Quy luật giá trị là một trong những quy luật kinh tế cơ bản mà mỗi chủ thể kinh tế khi tham gia sản xuất, mua bán và trao đổi hàng hóa cần nắm vững và tuân thủ để đảm bảo lợi nhuận cho mình cũng như lợi ích cho các chủ thể khác trong xã hội. Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết được một số nội dung như: Quy luật giá trị là gì, quy luật giá trị yêu cầu những nội dung gì? Cách quy luật giá trị điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa thông qua sự biến động của giá cả, Quy luật giá trị yêu cầu người sản xuất phải đảm bảo những gì? và cuối cùng là vai trò, cách ứng dụng quy luật giá trị vào sản xuất.
Quy Luật Giá Trị Là Gì?
Các-Mác (1818 – 1883) – nhà triết học Mác-Xít lỗi lạc, là người đầu tiên phát hiện ra Quy luật giá trị và trình bày quy luật này trong tác phẩm “Góp Phần Phê Phán Môn Chính Trị Kinh Tế Học” vào tháng 6/1859.
Dưới nền sản xuất tự cung tự cấp thì quy luật giá trị chưa xuất hiện.
Nhưng khi phân công lao động xã hội xuất hiện, đồng thời sự tách biệt tương đối về kinh tế giữa những người sản xuất hình thành, tạo điều kiện cho nền sản xuất hàng hóa ra đời thì cũng là lúc Quy luật giá trị xuất hiện, hình thành và phát triển cho đến ngày nay.
Khác với nền sản xuất tự cung tự cấp thì nền sản xuất hàng hóa ra đời với mục đích là trao đổi, mua bán hàng hóa.
Vì việc trao đổi và mua bán hàng hóa dựa trên giá trị và giá cả của hàng hóa nên sẽ chịu sự chi phối của QLGT.
Quy luật giá trị là một quy luật kinh tế nói lên lượng giá trị của hàng hóa và mối quan hệ giữa giá trị và giá cả của hàng hóa.
Quy luật giá trị là một trong những quy luật kinh tế quan trọng cơ bản của nền kinh tế hàng hóa, ở đâu có sản xuất trao đổi hàng hóa thì ở đó có sự tác động của quy luật giá trị.
Nếu các chủ thể kinh tế hiểu rõ và vận dụng linh hoạt quy luật này vào trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình thì không những mang lại lợi nhuận cho bản thân mình mà còn góp phần nâng cao chất lượng của lực lượng sản xuất, đảm bảo lợi ích cho nền kinh tế và toàn xã hội.
Xem thêm: Đường Giới Hạn Khả Năng Sản Xuất PPF – Production Posibility Frontier
Các Khái Niệm Cần Nắm
Phần này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một vài khái niệm liên quan để làm cơ sở cho phần nội dung của quy luật giá trị.
– Giá trị sử dụng là một trong hai thuộc tính của hàng hóa, là công dụng của hàng hóa đó có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người. Ví dụ: áo để mặc, gạo để ăn, xe để đi lại,…
– Giá trị là thuộc tính thứ 2 của hàng hóa, là lao động xã hội của người sản xuất kết tinh trong hàng hóa đó.
– Giá trị trao đổi là mối quan hệ tỷ lệ về lượng mà giá trị sử dụng này trao đổi với giá trị sử dụng khác.
– Giá cả là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị.
– Thời gian lao động cá biệt là thời gian lao động của một cá nhân hay một tổ chức sản xuất để tạo ra một đơn vị hàng hóa.
– Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa trong điều kiện bình thường của xã hội với trình độ thiết bị kỹ thuật trung bình, trình độ tay nghề trung bình và cường độ lao động trung bình.
Giá trị hàng hóa được đo bằng lượng lao động kết tinh trong hàng hóa đó.
Còn lượng lao động thì được đo bằng thời gian lao động, thời gian lao động thì được đo bằng các thành phần nhất định của thời gian như: giờ, ngày, tháng…
Đến đây ta có thể hiểu là một người lười biếng vừa làm vừa chơi có thời gian lao động càng dài thì sẽ tạo ra hàng hóa có giá trị càng cao.
