Home » Tài Chính Cá Nhân » Top 3 Phương Pháp, Quy Tắc Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Hiệu Quả

Top 3 Phương Pháp, Quy Tắc Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Hiệu Quả

vay tiền avay

Quản lý tài chính cá nhân là một đề tài muôn thuở sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở hiện tại và tương lai sau này bởi tài chính cá nhân là một lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, cách quản lý tài chính cá nhân sao cho hiệu quả thì vẫn còn khá mập mờ với chúng ta. Trong bài viết này, Lodongxu sẽ chia sẻ với bạn: Quản lý tài chính cá nhân là gì? Lợi ích của việc quản lý tài chính cá nhân?, Các phương pháp và quy tắc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả đã được ứng dụng rộng rãi. Cuối cùng, chúng ta sẽ so sánh sự khác nhau và ưu điểm của từng phương pháp để tìm ra cách quản lý tài chính cá nhân phù hợp với bản thân mình.

Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Là Gì?

Tài chính cá nhân là một khía cạnh quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân chúng ta.

Bởi tài chính cá nhân không những tác động trực tiếp đến cuộc sống mỗi cá nhân mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Do đó, việc có hành động cụ thể để quản lý tài chính cá nhân luôn là một việc làm cần thiết, hơn thế nữa chính là việc áp dụng các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả để đảm bảo khả năng tài chính trong hiện tại và tương lai.

Quản lý tài chính cá nhân là việc dựa trên một ngân sách sẵn có để lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh hoạt động tài chính cá nhân nhằm đạt được những mục tiêu nhất định như cân đối thu chi, tránh lãng phí tiền bạc, tiết kiệm, phòng ngừa rủi ro, hoặc gia tăng tài sản,…

Phương pháp quản lý tài chính cá nhân là một tập hợp những việc làm, hành động cụ thể có tác dụng quản lý tài chính cá nhân.

Lợi Ích Của Việc Quản Lý Tài Chính Cá Nhân?

cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Việc quản lý tài chính hiệu quả sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho mỗi cá nhân như:

– Hỗ trợ cho việc đạt được Tự do tài chính. Việc quản lý tài chính cá nhân có ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính và trực tiếp xây dựng một nền tảng vững chắc để giúp chúng ta đến gần với tự do tài chính hơn.

– Sẽ thế nào nếu bạn không biết mình đang có bao nhiêu tiền, mình chi tiêu hết bao nhiêu, tháng này mình tiết kiệm như thế nào, mục tiêu của mình đến bao giờ sẽ đạt được?

Việc quản lý tài chính sẽ giúp chúng ta nắm bắt được tình hình tài chính kịp thời để có phản ứng phù hợp với định hướng mục tiêu ban đầu, từ đó đảm bảo có tình hình tài chính luôn ổn định.

– Bản thân việc quản lý tài chính đã có tính chủ động rồi, do đó, quá trình này sẽ giúp chúng ta chủ động về tài chính hơn rất nhiều trước những rủi ro, biến cố xảy ra gây ảnh hưởng đến tài chính. Ví dụ như tai nạn, bệnh tật, hỏa hoạn, mất cắp, vỡ nợ,…

Nâng cao mức sống luôn là mong muốn của tất cả chúng ta.

Nhưng mục tiêu này sẽ khó mà đạt được nếu ngân sách bị lãng phí, tài chính bấp bênh, chi phí luôn lớn hơn thu nhập, nợ nần,…

Quản lý tài chính tốt sẽ mang lại những hệ quả tích cực như gia tăng số tiền tiết kiệm, gia tăng tài sản, tạo nguồn vốn đầu tư,… cuối cùng sẽ giúp chúng ta nâng cao mức sống.

– Việc xây dựng mục tiêu tài chính cá nhân sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta nắm bắt được tình hình tài chính cụ thể tại từng thời điểm.

Điều đó sẽ hỗ trợ chúng ta có kế hoạch cụ thể để gia tăng tài sản trong tương lai.

