Quỹ đầu tư là một hình thức đầu tư rất phổ biến trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, hình thức này vẫn còn chưa được biết đến rộng rãi. Sau bài viết này bạn sẽ biết được Quỹ đầu tư là gì, chứng chỉ quỹ đầu tư là gì, Các loại Quỹ đầu tư hiện nay và các lợi ích khi đầu tư vào quỹ ĐT. Cuối cùng, bạn sẽ biết cách làm thế nào để lựa chọn cho mình một công ty quản lý quỹ hiệu quả.
Quỹ Đầu Tư Là Gì?
Quỹ đầu tư là một tập hợp các khoản tiền vốn từ những nhà đầu tư được hình thành từ những việc phát hành các chứng chỉ quỹ đầu tư (chứng chỉ huy động vốn) để đầu tư vào các công cụ trên thị trường tài chính (và bất động sản).
Chứng chỉ quỹ đầu tư là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu và các quyền lợi hợp pháp khác của Nhà ĐT đối với một phần vốn góp trong Quỹ đầu tư.
Chứng chỉ quỹ đầu tư được dùng để làm phương tiện huy động vốn cho một QĐT đại chúng/thành viên.
Các Loại Quỹ Đầu Tư
Tùy theo những tiêu chí phân loại quỹ đầu tư khác nhau, ta có các loại QĐT khác nhau:
– Phân Loại Theo Nguồn Huy Động Vốn
Gồm có 2 loại Quỹ là Quỹ đại chúng (Quỹ ĐT đại chúng – Public Fund) và Quỹ thành viên (Quỹ ĐT thành viên – Member Fund).
Bảng dưới đây nêu ra khái niệm và so sánh sự khác biệt giữa 2 loại QĐT đại chúng và QĐT thành viên.
Đối với Quỹ đại chúng, theo cấu trúc vận động thì quỹ này gồm có 3 loại Quỹ là:
– Quỹ đóng: là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng không được mua lại khi nhà ĐT có nhu cầu bán lại.
– Quỹ mở: là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của NĐT khi Nhà ĐT có nhu cầu bán lại.
– Đơn vị tín thác (ủy thác) đầu tư (Unit Investment Trusts – UITs): là một Quỹ tín thác (Trust) được các nhà tài trợ ký gửi một DMĐT chứng khoán cố định (có thể bao gồm bất động sản), sau đó chia nhỏ thành các đơn vị quỹ (Unit) và cuối cùng là phân phối cho các Nhà ĐT.
– Phân Loại Theo Hình Thức Pháp Lý
QĐT có thể được hình thành và tổ chức dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
Tùy theo Luật pháp của từng quốc gia mà có quy định hình thức pháp lý của QĐT có thể là một hoặc một số hình thức pháp lý trên.
Tuy nhiên, trên thực tế thì thường xuất hiện phổ biến 2 loại quỹ là:
(1) Quỹ đầu tư dạng công ty (Corporate Fund)
Đây là QĐT được hình thành và tổ chức như một công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp của từng quốc gia và có đầy đủ tư cách pháp nhân.
QĐT dạng công ty huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho NĐT. Những Nhà ĐT sở hữu cổ phiếu được gọi là cổ đông, có đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định.
Hội đồng quản trị là cơ quan điều hành cao nhất, do các cổ đông bầu ra, có nhiệm vu quản lý, giám sát mọi hoạt động của quỹ, lựa chọn công ty quản lý quỹ và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác.
Công ty quản lý quỹ được chọn ra sẽ hoạt động với tư cách là một nhà tư vấn đầu tư, có trách nhiệm tìm kiếm cơ hội ĐT, nghiên cứu ĐT, phân tích ĐT, quản lý DMĐT theo mục tiêu và chính sách đã được ban hành.
Tại Việt Nam, QĐT dạng công xuất hiện dưới dạng các Công ty đầu tư chứng khoán.
(2) Quỹ đầu tư dạng hợp đồng (Contractual Fund)
Đây là QĐT có hình thức là một quỹ tín thác ĐT, gồm một khối lượng vốn nhất định do NĐT đóng góp để đầu tư chuyên nghiệp, được thành lập, điều hành hoạt động và giám sát bởi công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát.
Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm chuẩn bị cho việc thành lập quỹ, huy động quỹ, và thực hiện hoạt động ĐT theo mục tiêu và chính sách ĐT được nêu ra trong điều lệ quỹ.
Hợp đồng ủy thác giữa Quỹ ĐT và Công ty quản lý quỹ thể hiện mối quan hệ ủy thác giữa hai bên, trong đó, NĐT góp vốn và ủy thác việc ĐT cho Công ty quản lý quỹ, đây là mô hình tín thác ĐT và không phải là pháp nhân đầy đủ.