Nhưng sự thật thì không phải vậy!
Toàn bộ lượng lao động của xã hội được thể hiện bằng tổng giá trị của thế giới hàng hóa. Mà lượng lao động xã hội là tổng lượng lao động của các cá thể riêng biệt.
Lượng lao động của cá thể riêng biệt được thể hiện là giá trị “cá biệt” của một đơn vị hàng hóa.
Lượng lao động cá biệt này được kết tinh trong hàng hóa là một phần của sức lao động của con người, là bộ phận của lượng lao động toàn xã hội và xét về bản chất là như nhau – đều là sức lao động của con người để sản xuất ra hàng hóa.
Hay nói cách khác, lượng lao động cá biệt của một người có tính chất đại diện cho lượng lao động trung bình của xã hội và hoạt động sản xuất với tư cách là lượng lao động trung bình của xã hội.
Vậy nên, lượng lao động trung bình này cần một khoảng thời gian lao động cần thiết trung bình đủ để sản xuất ra hàng hóa, đó chính là thời gian lao động xã hội cần thiết.
Do đó, thời gian lao động xã hội cần thiết quyết định đến giá trị hàng hóa.
Hơn nữa, nếu giá trị của hàng hóa được quyết định bởi thời gian lao động cá biệt thì trên thị trường sẽ có tình trạng một mặt hàng được bán với rất nhiều mức giá cả khác nhau dẫn đến rối loạn thị trường.
Nguyên Tắc Trao Đổi Ngang Giá
Hai hàng hóa được dùng để trao đổi với nhau khi và chỉ khi chúng cùng kết tinh một lượng hao phí lao động xã hội cần thiết như nhau,
Tức việc mua bán trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở giá cả hàng hóa bằng giá trị hàng hóa.
Xem thêm: Top 4 Nguyên Nhân Lạm Phát Hiện Nay Và Công Thức Tính Lạm Phát
Quy Luật Giá Trị Yêu Cầu Những Gì?
Nội dung (yêu cầu) của Quy luật giá trị được thể hiện ở 3 điểm sau:
– Giá Trị Của Hàng Hóa Được Quy Định Bởi Hao Phí Lao Động Xã Hội Cần Thiết.
Nên những người sản xuất cần điều chính sao cho hao phí lao động cá biệt của mình phù hợp với hao phí lao động xã hội cần thiết để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và mang về lợi nhuận.
– Trao Đổi Hàng Hóa Cần Phải Dựa Trên Nguyên Tắc Ngang Giá.
Vì giá trị của hàng hóa được quy định bởi hao phí lao động xã hội cần thiết nên quá trình sản xuất, trao đổi hàng hóa cần phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.
Tức là những hàng hóa được trao đổi với nhau khi chúng có cùng hao phí lao động xã hội cần thiết như nhau – có giá trị bằng nhau, và giá cả hàng hóa phải bằng giá trị hàng hóa.
Tức, Quy luật giá trị yêu cầu tổng giá cả hàng hóa sau khi bán phải bằng tổng giá trị hàng hóa được tạo ra trong quá trình sản xuất.
– Giá Cả Của Hàng Hóa Luôn Vận Động Xoay Quanh Trục Giá Trị Của Nó.
Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị.
Nhưng trên thực tế, giá cả chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: Cung – cầu, cạnh tranh, sức mua của đồng tiền… nên giá cả thị trường sẽ vận động lên xuống xa rời giá trị thực của hàng hóa nhưng đều xoay quanh một trục là trục giá trị của loại hàng hóa đó.
Quy luật giá trị thực hiện cơ chế và phát huy tác dụng của mình thông qua sự vận động của giá cả hàng hóa.
Xem thêm: Vai Trò Và Cấu Trúc Của Hệ Thống Tài Chính Là Gì ?
Vai Trò Của Quy Luật Giá Trị
Quy luật GT có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế (đặc biệt là với các chủ thể sản sản xuất) điều này được thể hiện thông qua các điểm sau:
– Quy Luật Giá Trị Điều Tiết Sản Xuất Và Lưu Thông Hàng Hóa Như Thế Nào?
Quy luật giá trị điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa thông qua sự biến động của giá cả.
