“Quy tắc 50/20/30 trong quản lý tài chính cá nhân được sử dụng như thế nào?” Đây là thắc mắc của hầu hết chúng ta khi nghe đến nguyên tắc quản lý và tiết kiệm tiền rất đơn giản nhưng mạnh mẽ này.
Quy tắc ngân sách này có thể giúp chúng ta quản lý tài chính theo cách đơn giản nhưng hiệu quả. Không những chúng ta tiết kiệm được 1 khoản tiền cho dài hạn, mà còn hơn thế nữa, chúng ta có thể “đào ra vàng” với con số 20 tròn trĩnh kia.
Sau khi nghiền ngẫm những nội dung được nêu ra trong quy tắc tài chính 50/30/20, bạn sẽ sở hữu được 1 phương pháp quản lý tài chính cá nhân rất đơn giản nhưng lại vô cùng mạnh mẽ.
Đặc biệt hơn, nếu bạn là người thích sự đơn giản, dễ dàng khi tính toán với những con số thì quy tắc này dành riêng cho bạn đấy!
Giới Thiệu Quy Tắc 50/20/30?
Quy tắc 50/20/30 là một quy tắc quản lý tài chính khá nổi tiếng.
Quy tắc này đã được giới thiệu trong cuốn sách “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” (Tạm dịch: “Tất cả những thứ bạn cần: Kế hoạch tài chính trọn đời” ) bởi Elizabeth Ann Warren và con gái bà là Amelia Warren Tyagi.
Elizabeth Ann Warren là Thượng nghị sĩ bang Massachusetts nước Mỹ.
Amelia Warren Tyagi là doanh nhân, nhà quản lý, đồng sáng lập và là CEO của tập đoàn Business Talent.
Nội dung Quy tắc 50/20/30
Đây được xem là một quy tắc đơn giản, dễ nhớ, dễ áp dụng.
Đặc biệt là những ai không thích sự tỉ mỉ, tính toán thì vẫn có thể sử dụng quy tắc này một cách dễ dàng.
Quy tắc tài chính 50/20/30 chủ trương rằng, tổng thu nhập hàng tháng của chúng ta sẽ được chia thành 3 phần:
– Nhu cầu thiết yếu: chiếm 50% tổng thu nhập dành cho các nhu cầu như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, chi phí đi lại,…
– Chi Tiêu cá nhân: chiếm 30% tổng thu nhập dành cho các hoạt động cá nhân như mua sắm, giải trí, từ thiện, học tập, du lịch,…
– Tiết kiệm: chiếm 20% tổng thu nhập để dành cho 2 quỹ chính là quỹ tiết kiệm dự phòng và trả nợ.
Vì không đi sâu vào chi tiết như Phương pháp Kakeibo hay Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính, nên quy tắc 50/20/30 vô cùng đơn giản và dễ dàng áp dụng.
Quy tắc ngân sách này giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về mức thu nhập và các khoản chi tiêu của mình.
Qua đó ta có kế hoạch chi tiêu cho từng tháng để bảo đảm khả năng tài chính khi không còn làm việc.
Xem thêm: Review Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 3: Hướng Dẫn Đầu Tư
Cách Vận Dụng Quy Tắc 50/20/30 Trong Quản Lý Tài Chính Cá Nhân
Cách đơn giản và dễ dàng nhất để áp dụng nguyên tắc 50/20/30 là mỗi tháng bạn hãy chia tổng thu nhập của mình thành 3 phần như đã nói với tỷ lệ là 5/2/3.
– 50% Thu Nhập Cho Nhu Cầu Thiết Yếu
Rõ ràng đây là phần mà bắt buộc bạn phải chi tiêu dù muốn hay không.
Phần này gốm các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như ăn, mặc, ở, đi lại, chi phí điện nước,…
50% cho nhu cầu thiết yếu là con số khá lớn đối với những ai đã từng có thói quen “thắt lưng buộc bụng”.
Đồng thời cũng khá nhỏ đối với những ai thường có thói quen chi tiêu “quá tay” hoặc có thu nhập tốt.
Nhưng nhìn chung đây là con số khá hợp lý vì nó đại diện cho số tiền chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của hầu hết mọi người.
Phần này quy định rằng mức chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu không được vượt quá 50% tổng thu nhập.
Nếu bạn có mức chi tiêu thiết yếu thấp hơn nhiều so với 50% thu nhập thì hãy “nới lỏng” ra một chút để cuộc sống được đầy đủ, thoải mái hơn.
Ví dụ như sắm một chiếc xe mới, dọn đến nơi ở rộng rãi hơn, ăn uống đầy đủ hơn,…
Nếu không may bạn có mức chi tiêu thiết yếu vượt xa 50% thì hãy tìm cách giảm chúng xuống
Một số cách bạn có thể áp dụng như sử dụng phương tiện công cộng, tiết kiệm điện – nước, ăn uống tại nhà thay vì đi nhà hàng, mua sắm ở những cửa hàng tạp hóa rẻ hơn, sử dụng gas ở cửa hàng có ưu đãi,…
– 30% Thu Nhập Cho Chi Phí Cá Nhân
Sẽ thế nào nếu cuộc sống của chúng ta không có những hoạt động mang tính nhu cầu cá nhân như mua sắm (vật dụng cá nhân, trang sức,…), giải trí, đi chơi, học tập, gặp gỡ bạn bè, du lịch,…?