Xem thêm: Tài Sản Và Tiêu Sản Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Tài Sản Và Tiêu Sản

Các Quy Tắc Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Hiệu Quả

Thế giới ngày càng phát triển, cùng với nhu cầu về tiền bạc và quản lý tiền bạc hiệu quả ngày càng tăng cao mà có nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân đã được ra đời.

Trong đó, phải kể đến bộ 3 quyền lực trong các phương pháp này.

3 quy tắc (phương pháp) này vẫn luôn được nhắc đến và được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là những người thành công về mặt tài chính.

Mỗi phương pháp có một thế mạnh và yêu cầu khác nhau để chúng ta có thể tham khảo và chọn lựa phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình.

Cách quản lý tài chính cá nhân theo hướng dẫn của các quy tắc này sẽ được tóm tắt trong hình sau:

top 3 phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả
Top 3 phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

Các Phương Pháp Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Hiệu Quả (Chi Tiết)

Phương Pháp 6 Chiếc Lọ Tài Chính

Phương Pháp 6 Chiếc Lọ Tài Chính
Nội Dung Phương Pháp 6 Chiếc Lọ Tài Chính

Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính đã được T.Harv Eker (doanh nhân, diễn giả nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực đào tạo – nghiên cứu và phát triển tiềm năng con người) giới thiệu trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Bí Mật Tư Duy Triệu Phú”.

Theo phương pháp 6 chiếc lọ tài chính, tổng thu nhập của bạn sẽ được chia thành 6 chiếc lọ như sau:

+ Lọ Số 1 – Nhu Cầu Thiết Yếu (Nec – 55%)

Lọ số 1 – NEC chiếm 55% trong tổng thu nhập của bạn. Ví dụ tổng thu nhập của bạn là 8 triệu đồng, bạn cần trích ra 4 triệu 400 ngàn để vào quỹ NEC.

Bạn sẽ sử dụng số tiền trong chiếc lọ này để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mình như ăn uống, đi lại, mua sắm, chi phí sinh hoạt, vui chơi giải trí,…

– Lọ Số 2 – Đầu Tư Vào Bản Thân (Edu – 10%)

Chiếc lọ thứ 2 được gọi là quỹ giáo dục – EDu, hay Quỹ đầu tư vào bản thân. Quỹ này chiếm 10% tổng thu nhập của bạn.

Với số tiền trong chiếc lọ này, chúng ta sẽ đầu tư vào 4 khoản là: sức khỏe, kiến thức, mối quan hệ và hình ảnh bản thân.

Đây là một trong những quỹ quan trọng nhất vì được đầu tư trực tiếp vào bản thân mình, là khoản đầu tư khôn ngoan và lợi nhuận nhất.

Do đo, chúng ta có thể tăng tỉ lệ của quỹ Edu lên 12, 15% trong tổng thu nhập.

– Lọ Số 3 – Tiết Kiệm Dài Hạn (Lts- 10%)

Chiếc lọ số 3 là quỹ tiết kiệm dài hạn – LTS, chiếm 10% trong tổng thu nhập của chúng ta.

Các chi phí dài hạn như mua nhà, mua xe, đám cưới, sinh con, nghỉ hưu,… sẽ được chi trả bằng quỹ này. Bên cạnh tác dụng chi trả cho các chi phí dài hạn thì quỹ LTS còn là “vị cứu tinh” trong những trường hợp có rủi ro, biến cố như ốm đau bệnh tật, mất mát tài sản…

– Lọ Số 4 – Tự Do Tài Chính (FFA – 10%)

Chiếc lọ số 4 chính là quỹ tự do tài chính, chiếm 10% trong tổng thu nhập của bạn.

Bạn hãy sử dụng số tiền trong quỹ này để góp vốn kinh doanh, đầu tư hay gửi tiết kiệm,…để khiến đồng tiền làm việc cho bạn, từ đó giúp bạn có thu nhập thụ động và bắt đầu con đường tự do tài chính, càng nhiều tiền làm việc cho bạn thì bạn càng tự do.

