Home » Review Sách Hay » Review Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 7: Ai Đã Lấy Tiền Của Tôi?

Review Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 7: Ai Đã Lấy Tiền Của Tôi?

vay tiền avay

Sách Dạy con làm giàu tập 7 bắt đầu bằng câu hỏi: “Ai đã lấy tiền của tôi?” để bàn về vấn đề chọn lựa quyết định đầu tư của chúng ta. Bài viết sau sẽ review và tóm tắt nội dung cuốn Dạy con làm giàu tập 7 để làm rõ 02 quyết định đầu tư là trao tiền của mình cho người khác và tự mình làm chủ.

Giới Thiệu Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 7

Sách Dạy con làm giàu tập 7 có tên là: “Ai Đã Lấy Tiền Của Tôi?” – Tiếng Anh: Who took my money?

Sách gồm có 15 chương được chia thành 2 phần. Trong lần này, tác giả Sharon Lechter sẽ nói nhiều hơn bên cạnh Robert Kiyosaki.

Nội dung chính của cuốn sách là bàn về Trò chơi tiền bạc và việc bạn đưa ra quyết định giữa 2 lựa chọn. Một là bạn giao tiền cho người khác để họ “chơi” thay bạn, và Hai, là bạn tự kiểm soát và làm chủ tương lai tài chính của chính mình.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đưa ra nhiều lựa chọn đầu tư để bạn có thể đánh giá và lựa chọn cho mình.

Xem thêm:  Review Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 6: Những Câu Chuyện Thành Công

Sách Này Dành Cho Ai?

Sách Dạy con làm giàu tập 7 được viết cho những ai muốn kiểm soát tiền bạc của mình, muốn làm ra nhiều tiền hơn và quan trọng hơn là dám thách thức bản thân làm những việc mà thường thì người khác cho là khó khăn, phức tạp.

Dù bạn muốn kiểm soát tiền bạc và có nhiều tiền hơn, nhưng nếu bạn muốn có những câu trả lời hay những cách làm đơn giản, dễ dàng để giàu có nhanh chóng – những cách mà hầu như ai cũng biết, ai cũng có thể làm – thì cuốn sách này sẽ không dành cho bạn.

Những câu trả lời, những cách làm đơn giản mà ai cũng biết sẽ có kiểu như: “Hãy tiết kiệm, hãy cắt giảm số lượng thẻ tín dụng, hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư để tránh mọi rủi ro,…”

Những cách làm trên là sự đơn giản tối đa, là điều là ai cũng biết, nhưng chúng không giúp chúng ta giàu lên bao nhiêu.

Nếu bạn không tìm kiếm những cách làm như trên và bạn muốn có điều khác biệt thì hãy đọc sách Dạy con làm giàu tập 7.

Thông Tin Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 7

Nhà phát hành Nhà Xuất Bản Trẻ
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Trẻ
Tác giả Robert Kiyosaki, Sharon Lechter
Dịch giả Nguyễn Minh Thiên Kim
Kích thước 20 x 14 cm
Số trang 313
Hình thức bìa Bìa mềm
Loại sách Kỹ năng Tài chính – Kinh doanh
review sách dạy con làm giàu tập 7
Review sách dạy con làm giàu tập 7

Địa Chỉ Mua Sách Tin Cậy

 

Tóm Tắt Nội Dung Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 7

Dạy con làm giàu tập 7 gồm có 2 phần là:

Phần 1: Tôi Nên Đầu Tư Vào Cái Gì?

Phần 2: Hãy Hỏi Một Nhà Đầu Tư

Phần 1: Tôi Nên Đầu Tư Vào Cái Gì?

Trước tiên, 2 tác giả sẽ chia sẻ với bạn Biểu đồ thể hiện sự khác biệt trong việc đầu tư của 2 phía trên Kim tứ đồ, từ đó góp phần giải thích tại sao người giàu ngày càng giàu.

review sách dạy con làm giàu tập 7
Dạy con làm giàu tập 7 – Tại sao người giàu ngày càng giàu

Sau đó, bạn sẽ thấy cách mà tác giả đã “bị lừa” bởi một “chuyên gia tài chính”, bạn sẽ học được một bài học về sự kiên nhẫn để trở thành một nhà đầu tư thực sự, bên cạnh đó là không nên tùy tiện đưa tiền cho một người “xa lạ” để đầu tư vào những nơi mình không hiểu.

Cuối cùng, bạn sẽ học cách đặt những câu hỏi để kiểm soát quyết định tài chính của mình. Phân biệt một lời rao hàng và một lời khuyên tốt trước khi đưa ra quyết định đầu tư nào đó.

Tiếp theo, bạn sẽ theo chân Người cha giàu và tác giả để đi đến một Trang trại nuôi bò. Người cha giàu sẽ chỉ cho bạn thấy sự khác biệt giữa nuôi bò thịt và nuôi bò sữa. Khác biệt giữa đầu tư vì lãi vốn và đầu tư cho dòng lưu kim.

*Spoil:

Dòng lưu kim chính là những dòng tiền, dòng thu nhập chảy vào túi ta.

