Tài sản và tiêu sản là 2 mặt khác nhau của đồng tiền, là tài sản thì sẽ sinh ra tiền, tiêu sản sẽ làm tiêu hao tiền bạc. Việc phân biệt sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản sẽ là bước đầu tiên giúp chúng ta trở nên giàu có hơn và đạt được tự do tài chính. Sau khi đọc bài viết bạn sẽ biết được: Khái niệm Tài sản và Tiêu sản là gì? Phân biệt sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản? Tài Sản và Tiêu sản đã tạo nên giàu nghèo như thế nào? 3 việc cần làm để tích lũy nhiều tài sản, biến tiêu sản thành tài sản và cuối cùng là trả lời câu hỏi “Trong cuộc sống liệu có thể có tài sản mà không có tiêu sản được không?”
Tài Sản Và Tiêu Sản Là Gì?
“Làm Thế Nào Để Trở Nên Giàu Có Hơn?”, đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta đều tự hỏi khi phải bước ra ngoài đi kiếm tiền.
Trong đời sống và các hoạt động kinh tế, chúng ta vẫn thường đối mặt với vấn đề đó, chúng ta luôn tìm cách là làm sao để tối đa nguồn thu nhập và các giá trị lợi ích có thể chuyển hóa thành giá trị của cải khác, bên cạnh đó là tối thiểu chi phí, giảm đi các khoản tiền phải trả.
Ví dụ như khi đi mua xe, khi đứng trước những chiếc xe có giá cả tương đương nhau, ta sẽ tìm hiểu và chọn mua những chiếc xe nào đẹp hơn, thời thượng hơn, chất lượng công nghệ tốt hơn và ít hao nhiên liệu hơn, cũng như là bền hơn.
Bằng cách đó, chúng ta sẽ hạn chế được các chi phí xăng dầu, chi phí sửa chữa hay chi phí đổi xe mới.
Chính việc cân nhắc và chọn lựa những giá trị đó giúp ta tối đa hóa các giá trị lợi ích và giảm thiểu các khoản chi phí, phần chênh lệch dôi ra là phần giá trị của cải chúng ta tích lũy được, phần đó sẽ góp một phần giúp chúng ta trở nên giàu có hơn.
Chúng ta hay cân nhắc và tính toán hầu hết mọi việc trong đời sống như:
– Nên mua loại xe nào để tiết kiệm chi phí?
– Nên mua xe để chạy hay mua xe để cho thuê?
– Nên mua chiếc điện thoại mới hay đi mua cổ phiếu?
– Nên mua chiếc điện thoại nào để tốt và bền?
– Nên mua nhà để ở hay mua nhà để cho thuê?
– Nên “cái này” hay nên “cái kia” ?
Làm thế nào để trở nên giàu có hơn? Bằng cách trả lời câu hỏi này chúng ta dần dần nhận ra hai cực của vấn đề “giàu có hơn”, đó là “phần giá trị giúp ta có thêm các giá trị của cải khác” và “phần giá trị khiến cho ta mất đi các giá trị của cải khác”.
– Phần giá trị giúp ta có thêm các giá trị của cải khác được gọi là Tài Sản
– Phần giá trị khiến ta mất đi các giá trị của cải khác được gọi là Tiêu Sản
Phân Biệt Sự Khác Nhau Giữa Tài Sản Và Tiêu Sản
Việc phân biệt sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì có thể giúp chúng ta biết cách làm thế nào để trở nên giàu có hơn!
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong Tập đầu tiên của Bộ sách “Dạy con Làm Giàu”, Robert Kiyosaki đã nêu lên hai khái niệm này. Ông nhấn mạnh một quan điểm về tài sản và tiêu sản rằng:
“Bạn Phải Biết Sự Khác Nhau Giữa Tài Sản Và Tiêu Sản, Và Để Trở Nên Giàu Có, Bạn Phải Mua Tài Sản”
Vậy chính xác thì Tài sản là gì? Tiêu sản là gì?
Tài sản là những thứ mang lại thu nhập cho bạn, hoặc mang lại thu nhập lớn hơn chi phí phải bỏ ra. Tiêu sản là những thứ không những không mang lại thu nhập mà còn dần dần lấy đi thu nhập của bạn, hoặc là những thứ mang lại thu nhập nhưng thu nhập đó nhỏ hơn số chi phí đã bỏ ra ban đầu.