– Lọ Số 5 – Cho Đi – (Give – 5%)

Chiếc lọ số 5 còn được gọi là quỹ từ thiện, chiếm 5% tổng thu nhập của chúng ta.

Số tiền trong quỹ này sẽ giúp bạn giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong cuộc sống như ủng hộ người nghèo, giúp trẻ em nghèo vượt khó,… hay gần gũi nhất chính là tổ chức sinh nhật, mua quà tặng cho người thân, bạn bè,…

“Cho đi là còn mãi!”. Khi cho đi, thứ chúng ta cho đi không bị mất đi, mà ngược lại mình còn được nhận lại nhiều hơn. Bên cạnh đó, đây còn là sự bồi đắp cho sự giàu có trong tâm hồn của mỗi người.

– Lọ Số 6 – Hưởng Thụ (Play – 10%)

Chiếc lọ số 6 là Quỹ hưởng thụ, chiếm 10% tổng thu nhập của bạn.

Bạn hãy “tiêu sạch” số tiền trong quỹ này để hưởng thụ cuộc sống, để làm những gì mà bạn hằng yêu thích, những gì mà bạn vẫn hay làm để giải tỏa sự mệt mỏi sau những ngày làm việc.

Nếu bạn không tiêu hết số tiền trong quỹ này thì thật tuyệt vời, bạn có thể bỏ số tiền đó vào Quỹ Tự do tài chính hoặc đầu tư cho bản thân.

Phương Pháp Kakeibo Của Người Nhật

Phương pháp Kakeibo (Sổ tay chi tiêu Kakeibo) là một phương pháp quản lý tài chính có nguồn gốc từ Nhật Bản.

“Mẹ đẻ” của phương pháp này là Nhà báo Hani Motoko (1873 – 1957), bà đã phát minh ra phương pháp này vào năm 1904.

So với 6 chiếc lọ tài chính và quy tắc 50/20/30 thì Sổ tay Kakeibo là phương pháp “già” nhất, tính đến nay, Sổ Chi Tiêu kakeibo đã 117 tuổi.

Trong suốt 117 năm qua, phương pháp kakeibo đã giúp rất nhiều người ra quyết định đúng đắn và trở thành “bí kíp” gối đầu giường cho bất kỳ ai muốn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

Phương pháp Kakeibo thường xuất hiện dưới dạng một Sổ tay nhỏ gọn, sẽ tác động trực tiếp đến quá trình tiết kiệm – chi tiêu của chúng ta thông qua 3 phần là:

I. Phần Tác động

Phần này, Sổ tay Kakeibo sẽ giúp chúng ta lên kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu, thường được xác định ở đầu tháng. Bạn hãy thực hiện từng bước như sau:

Bước 1: Xác định Tổng Thu Nhập hàng tháng của bạn.

Bước 2: Bạn hãy liệt kê ra tất cả các Chi Phí Cố Định mà hàng tháng bạn sẽ phải chi trả. Ví dụ như tiền nhà, tiền điện, tiền nước,…

Bước 3: Bạn muốn Tiết Kiệm bao nhiêu tiền Mỗi Tháng? Bạn hãy cất riêng số tiền này bằng cách bỏ ống heo hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng,…Bạn hãy quên nó đi và kiên quyết không sử dụng nó.

Bước 4: Với số tiền còn lại, bạn hãy liệt kê càng chi tiết càng tốt các khoản chi tiêu và phân chia chúng thành 4 phần, tỷ lệ mỗi phần là tùy ở bạn.

– Thiết yếu: Tiền ăn uống, đi lại, quần áo, thuốc lá,…

– Tùy chọn: Tiền điện thoại, tiền cafe, tiền đi nhà hàng,…

– Tinh thần + kiến thức: Mua sách – tài liệu, tạp chí, du lịch, làm từ thiện,…

– Phát sinh: Tiền đám cưới, ma chay, sinh nhật, hội nghị, sửa chữa (sửa xe, sửa nhà, sửa đồ dùng,…), quà tặng,…

Bước 5: Hình dung và lên Kế hoạch cho tương lai: nghỉ hưu, mua nhà, mua xe, đám cưới,… Kế hoạch này sẽ được thực hiện bằng phần tiền mà bạn đã tiết kiệm được qua mỗi tháng.

