không kịp so với tổng cầu, điều này được thể hiện trong hình sau:

Khi kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng của cải trong xã hội, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng các biện pháp kích cầu như kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, kích cầu qua đầu tư công… thì sẽ làm gia tăng tổng cầu trong nền kinh tế.
Trong trường hợp tổng cầu hàng hóa, dịch vụ tăng nhanh vượt quá mức cung nhưng tổng cung không tăng hoặc tăng không kịp do sản xuất không được mở rộng hoặc máy móc thiết bị đã đạt công suất tối đa nhưng không đáp ứng kịp sự tăng lên của tổng cầu dẫn đến sự mất cân đối trong Cung – Cầu.
Như vậy, nguyên nhân gây ra lạm phát cầu kéo là do tổng cầu tăng vượt qua tổng cung làm cho hàng hóa trở nên khan hiếm và đắt đỏ dẫn đến giá cả của hàng hóa tăng cao.
Xem thêm: Chính Sách Tài Khóa Là Gì? Mục Tiêu, Công Cụ, Hạn Chế Và Vai Trò
Lạm Phát Chi Phí Đẩy (Theo Thuyết Chi Phí Đẩy):
Lạm phát chi phí đẩy là hiện tượng mức giá trung bình của nền kinh tế gia tăng liên tục do sự gia tăng của các chi phí sản xuất, chi phí cung ứng hàng hóa, chi phí các nguyên vật liệu trung gian.
Lạm phát chi phí đẩy còn được gọi là lạm phát do phía cung hoặc lạm phát đình trệ, vì không những gây ra lạm phát, mà còn làm giảm khối lượng của cải trong xã hội đồng thời gây ra tình trạng thất nghiệp.

Nguyên nhân gây ra lạm phát chi phí đẩy là do sự gia tăng của các chi phí sản xuất, chi phí cung ứng hàng hóa, chi phí các nguyên vật liệu trung gian. Các chi phí trên thường tăng lên trong các hoàn cảnh như: chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, các biến động trong kinh tế – chính trị – xã hội.
Trong đó, các loại chi phí chính gây ra lạm phát chi phí đẩy có thể kể đến như:
- Giá cả của nguyên vật liệu
Nếu việc khai thác nguyên vật liệu bị hạn chế hoặc khan hiếm hoặc không đạt năng suất làm giá cả nguyên vật liệu tăng lên. Điều này dẫn đến giảm tổng cung hoặc gia tăng chi phí sản xuất. Từ đó gây ra hiện tượng tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ gây ra lạm phát.
- Tiền lương
Nếu tiền lương chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí sản xuất và tăng nhanh hơn so với năng suất lao động thì tổng chi phí sản xuất sẽ tăng lên so với tổng doanh thu.
Điều này Dẫn đến nhà sản xuất sẽ muốn chuyển việc tăng chi phí này lên cho người tiêu dùng để đảm bảo lợi nhuận cho mình bằng cách tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ.
Đến lượt mình sử dụng hàng hóa, dịch vụ có mức giá cao hơn thì những người công nhân lại đòi hỏi nhà sản xuất tăng lương để đảm bảo mức sống.
Và cứ như vậy nhà sản xuất lại tăng giá hàng hóa, dịch vụ dẫn đến vòng xoáy ốc tăng giá, giá tăng lên liên tục như vậy gây ra lạm phát.
- Chi phí nhập khẩu
Trong trường hợp nhập khẩu, nếu đồng tiền nội tệ mất giá so với đồng ngoại tệ hoặc tăng thuế nhập khẩu thì làm gia tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu dẫn đến việc tăng giá cả trong khu vực nội địa gây ra lạm phát.
Nguyên Nhân Gây Ra Lạm Phát: Lạm Phát Dự Kiến
Lạm phát dự kiến là loại lạm phát có thể dự đoán được khi nền kinh tế khá ổn định và sản lượng thực ở mức cân bằng. Lạm phát dự kiến thường ở mức vừa phải và còn được gọi là lạm phát do tâm lý, hay lạm phát ì.
Tỷ lệ Lạm Phát này có xu hướng tăng lên với mức độ thấp và tương đối ổn định theo thời gian. Các chủ thể kinh tế có thể đoán trước được tỷ lệ lạm phát này và họ tự động điều chỉnh trong các hợp đồng kinh tế, các khoản tiền lương danh nghĩa, lãi suất danh nghĩa…
Kết quả là tổng sản lượng không đổi nhưng giá cả tăng lên theo đúng như dự kiến của họ. Tỷ lệ lạm phát dự kiến khi đã hình thành thì sẽ ổn định, kéo dài theo thời gian và gây ra không ít thiệt hại cho xã hội.
Trên thực tế, lạm phát xảy ra do sự phối hợp của tối đa 4 nguyên nhân kể trên, mỗi nguyên nhân có một sư tác động khác nhau tại mỗi thời điểm khác nhau để cuối cùng gây ra lạm phát.
*Ngoài ra, còn một số nguyên nhân gây ra Lạm Phát như: do tâm lý ngươi tiêu dùng, thâm hụt ngân sách trầm trọng và lâu dài, các chính sách kinh tế chưa hợp lý – mất cân đối, xuất khẩu hoặc nhập khẩu tăng cao, tỷ giá hối đoái tăng lên… nhưng thường thì vẫn dẫn đến 1 trong 4 nguyên nhân gây ra lạm phát kể trên.
- Xem thêm:
Tỷ Lệ Lạm Phát Việt Nam Qua Các Năm Trong Giai Đoạn 2010 – 2020
Chính Sách Tiền Tệ Là Gì? Các Công Cụ Của Chính Sách Tiền Tệ
Kết Luận
Lạm phát là một hiện tượng kinh tế muôn thuở luôn được các nhà kinh tế quan tâm, đặc biệt là các nguyên nhân gây ra lạm phát, bởi có tìm ra được nguyên nhân thì mới có thể biết cách khắc phục được hiện tượng này.
Mong rằng sau bài viết này, bạn đã biết được lạm phát là gì, các nguyên nhân gây ra lạm phát thường gặp và bạn có thể vận dụng những kiến thức này dễ dàng vào việc học tập và trong công việc của mình. Chúc bạn thành công!