Ví dụ về tài sản như:
– Các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu… Ban đầu bạn mua chúng, thời gian sau khi giá tăng lên, bạn bán ra lấy lợi nhuận hoặc hưởng cổ tức/lợi tức…
– Bạn mua một mảnh đất được bán ở giai đoạn F1 của một công ty BĐS, sau đó, khi giá đất tăng lên bạn bán ra kiếm lời.
– Bạn mở một quán cafe mới, sau một thời gian, doanh thu từ quán cafe bù đắp được các chi phí đầu tư, chi phí phát sinh và mang lại lợi nhuận cho bạn.
Ví dụ về tiêu sản như:
– Các khoản nợ Vay ngân hàng, nợ Thẻ tín dụng, thuế thu nhập,… mỗi tháng bạn phải trích một phần thu nhập để trả các chi phí đó.
– Bạn mua một ngôi nhà để ở, hàng tháng bạn phải chi trả các khoản như tiền điện, tiền nước, tiền Internet, kể cả tiền sơn sửa trang trí lại ngôi nhà trong các dịp lễ tết,…
– Chiếc xe mà bạn đang đi, hàng tháng bạn sẽ tốn các khoản tiền như tiền xăng, tiền nhớt, tiền rửa xe, tiền sửa chữa, tiền bảo hiểm,…
Tài Sản Và Tiêu Sản Đã Tạo Nên Giàu Và Nghèo Như Thế Nào?
Hãy thử tưởng tượng, bạn có “một vé để trở về tuổi thơ”, bạn tìm đến sân chơi quen thuộc và chơi trò chơi bấp bênh với lũ bạn.
Trong đám bạn của bạn có người cậu bé rất to con mập mạp, chắc cỡ gần một tạ, đến nỗi khi cậu bé ấy ngồi vào đầu bấp bênh bên này thì do cậu quá nặng đã đánh bật bạn văng ra khỏi cái bấp bênh, một mình cậu bé ấy ngự trị trên một đầu của trò chơi bấp bênh!
Từ đó, bạn quyết chí tăng cân!
Câu Chuyện Trên Chính Là Một Trong Những Bí Mật Của Sự Giàu Có!
Những người trong thế giới giàu có, họ nắm được sự khác biệt giữa Tài sản và Tiêu sản nên họ luôn luôn tìm cách gia tăng tích lũy số tài sản của mình và giảm thiểu số tiêu sản họ có.
Họ nắm trong tay rất nhiều tài sản như đất đai, doanh nghiệp, nhà cho thuê, kho xưởng cho thuê, các tài sản tài chính, các phương án đầu tư kinh doanh,…
Đến nỗi số tài sản họ nắm rất nhiều, “nặng hơn nhiều” so với số tiêu sản “nhỏ nhặt”, số tài sản đó có thể “đánh bật số tiêu sản ra khỏi bàn cân”, nên họ trở nên giàu có, đã giàu lại càng giàu hơn.
Những người sống trong khu vực của sự nghèo khó thì họ chưa nắm được sự khác biệt giữa tài sản và Tiêu sản, hoặc họ chưa biết cách làm thế nào để tích lũy nhiều tài sản nên xung quanh họ có rất nhiều hóa đơn phải trả, các khoản vay ngân hàng, nợ thẻ tín dụng,…
Cuối cùng, số lượng tiêu sản lớn hơn, nặng hơn và “đánh bật” các loại tài sản ra khỏi cuộc đời họ, dẫn đến họ nghèo và luôn quanh quẩn quanh vũng bùn nghèo khó.
Xem thêm: Kim Tứ Đồ Chỉ Là Vô Nghĩa Nếu Bạn Không Phát Hiện Ra Điều Này!
Biến Tiêu Sản Thành Tài Sản
Rõ ràng rằng, tài sản và tiêu sản khác nhau ở chỗ là tài sản thì giúp ta kiếm tiền còn tiêu sản thì khiến ta mất tiền.
Và để làm giàu thì chúng ta nên mua nhiều tài sản! Nhưng làm thế nào để biết được một thứ bất kỳ có phải là tài sản hay không?