Bước 6: Xây dựng những Cam kết bạn sẽ làm trong tháng để duy trì thói quen này.

II. Phần Kiểm soát

Nội dung chính của Phần này là phân định rạch ròi đâu là “Nhu cầu thật sự” đâu là “Mong muốn nhất thời” để giúp chúng ta kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu – tiết kiệm của mình. Để thực hiện phần này bạn trả lời những câu hỏi kiểu như:

– Mình có sử dụng vật dụng này thường xuyên không?

– Mình có đủ khả năng chi trả cho thứ này không?

– Có sản phẩm nào khác có thể thay thế cho sản phẩm này không?

– Thử tưởng tượng, nếu bạn mua món hàng này rồi thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Sung sướng, vui tươi hay không có gì khác biệt so với lúc không có nó?

– Thôi, thử đi về, ngày mai quay lại mua cũng được? Nếu hôm sau bạn quên nó rồi thì nghĩa là bạn không thật sự cần nó.

III. Phần Đánh giá

Đến cuối tháng, bạn hãy đối chiếu giữa số tiền bạn dự định chi tiêu với số tiền bạn đã chi tiêu và tính khoản chênh lệch để xem mình tiết kiệm được bao nhiêu tiền (đã loại trừ khoản tiền tiết kiệm ở bước số 3).

Nếu bạn bị âm tiền hoặc chi tiêu vừa đủ thì hãy thử tìm xem có những khoản tiền nào lãng phí, bất hợp lý để điều chỉnh lại vào tháng sau.

Quy Tắc 50/20/30 

quy tắc 50-20-30
Quy Tắc 50/20/30

Quy tắc 50/20/30 đã được giới thiệu bởi 2 tác giả là Elizabeth Ann Warren (Thượng nghị sĩ bang Massachusetts nước Mỹ) và con gái bà là Amelia Warren Tyagi (doanh nhân, nhà quản lý, đồng sáng lập và là CEO của tập đoàn Business Talent).

Quy tắc 50/20/30 không đi sâu vào chi tiết nên là một quy tắc đơn giản, dễ nhớ và dễ áp dụng. Ngoài ra quy tắc này giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về thu nhập và chi tiêu của mình.

Quy tắc 50/20/30 không đòi hỏi tính tỉ mỉ, tính toán nên với những ai ngại tính toán đều có thể vận dụng dễ dàng.

Theo Quy tắc 50/20/30, tổng thu nhập hàng tháng của chúng ta sẽ được chia thành 3 phần:

Nhu cầu thiết yếu: chiếm 50% tổng thu nhập dành cho các nhu cầu cần thiết như tiền ăn uống, tiền nhà, tiền điện, đi lại,…

Chi Tiêu cá nhân: chiếm 30% tổng thu nhập dành cho các hoạt động cá nhân như mua sắm, giải trí, từ thiện, học tập, du lịch,…

Tiết kiệm: chiếm 20% tổng thu nhập để dành cho 2 quỹ chính là quỹ tiết kiệm dự phòng và trả nợ.

Tỷ lệ của mục mua sắm trong phần chi tiêu cá nhân càng (thấp khiến tỷ lệ phần chi tiêu cá nhân càng thấp) tức chúng ta tiết kiệm hơn thì khả năng tài chính trong tương lai của bạn sẽ càng được bảo đảm.

Phần 20% rất quan trọng và đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo khả năng tài chính của bạn trong tương lai. Nên bạn hãy đảm bảo mình sẽ làm 2 việc là:

– Trả hết nợ ở hiện tại

– Các khoản tiền mà bạn tiết kiệm được ở phần Thiết yếu và Chi tiêu cá nhân được đưa hết vào Phần Tiết kiệm.