Ngân hàng giám sát có trách nhiệm lưu giữ và đảm bảo an toàn cho tài sản của quỹ đồng thời giám sát các hoạt động của Công ty quản lý quỹ nhằm đảm bảo tuân thủ Luật pháp và điều lệ quỹ.
Tại Việt Nam, Quỹ đầu tư dạng hợp đồng xuất hiện dưới dạng các Quỹ ĐT chứng khoán.
Xem thêm: Hợp Đồng Tương Lai Là Gì? Cách Tính Lãi Lỗ Hợp Đồng Tương Lai
– Phân Loại Theo Mục Tiêu Đầu Tư Và Chính Sách Phân Bổ Tài Sản
Theo Mục Tiêu Đầu Tư Và Chính Sách Phân Bổ Tài Sản thì Quỹ ĐT còn được chia thành một số loại như:
– Quỹ Đầu Tư cổ phiếu: là QĐT có phần lớn tài sản được tập trung đầu tư vào cổ phiếu.
– Quỹ ĐT trái phiếu: là quỹ ĐT có phần lớn tài sản được tập trung đầu tư vào trái phiếu.
– Quỹ ĐT tiền tệ: là quỹ ĐT có phần lớn tài sản được tập trung đầu tư vào các công cụ đầu tư ngắn hạn trên thị trường tiền tệ như cho vay, thương phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu kho bạc,…
– Quỹ ĐT hỗn hợp: là quỹ ĐT kết hợp đầu tư các loại tài sản khác nhau cổ phiếu, trái phiếu, công cụ trên thị trường tiền tệ.
– Quỹ ĐT tăng trưởng: là quỹ ĐT tập trung chủ yếu vào việc tìm kiếm sự tăng trưởng của vốn trong trung và dài hạn, các quỹ này chủ yếu tập trung đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao, thu nhập thường xuyên chỉ là thứ yếu.
– Quỹ ĐT thu nhập: là quỹ ĐT tập trung chủ yếu vào việc tìm kiếm thu nhập thường xuyên, các quỹ này chủ yếu tập trung đầu tư vào các công cụ nợ, cổ phiếu ưu đãi,… sự tăng trưởng của vốn chỉ là thứ yếu.
– Quỹ ĐT cân bằng: là quỹ ĐT nhắm đến sự cân bằng của các mục tiêu tăng trưởng, thu nhập và bảo toàn vốn.
Ngoài những Quỹ ĐT trên, trên thị trường còn có một số QĐT đặc biệt như: Quỹ ĐT chỉ số ETF, Quỹ ĐT vốn tư nhân, Quỹ ĐT tín thác bất động sản, Quỹ đầu cơ
Lợi Ích Khi Đầu Tư Vào Quỹ Đầu Tư
– Tiết Kiệm Nhiều Thời Gian Và Công Sức
Đối với một số NĐT chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, đồng thời cũng không có nhiều thời gian để tìm kiếm và phân tích, ra quyết định ĐT thì đầu tư vào QĐT sẽ là một lựa chọn khôn ngoan.
Vì các chuyên gia của quỹ sẽ thực hiện việc tìm kiếm, phân tích thị trường, lựa chọn loại hình đầu tư, theo dõi và kiểm soát quá trình đầu tư,…
Nên nếu so với tự mình đầu tư trên thị trường tài chính thì tham gia vào QĐT giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức nghiên cứu.
– Giảm Thiểu Rủi Ro Nhờ Việc Đa Dạng Hóa Danh Mục Đầu Tư
Phương châm “Không bao giờ bỏ toàn bộ trứng vào một giỏ” đã cho thấy rằng đa dạng hóa danh mục đầu tư là một trong những nguyên tắc đầu tư quan trọng của các nhà đầu tư.
Việc đa dạng hóa giúp tạo lập một danh mục đầu tư ổn định và cân bằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất có sự sụt giảm nghiêm trọng của một số loại chứng khoán trong danh mục.
Đến với các QĐT, đặc biệt là các Quỹ ĐT có quy mô lớn, các Nhà ĐT có cơ hội giảm thiểu rủi ro, đạt được nhiều mục tiêu đầu tư khác nhau và nắm được các cơ hội đầu tư thuận lợi nhờ việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trên các phương diện như: ngành đầu tư, số lượng chứng khoán, loại chứng khoán, thị trường đầu tư,…
– Giảm Chi Phí Hoạt Động
Vì các QĐT thường có quy mô tương đối lớn nên các chi phí như: chi phí quản lý, chi phí thông tin, chi phí nghiên cứu, chi phí giao dịch, chi phí môi giới,… tính trên cùng một số tiền đầu tư thì thấp hơn đáng kể so với các khoản đầu tư nhỏ lẻ.