Các quan hệ cung cầu tác động làm giá cả biến động. Thông qua sự biến động của giá cả mà QLGT phát huy vài trò của mình.
Ở một ngành nghề nào đó, khi cầu vượt cung làm giá cả tăng cao vượt qua giá trị, hàng hóa bán nhanh và lợi nhuận lớn sẽ kích thích các nhà sản xuất chuyển các nguồn lực tài chính, sức lao động, tư liệu sản xuất… về ngành đó.
Còn ngành nào có cung vượt cầu làm giá cả giảm xuống thấp hơn giá trị, buôn bán đạt lợi nhuận không cao thì các nhà sản xuất sẽ thu hẹp đầu tư sản xuất ở ngành nghề đó, thậm chí chuyển sang ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, việc giá cả biến động xoay quanh trục giá trị cũng có tác dụng điều tiết lưu thông khi hàng hóa ở nơi giá thấp được các nhà cung cấp chuyển về bán ở nơi có giá cao hơn giúp việc lưu thông được thông suốt.
– Quy Luật Giá Trị Yêu Cầu Người Sản Xuất Phải Đảm Bảo Những Gì ?
Quy luật giá trị yêu cầu người sản xuất hàng hóa phải đảm bảo hao phí lao động cá biệt của mình bằng hoặc thấp hơn hao phí lao động xã hội.
Vậy, vì sao Quy luật giá trị yêu cầu người sản xuất hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết?
Bởi vì,
Trong một nền kinh tế có nhiều nhà sản xuất khác nhau, do có những điều kiện sản xuất khác nhau, kiến thức khác nhau, trang bị kỹ thuật khác nhau… nên có hao phí lao động cá biệt khác nhau.
Nếu ai có hao phí lao động các biệt thấp hơn hao phí lao động xã hội cần thiết thì sẽ thu được lợi nhuận cao.
Ngược lại ai có hao phí lao động cá biệt cao hơn hao phí lao động xã hội cần thiết thì sẽ lỗ vốn.
Dẫn đến, các nhà sản xuất phải tìm cách hạ thấp hao phí lao động cá biệt của mình xuống bằng hoặc thấp hơn hao phí lao động xã hội bằng các biện pháp như cải tiến kỹ thuật, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao tay nghề cho công nhân, phân bổ nguồn lực hiệu quả…
Từ đó nâng cao năng suất lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế và Thúc đẩy lực lượng sản xuất của toàn xã hội phát triển.
– Tại Sao Quy Luật Giá Trị Có Tác Động Phân Hóa Giàu Nghèo?
Khi những nhà sản xuất có điều kiện tốt, kiến thức chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại giúp giảm chi phí sản xuất, hao phí lao động cá biệt bằng hoặc thấp hơn hao phí lao động xã hội cần thiết (tức họ tuân thủ QLGT) thì họ sản xuất kinh doanh có lãi, tái đầu tư mở rộng sản xuất và trở nên giàu có.
Ngược lại là những nhà sản xuất có hao phí lao động cá biệt cao hơn hao phí lao động xã hội cần thiết, kết quả là họ thua lỗ và trở nên nghèo khó.
Đây chính là sự chọn lọc của QLGT, tạo điều kiện cho các nhân tố tích cực phát triển, đào thải nhân tố yếu kém.
Từ đó tạo ra kết quả tất yếu là sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội.
- Đừng bỏ lỡ
Hàm PV Là Gì? Cách Dùng Hàm PV Trong Excel Và Bài Tập
5 Dạng Cấu Trúc Thị Trường Tài Chính Chi Tiết Nhất
Kết Luận
Rõ ràng rằng quy luật giá trị là một quy luật có ý nghĩa quan trọng và có vai trò định hướng hoạt động của chúng ta trong nền kinh tế.
Hy vọng bạn đã biết được quy luật giá trị là gì, Quy luật giá trị yêu cầu những nội dung gì? Cách quy luật giá trị điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa thông qua sự biến động của giá cả, Quy luật giá trị yêu cầu người sản xuất phải đảm bảo những gì và vai trò của quy luật này trong nền kinh tế.
Chúc bạn thành công!