Để xem xét một thứ là tài sản hay tiêu sản thì phụ thuộc vào việc ta dùng thứ đó như thế nào.
Ví dụ,
Bạn có đủ tiền mua nhà. Nếu bạn mua nhà để ở thì theo thời gian, bạn phải chi trả các khoản phí như tiền điện nước, tiền sơn sửa bảo quản, tiền Internet, tiền Gas, tiền mua sắm đồ dùng trong nhà, tiền hao mòn các tài sản trong nhà,… và không có khoản thu nhập nào từ ngôi nhà ấy.
Lúc này ngôi nhà là tiêu sản của bạn.
Nếu bạn mua nhà để cho thuê thì theo thời gian, số tiền thuê bù đắp chi phí và mang lại lợi nhuận cho bạn. Lúc này ngôi nhà là tài sản của bạn.
Tương tự như Cổ phiếu, nếu giá cổ phiếu tăng, bạn kiếm được lời thì cổ phiếu là tài sản của bạn. Vì lúc này bạn có thể bán kiếm lời hoặc hưởng cổ tức. Nhưng nếu giá cổ phiếu sụt giảm thì bạn sẽ lỗ. Cổ phiếu lại là tiêu sản của bạn.
Chắc bạn sẽ thắc mắc là, làm thế nào để có người thuê nhà của tôi và tôi có thu nhập? Làm thế nào để tôi biết là giá cổ phiếu sẽ tăng? Nếu giá cổ phiếu giảm thì tôi bị lỗ vốn, cổ phiếu đó đâu còn là tài sản của tôi đâu?
Vậy nên, vấn đề ở đây không còn là “Phân biệt tài sản và tiêu sản”, cũng không còn là “Hãy mua tài sản” nữa, mà vấn đề là làm thế nào để biến tiêu sản thành tài sản và biến một thứ bất kỳ thành tài sản, tức là Làm Thế Nào Để “Thứ Đó” Sinh Ra Tiền?
Chính cách chúng ta định hướng sử dụng một thứ nào đó mới quyết định thứ đó là tài sản hay tiêu sản.
Vậy nên, khi sử dụng một “thứ gì đó”, chúng ta nên thử suy nghĩ xem, “mình có thể làm gì để thứ đó trở thành tài sản cho mình”, ví dụ như: cho thuê, đem bán hưởng lợi nhuận, hoặc cho thứ đó tham gia vào quá trình “tạo ra tiền” – như là các loại máy móc, thiết bị sản xuất,…
Trên thực tế, có một số thứ khá khó để biến thành tài sản, ví dụ như xe máy, xe ô tô,…
Nếu bạn có 2 chiếc xe, bạn có thể mang một chiếc đi cho thuê và đi lại bằng một chiếc. Nhưng nếu bạn chỉ có một chiếc thì chiếc xe đó sẽ là tiêu sản của bạn vì bạn phải sử dụng nó để đi lại, bạn vẫn phải trả tiền để “nuôi” nó, như là đổ xăng, thay nhớt, tiền vé xe, tiền sơn sửa,…
Sẽ Thế Nào Nếu Chỉ Có Tài Sản Và Không Có Tiêu Sản ?
Chẳng phải sẽ rất tuyệt vời nếu bây giờ bạn không hề có tiêu sản mà có chỉ toàn là tài sản?
Trong tay bạn nắm giữ vô số tài sản như đất đai, cổ phiếu, trái phiếu, các doanh nghiệp, nhà hàng cafe đông khách, v…v và mỗi ngày mỗi giờ các tài sản đó đều mang về số lượng lớn các khoản lợi nhuận cho bạn.
Nhưng vì bạn không có một chút tiêu sản nào nên bạn không có nhà ở, bạn không sở hữu chiếc xe nào để đi lại, bạn không có laptop, không có điện thoại di động, trong căn nhà bạn thuê không có ti vi, không có bếp gas, không có điện không có nước không có internet, bạn chia tay bạn bè đồng nghiệp vì bạn không tham gia các buổi hội họp tiệc tùng, bạn cũng không trang điểm, không mua sắm quần áo mới, v.v…
Sự thật là tài sản và tiêu sản luôn cùng nhau tồn tại, đó là 2 mặt của cùng một vấn đề.