Do đó, đến với các QĐT thì các Nhà ĐT sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn.
– Quản Lý Chuyên Nghiệp
Lợi ích quan trọng và nổi bật nhất của các QĐT, điều mà các Nhà ĐT nhỏ lẻ không có khả năng làm được chính là sự quản lý chuyên nghiệp.
Các QĐT luôn được quản lý bởi đội ngũ quản lý quỹ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, có bề dày kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng trên thị trường tài chính và hoạt động ĐT tài chính.
Ngoài ra, các QĐT còn có các phương pháp và quy trình đầu tư chuyên nghiệp từ tìm kiếm cơ hội đầu tư, phân tích đánh giá, ra quyết định, quản trị và kiểm soát rủi ro, đồng thời còn nâng cao tính minh bạch thông tin cho quỹ.
– Tăng Tính Thanh Khoản
Vì các chứng chỉ QĐT có tính thanh khoản tốt hơn các công cụ đầu tư riêng lẻ (như cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ, bất động sản, trái phiếu muốn thanh toán trước hạn, vốn cổ phần riêng lẻ,…) nên các Nhà ĐT sẽ có thể nhanh chóng chuyển chứng chỉ quỹ thành tiền mặt bằng cách bán trên thị trường thứ cấp đối với Quỹ đóng và bán lại cho quỹ đối với Quỹ mở mà không tốn nhiều chi phí.
– Tăng Khả Năng Tiếp Cận Các Cơ Hội Đầu Tư
Những Nhà ĐT nhỏ lẻ thường gặp trở ngại lớn chính là quy mô đầu tư, vì họ không đủ khả năng để tham gia vào những thị trường có các khoản ĐT lớn.
Khi đến với QĐT, vốn của các Nhà ĐT nhỏ lẻ sẽ được tập hợp lại thành một QĐT lớn hơn và dễ dàng vượt qua rào cản về quy mô trên thị trường.
Xem thêm: T+3 Chứng Khoán Và Kinh Nghiệm Đầu Tư T3 Hiệu Quả
Kinh Nghiệm Chọn Công Ty Quản Lý Quỹ Đầu Tư Uy Tín
Bên cạnh các công ty quản lý QĐT uy tín và hiệu quả, trên thị trường vẫn tồn tại một số công ty quản lý quỹ không uy tín và hoạt động không hiệu quả dẫn đến làm tổn thất nguồn vốn của các Nhà ĐT.
Do đó, để tránh khỏi tình trạng “tiền mất tật mang”, các NĐT cần “chọn mặt gửi vàng” thông qua các tiêu chí sau:
– Tính rõ ràng, minh bạch về mô hình quản trị rủi ro, cam kết lợi nhuận và hệ thống quản lý.
– Danh mục ĐT được đa dạng hóa với nhiều loại tài sản, nhiều loại chứng khoán của nhiều ngành khác nhau.
– Tính hiệu quả và uy tín của công ty quản lý quỹ trên thị trường, có đội ngũ chuyên gia giàu kỹ năng và kinh nghiệm.
– Uy tín của các tổ chức giám sát như ngân hàng, văn phòng luật,…
– Các quỹ mà công ty đang quản lý hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao hơn lợi nhuận tham chiếu đồng thời đạt được mức lợi nhuận bằng hoặc cao hơn các QĐT cùng loại khác.
– Nhận được nhiều sự ủng hộ và tin tưởng từ các Nhà ĐT trước đó.
– Có đội ngũ nhân viên và các chuyên gia luôn cởi mở và chuyên nghiệp.
– Thường xuyên công bố minh bạch thông tin đến nhà đầu tư, trang web và các tài liệu cung cấp có đầy đủ thông tin về QĐT, tài sản ĐT, danh mục ĐT, báo cáo ĐT,…
Xem thêm: Hướng Dẫn Cách Đọc Bảng Giá Chứng Khoán Dễ Dàng, Nhanh Chóng
Kết Luận
Rõ ràng rằng, QĐT là một hình thức đầu tư hiệu quả, nhưng không phải kênh đầu tư nào cũng phù hợp và công ty quản lý QĐT nào cũng hiệu quả.
Hy vọng rằng, qua bài viết này, bạn đã biết được khái niệm Quỹ đầu tư là gì, chứng chỉ quỹ đầu tư là gì, các loại các Quỹ Đầu Tư, những lợi ích của QĐT và cách chọn cho mình một công ty quản lý quỹ hiệu quả để tối đa lợi nhuận cho mình.
Chúc bạn thành công!