Việc nuôi bò thịt là việc chúng ta nuôi bò cho thật mập mạp rồi mang đi “hóa kiếp” hoặc bán đi một lần. Sau đó chúng ta bắt đầu nuôi những con bò mới. Việc này được ví như đầu tư vì lãi vốn. Tức đầu tư và hưởng lợi nhuận từ vốn một lần.

Còn việc nuôi bò vắt sữa là chúng ta nuôi bò trong khoảng thời gian khá dài và vắt sữa đem đi bán để có những dòng tiền nhất định và liên tục. Việc này được ví như cách đầu tư vào tài sản để có những dòng tiền chảy vào túi ta trong những khoảng thời gian nhất định (bạn có thể gọi là chu kỳ).

Từ ví dụ trên cùng sự giải thích của Người cha giàu, bạn sẽ phân biệt được ai là nhà đầu tư vì lãi vốn hay ai là nhà đầu tư vì dòng lưu kim. Lợi và hại giữa 2 cách đầu tư này. Tại sao không có nhiều người đầu tư cho dòng lưu kim mà chỉ đầu tư vì lãi vốn.

Từ đó bạn sẽ hiểu chúng ta nên sở hữu tài sản để tài sản đó sinh ra dòng tiền chứ không phải là bán tài sản đó. Tất nhiên bạn có thể làm như vậy nếu bán được giá và kiếm lời, nhưng bạn chỉ làm như vậy một lần cho một loại tài sản, và để bán nhiều thì bạn cần nhiều tài sản.

Còn đối với đầu tư dòng tiền, bạn chỉ cần một số ít tài sản và những tài sản đó sinh ra dòng tiền đều đặn cho bạn.

Mức lương hàng tháng chúng ta nhận được cũng được xem là một dòng tiền, nhưng dòng tiền này có nguồn gốc từ sức lao động, khi chúng ta không còn sức lao động nữa thì chúng ta không thể có tiền.

Mục đích của chúng ta là đầu tư vào loại tài sản giúp chúng ta có dòng tiền chảy vào túi mỗi một tháng (hay một khoảng thời gian nhất định) mà không cần bỏ sức lao động nhiều.

Xem thêm: Review Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 3: Hướng Dẫn Đầu Tư

Phần 2: Hãy Hỏi Một Nhà Đầu Tư

tóm tắt sách dạy con làm giàu tập 7
Tóm tắt sách dạy con làm giàu tập 7

Một nhà đầu tư được xem là quyền lực (hay có sức mạnh tài chính vững vàng) khi người ấy đầu tư vào ít nhất 2 loại trong 3 loại tài sản là Doanh nghiệp, Bất động sản và Tài sản dưới dạng giấy tờ.

Trong chương đầu tiên của phần 2, tác giả sẽ chỉ ra cho bạn 4 lý do mà nhiều người là nhà đầu tư nghiệp dư chứ không thể trở thành nhà đầu tư quyền lực. 04 lý do này có quan hệ liên kết với nhau, cụ thể như sau:

Lý do thứ nhất:Tôi không thể”.

Vì chúng ta thiếu hiểu biết về tài chính, vì chúng ta sợ hãi không dám bước ra khỏi vùng an toàn, vì chúng ta không dám thách thức bản thân, có thể vì chúng ta đã quá quen thuộc với “tình cảnh thiếu thốn” hiện tại, hoặc chúng ta thiếu ý chí, hoặc chúng ta không được chỉ dạy về sự tự tin,… tất cả những lý do này khiến chúng ta nói “Tôi không thể”.

Vì nói “không thể” nên chúng ta không phải làm. Nói “không thể” sau đó ngồi nhìn người khác làm thì dễ dàng và thoải mái hơn là nói “có thể” và xắn tay áo lên làm.

Do đó, chúng ta không thể có thành tựu của những người nói “có thể” và tìm cách thực hiện điều đó.

Lý do thứ 2: Tìm đến những kỹ thuật đầu tư dễ dàng.

Vì chúng ta nói “không thể” và không muốn làm (lười biếng) nhưng chúng ta vẫn muốn giàu có nên chúng ta tìm đến những kỹ thuật đầu tư dễ dàng.

“Dễ dàng” là điều mà tất cả mọi người đều muốn, tuy nhiên, đây lại là điều mà những ai nói “tôi không thể” tìm đến đầu tiên và ưu tiên hơn cả.

Họ tin và mong muốn vào sự giàu có dễ dàng, nhanh chóng.

Ngược lại, những người nói “có thể”, họ biết rằng mình phải tìm cách để đạt được và phải cố gắng có sự hiểu biết trước khi bỏ tiền xuống đầu tư. Vì giàu có thì không khó nhưng chắc chắn là không dễ dàng gì.

Lý do thứ 3: Vướng vào những món nợ xấu.

Vì chúng ta ham thích sự dễ dàng và có tâm lý hưởng thụ, cho nên dễ sa vào những khoản nợ xấu. Nợ xấu là những khoản nợ lấy tiền từ trong túi ra, còn nợ tốt là khoản nợ bỏ tiền vào túi ta.