Chắc chắn là điều này không thể xảy ra rồi, vì chúng ta cần chúng.
Nhưng thường thì chính mục này lại gây ảnh hưởng đến khả năng tài chính của chúng ta trong tương lai.
Đặc biệt là mục mua sắm!
Đôi khi chỉ vì cảm thấy hứng thú nhất thời hoặc có mong muốn thoáng qua mà chúng ta sẵn sàng chi tiền cho những món đồ xa xỉ không thật sự cần thiết.
Chính những mặt hàng xa xỉ này – do chúng ta không thật sự cần chúng, hoặc ta sử dụng “một lần rồi thôi” – là tác nhân chính khiến cho tỷ lệ phần Chi phí cá nhân tăng cao.
Phần này quy định rằng Chi phí cá nhân không nên vượt quá con số 30%. Nếu bạn có mức chi tiêu cá nhân vươt qua 30% thì bình tĩnh suy xét lại xem mình thường tiêu tiền cho những gì? Những thứ đó có thật sự cần thiết hay không? Mình có cách gì thay thế hay có thể sử dụng thứ gì khác với giá cả hợp lý hơn không?…
Từ đó bạn tìm cách để giảm tỷ lệ phần này xuống.
Tỷ lệ của phần này càng thấp và càng gần với tỷ lệ của Phần thu nhập được tiết kiệm thì khả năng tài chính trong tương lai của bạn càng được bảo đảm.
– 20% Thu Nhập Cho Tiết Kiệm
Bạn sẽ dành 20% tổng thu nhập của mình để xây dựng nên một quỹ tiết kiệm dự phòng cho tương lai và chi trả các khoản nợ ở hiện tại.
Trước khi trở nên giàu có hơn thì chúng ta nên “quét sạch” các kiểu nợ nần! Do đó, trả nợ là một mục không thể thiếu trong phần này.
Bạn có thể sử dụng số tiền ở đây để chi trả cho dư nợ thẻ tín dụng, trả nợ vay ngân hàng, trả nợ bạn bè,…
Phần tiết kiệm còn lại sẽ là một quỹ dự phòng tài chính cho bạn khi có rủi ro, khi bạn nghỉ hưu, hoặc khi bạn muốn thực hiện kế hoạch nào đó trong tương lai.
Phần này rất quan trọng và đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo khả năng tài chính của bạn trong tương lai.
Vì vậy bạn hãy đảm bảo 2 việc là:
– Trả hết nợ ở hiện tại
– Các khoản tiền mà bạn tiết kiệm được ở phần Thiết yếu và Chi tiêu cá nhân được đưa hết vào Phần Tiết kiệm.
Tỷ lệ phần Tiết kiệm này càng cao và cao hơn so với Phần chi tiêu cá nhân thì khả năng tài chính sau này của bạn càng được đảm bảo.
Xem thêm: Tài Sản Và Tiêu Sản Là Gì? Sự Khác Nhau Giữa Tài Sản Và Tiêu Sản
Quy Tắc 50-20-30 Mở Rộng
Về cơ bản, để áp dụng quy tắc này, chúng ta chỉ viêc chia tổng thu nhập thành 3 phần là Thiết yếu (50%), Chi cá nhân (30%) và Tiết kiệm (20%). Nhưng trên thực tế khi vận dụng quy tắc này thì chúng ta hay bắt gặp một số câu hỏi kiểu như:
– Tỷ lệ 50/20/30 có phải là luôn đúng? Có thể thay đổi tỷ lệ này không?
– Có thể tìm kiếm lợi nhuận bằng quy tắc này không?
– Làm thế nào để tìm lợi nhuận từ 20% thu nhập?
Ở phần này chúng ta sẽ tìm hiểu một số “chiêu trò” để nâng cao hiệu quả khi vận dụng quy tắc 50/20/30.
– Tinh Thần Cốt Lõi Của Quy Tắc 50/20/30
Cuộc sống vốn không có gì là tuyệt đối cả, tỷ lệ 50/20/30 cũng không nằm ngoài điều đó.
Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh sống, khả năng tài chính và mục tiêu tài chính của mình mà mỗi cá nhân có thể tùy biến tỷ lệ 50/20/30 thành 55/25/20, 50/25/25, 40/30/30 hoặc 50/10/40, v.v…
Tình thần cốt lõi của quy tắc tài chính 50/20/30 chính là chúng ta giảm thiểu những khoản chi không thật sự cần thiết trong phần Thiêt yếu và phần Chi tiêu cá nhân, đồng thời tập trung gia tăng tỷ lệ cho phần Tiết kiệm – Đầu tư
Dù biến đổi thế nào đi nữa, bạn hãy đảm bảo rằng:
– Tỷ lệ phần Thiết yếu và đặc biệt là phần Chi tiêu cá nhân (mua sắm không cần thiết, chơi bời quá nhiều, rượu bia – thuốc lá,…) là thấp nhất có thể
– Tăng tỷ lệ phần Tiết kiệm để đầu tư.