Tỷ lệ phần Tiết kiệm càng cao và cao hơn so với Phần chi tiêu cá nhân thì khả năng tài chính sau này của bạn càng được đảm bảo.

So Sánh Các Quy Tắc Quản Lý Tài Chính Cá Nhân

Chúng ta đã biết đến các quy tắc quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng. Rõ ràng ràng các phương pháp này được thực hiện theo những công thức khác nhau, có định hướng mục tiêu khác nhau, có cách thức thực hiện khác nhau và đòi hỏi khác nhau với người thực hiện.

Vậy các quy tắc này khác nhau như thế nào, có phù hợp và có giúp chúng ta đặt tới mục tiêu tài chính hay không?

Nội dung dưới đây so sánh sự khác nhau giữa các cách quản lý tài chính cá nhân theo các tiêu chí khác nhau để giúp bạn có cái nhìn tổng quan về các quy tắc này, từ đó chúng ta có thể tìm ra cách quản lý tài chính cá nhân phù hợp với hoàn cảnh của mình.

so sánh các phương pháp quản lý tài chính cá nhân
So sánh các cách quản lý tài chính cá nhân

Chúng ta có thể thấy, ai cũng có thể vận dụng các quy tắc quản lý tài chính cá nhân này, nhưng Quy tắc 6 chiếc lọ sẽ thích hợp hơn với những ai có mong muốn đạt được tự do tài chính, vì quy tắc này ngoài việc tiết kiệm trong dài hạn còn có lọ FFA hướng đến tự do tài chính.

Còn phương pháp Kakeibo và Quy tắc 50/20/30 chú trọng đến cân đối thu chi ở hiện tại và tiết kiệm dài hạn để dự phòng cho tương lai hơn (Trừ khi chúng ta dùng số tiền tiết kiệm để phục vụ mục tiêu tự do tài chính).

Phương pháp sổ tay Kakeibo thì thích hợp hơn với những ai “thích viết lách” theo kiểu truyền thống, có tính cách tỉ mỉ, cẩn thận. Quy tắc 50/20/30 thì thích hợp hơn với những ai yêu thích sự đơn giản, nhanh chóng.

Khi đi sâu vào các quy tắc trên (3 bài viết chi tiết về 3 quy tắc), chúng ta có thể nhận ra 2 phương pháp 6 chiếc lọ tài chính và Quy tắc 50/20/30 sẽ khó áp dụng cho những cá nhân ở nơi có mức sống cao (như các thành phố lớn) nhưng có thu nhập chưa cao. 

Có vẻ như Sổ tay Kakeibo thích hợp với những ai có thu nhập chưa cao, vì việc chia thu nhập ra các phần có tỷ lệ nhất định là khá khó khăn, còn sự theo dõi tỉ mỉ trong 1 cuốn sổ tay thì sẽ dễ dàng hơn.

Bạn có cảm nhận thế nào về các cách quản lý tài chính cá nhân kể trên? Bạn đã lựa chọn được cách quản lý tài chính cá nhân cho mình rồi chứ?

Đừng bỏ lỡ: Kim Tứ Đồ Chỉ Là Vô Nghĩa Nếu Bạn Không Phát Hiện Ra Điều Này!

Kết Luận

Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả có thể không giúp chúng ta giàu có hơn nhưng sẽ là một sự đảm bảo cho khả năng tài chính trong tương lai, và xa hơn còn là một nền tảng vững chắc để chúng ta dần bước trên con đường tự do tài chính.

Hy vọng sau bài viết này, bạn đã biết được Quản lý tài chính cá nhân là gì, Tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân, các quy tắc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả vẫn được ứng dụng rộng rãi. Cuối cùng, bạn đã chọn lựa được cho mình một cách quản lý tài chính cá nhân phù hợp với bản thân mình. Đừng quên chia sẻ điều này bạn nhé!

Chúc bạn thành công!

Photo of author

Kẻ Khù Khờ

"Ta đi theo bóng mặt trời từ hạ tới hay đông dần qua, khi những đam mê còn nồng cháy thì chặng đường đó sẽ không hề xa" - Đen