Chúng ta mua một căn nhà xa hoa để hưởng thụ thì dễ dàng hơn là “lục lọi” cả thành phố để tìm ra căn nhà tiềm năng để đầu tư. Việc cà thẻ tín dụng khiến chúng ta thích thú hơn là thực hiện kỷ luật các biện pháp quản lý tài chính.

Lý do thứ 4: Tin theo những lời hứa hẹn đầu tư mà không có bảo đảm gì cả.

Vì chúng ta thích sự dễ dàng nhanh chóng và không tin mình có thể kiểm soát được tài chính, cho nên chúng ta đưa tiền của mình cho những người “xa lạ” không thực sự quen biết chỉ sau vào ba câu chào mời và hứa hẹn một tỷ suất lợi nhuận cao chót vót trong tương lai xa xôi không rõ ràng.

Bên cạnh đó là không có sự bảo đảm nào liên quan đến việc bảo toàn vốn hay sinh lời bao nhiêu sau bao lâu.

Ngược lại, những nhà đầu tư lão luyện họ chịu khó và cần mẫn tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật đầu tư và có kế hoạch đầu tư cụ thể.

Nếu có “đưa tiền cho ai khác đầu tư thay” thì họ cũng tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đổ tiền vào.

Bên cạnh đó, họ còn đòi hỏi một sự bảo đảm, rằng sau bao lâu thì thu hồi vốn hoặc sau bao lâu thì có dòng tiền đầu tiên về túi,…

Sau khi bạn thấy rõ 04 lý do này, tác giả sẽ chia sẻ với bạn Sức mạnh của một nhà đầu tư quyền lực, phân biệt sự khác nhau giữa Đánh bạc hay Đầu tư và đưa cho bạn những lời khuyên tốt để kiểm soát 04 lý do trên trong chiến lược đầu tư của mình.

Cuối cùng, tác giả sẽ chia sẻ với bạn 07 cách để tìm được những khoản đầu tư tuyệt vời cho dù thị trường là “nóng” hay “nguội”.

Đừng Bỏ Lỡ: 

Review Sách Dạy Con Làm Giàu Tập 5: Nghỉ Hưu Sớm, Nghỉ Hưu Giàu

Review Sách 13 Nguyên Tắc Nghĩ Giàu Và Làm Giàu (Napoleon Hill)

Cảm Nhận, Đánh Giá Dạy Con Làm Giàu Tập 7

Tại sao chúng ta lại ngồi ngơ ngác và tự phải hỏi: “Ai đã lấy tiền của tôi?” mà chúng ta không hỏi: “Mình đã lấy tiền của những ai?”

Sách Dạy con làm giàu tập 7 sẽ giúp bạn trở thành một người hỏi câu hỏi: “Tôi đã lấy tiền của những ai?”.

Bằng lối kể chuyện sinh động và ví dụ trực quan, Sách Dạy con làm giàu tập 7 đã chỉ ra sự khác nhau trong việc đầu tư giữa nhóm L, T với nhóm C, Đ trên Kim tứ đồ; Sự khác nhau giữa những nhà đầu tư bình thường và nhà đầu tư chuyên nghiệp; một số góc nhìn khác về đầu tư khi chúng ta đặt địa vị mình vào Người bán, Nhà tư vấn, Nhân viên Ngân hàng,…

Từ đó giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới tiền bạc nói chung và mảnh ghép đầu tư nói riêng, qua đó rút ra những kinh nghiệm cho mình.

Hơn thế nữa, cả 2 tác giả còn chia sẻ 04 lý do kìm hãm chúng ta cứ dậm chân tại vị trí của một nhà đầu tư nghiệp dư và chỉ ra hướng dẫn để chúng ta vượt qua những rào cản đó.

Cuối cùng là những lời khuyên quý giá và 07 cách để tìm những khoản đầu tư tuyệt vời trên thị trường.

Có một điều mà tác giả nói rất đúng đó là lý do số 4, chúng ta thích sự dễ dàng và tin theo những lời mời gọi đầu tư “xa xôi, viển vông” và không có bảo đảm, nếu không muốn nói là lừa gạt.

Điều này rất dễ nhận ra trên thị trường, khi mà có nhiều lời mời gọi đầu tư với mức lợi nhuận “khổng lồ” hàng năm. Sau đó tiền của chúng ta có thể không cánh mà bay.

Nếu bắt gặp những dự án đầu tư như vậy thì chúng ta nên thận trọng xem xét kỹ trước khi xuống tiền.

Tất nhiên đây chỉ là nhận định chủ quan của người viết, bạn hãy đọc sách Dạy con làm giàu tập 7 với tâm thái cởi mở, thoải mái nhất để rút ra nhận xét riêng cho mình và vận dụng kinh nghiệm trong sách theo cách phù hợp với hoàn cảnh của mình nhé.

Thân ái!

Photo of author

Kẻ Khù Khờ

"Ta đi theo bóng mặt trời từ hạ tới hay đông dần qua, khi những đam mê còn nồng cháy thì chặng đường đó sẽ không hề xa" - Đen