Tỷ lệ được xem là lý tưởng là khi bạn kiểm soát được phần Thiết yếu không vượt quá 50%, phần Chi tiêu cá nhân không vượt 30% và phần Tiết kiệm – Đầu tư trên 20%.
– Cách Phân Phối Con Số 20% Hiệu Quả
Bạn thử tưởng tượng xem, giả sử hiện tại bạn nợ rất ít hoặc không có nợ và toàn bộ 20% thu nhập bạn bỏ ống heo để tiết kiệm,
Vậy tại sao chúng ta không dùng 20% thu nhập này để sinh lợi nhuận hơn nữa?
Chúng ta có thể chia 20% này thành các phần như Tiết kiệm, Quỹ dự phòng hưu trí và Trả nợ.
Nhưng dù chúng ta không nợ hay trả hết nợ thì số tiền còn lại cũng chưa đủ khả năng để giúp chúng ta giàu có hơn.
Có chăng là chỉ giúp chúng ta đối mặt với một số rủi ro về tài chính trong cuộc sống.
Vì giàu có không đến từ tiết kiệm mà đến từ sự sinh sôi nảy nở của đồng tiền, và hơn hết, mục đích của tiết kiệm là để đầu tư.
Cho nên chúng ta có thể sử dụng Một phần hoặc toàn bộ số tiền 20% thu nhập này để đi đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.
Một số cách mà bạn có thể sử dụng để sinh lợi nhuận từ số tiền này như là:
– Gửi tiết kiệm ngân hàng (an toàn và chắc chắn)
– Đầu tư tài chính – có rủi ro nhưng lợi nhuận cao (Cổ phiếu, trái phiếu,…)
– Mua Bảo hiểm nhân thọ (vừa được bảo vệ vừa có cơ hội đầu tư)
– Làm chủ một nhà hàng/cafe nhỏ hay đầu tư buôn bán một mặt hàng nào đó,…
Đừng bỏ lỡ: Kim Tứ Đồ Chỉ Là Vô Nghĩa Nếu Bạn Không Phát Hiện Ra Điều Này!
4 Lưu ý “Vàng” Khi Áp Dụng Quy Tắc 50/30/20
– Điều quan trọng mà bất kỳ phương pháp nào cũng cần có chính là tính kỷ luật.
Bạn hãy đảm bảo rằng mình kiên trì theo đuổi quy tắc này bằng cách thực hành thói quen tiết kiệm đều đặn. Với phần tiền đã tiết kiệm thì bạn hãy “thà chết chứ không đụng tới”.
– Tuyệt đối không nên “Chi tiêu trước – Tiết kiệm sau” mà bạn hãy “Tiết kiệm trước – Chi tiêu sau”.
Bạn có thể chia đồng thời 3 phần hoặc phân chia theo thứ tự ưu tiên là Phần thiết yếu trước, rồi đến phần Tiết Kiệm và cuối cùng là Chi tiêu cá nhân.
– Không phải bất cứ ai với bất kỳ khoản thu nhập nào cũng thích hợp với Quy tắc ngân sách 50/20/30.
Vì giả sử mức thu nhập thấp mà chi phí Thiết yếu vốn đã cao (như sống ở TP lớn,…) thì sẽ khó khăn để tiết kiệm 20% thu nhập. Vì vậy, bạn hãy cố gắng để linh động vận dụng.
Đồng thời tham khảo một số phương pháp khác như phương pháp Kakeibo, phương pháp 6 chiếc lọ tài chính,… để chọn cho mình phương pháp quản lý ngân sách phù hợp nhất.
– Quy tắc này không khuyến khích bạn tăng tỷ lệ chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu và nhu cầu cá nhân khi thu nhập của bạn tăng.
Tất nhiên bạn có thể tăng vì đó là quyền cá nhân của bạn. Nhưng vì mục tiêu tài chính trong tương lai, bạn hãy linh hoạt và tranh thủ tiết kiệm để đầu tư.
Xem thêm: Lãi Kép Là Gì? Công Thức Tính Lãi Kép Và Quy Tắc 72 (Chi Tiết)
Kết Luận
Quy tắc 50/20/30 đã trở thành một phương pháp quản lý ngân sách hữu hiệu nhờ những nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả của mình.
Để bảo đảm cho cuộc sống được thoải mái, chúng ta không nên quá cứng nhắc khi cố đè nén bản thân phải từ bỏ một số “thú vui” của mình trong phần Chi tiêu cá nhân.
Hi vọng sau bài viết này, bạn đã biết được quy tắc 50/20/30 trong quản lý tài chính cá nhân được vận dụng như thế nào để đạt hiệu quả.
Và đừng quên chia sẻ nguyên tắc này với người thân, bạn bè của chúng ta bạn nhé!
Chúc bạn thành công!