Tiêu sản làm hao mòn thu nhập của chúng ta, nhưng đổi lại lại giúp chúng ta thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của đời sống.
Bên cạnh đó, một số tiêu sản còn là phương tiện để chúng ta đạt được tài sản.
Ví dụ như laptop giúp chúng ta mua bán cổ phiếu trực tuyến…
Tài sản giúp chúng ta có nguồn thu nhập lớn, nâng cao sức mạnh tài chính nhưng cũng chính một phần tài sản sẽ được chuyển hóa thành tiêu sản để đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình.
Chúng ta không thể sống mà không mặc quần áo, không sở hữu chiếc điện thoại yêu thích, không có nơi ở ổn định, không có các mối quan hệ bạn bè…
Điều quan trọng là chúng ta nên làm thế nào để tích lũy tài sản nhiều hơn tiêu sản để vừa có thể giàu có vừa có thể cân bằng cuộc sống.
4 Việc Cần Làm Để Tích Lũy Gia Tăng Tài Sản?
Tài Sản Lớn Nhất Của Đời Người Là Sức Khỏe Và Trí Tuệ – Đức Phật
Để có thể tích lũy được tài sản thì trước hết chúng ta cần có tài sản, để có được tài sản thì chúng ta cần có “thứ gì đó” có thể sinh ra tiền cho mình.
“Thứ gì đó” ở đây cần có giá trị và có khả năng làm tăng thêm giá trị của cải. Nên chúng ta cần mua “thứ gì đó” và dùng nó để sinh ra thêm tiền cho mình.
Thực chất quá trình trên chính là đầu tư. Chúng ta bỏ tiền ra để mua một thứ có thể sinh thêm tiền cho mình.
(1) Thứ đầu tiên quan trọng nhất bao giờ cũng là Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của chúng ta. Năng lực sức khỏe và trí tuệ của chúng ta là thứ tài sản quý nhất, lớn nhất và không ai có thể lấy đi được.
Nên việc đầu tiên cũng là việc xuyên suốt mà chúng ta phải làm là đầu tư cho việc học hỏi, trau dồi chính bản thân mình.
(2) Thực hiện các phương pháp Quản lý tài chính cá nhân là một việc quan trọng cần làm song song với việc kiếm thu nhập. Một số phương pháp quản lý tài chính hiệu quả như Quy tắc 6 chiếc lọ tài chính, Sổ tay Kakeibo, Quy tắc 50/20/30,…
Bằng cách vận dụng các quy tắc quản lý tài chính, chúng ta sẽ tiết kiệm/tích lũy được một số lượng của cải nhất định và tránh được hoàn cảnh túng thiếu.
(3) Vì giàu có không đến từ tiết kiệm mà đến từ sự sinh sôi nảy nở của đồng tiền, nên việc chúng ta mang tiền đi đầu tư là cách hợp lý cần làm.
Tức là chúng ta mua các loại tài sản có khả năng mang tiền về cho mình, vừa mang tiền về cho bản thân chúng ta, vừa có tác dụng kích cầu cho nền kinh tế.
Một số tài sản có thể kể đến như: tài sản tài chính (như Cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ, trái phiếu…), đất đai, nhà cho thuê, xe cho thuê, kho bãi cho thuê… hoặc chúng ta có thể mở một nhà hàng, quán cafe, thành lập một công ty,…
Để có thể thành công khi mua cổ phiếu, kiếm lợi nhuận từ cho thuê bất động sản, quán cafe đắt hàng, hay điều hành một công ty có lợi nhuận cao,… thì chúng ta cần quay lại việc số 1, tức là đầu tư vào kiến thức, kỹ năng và thái độ của bản thân mình.
(4) Tận dụng Sức mạnh của lãi kép. Chắc hẳn bạn đã nghe đến lãi kép và thấy nhiều người xung quanh ta ca tụng lãi kép như một nguồn sức mạnh thần thánh để giúp chúng ta trở nên giàu có hơn. Điển hình như câu nói của Nhà Vật lý lỗi lạc Albert Einstein (An-be Anh-xtanh).
“Lãi Suất Kép Là Kỳ Quan Thứ 8 Của Thế Giới, Ai Hiểu Và Vận Dụng Nó Thì Sẽ Trở Nên Giàu Có, Ngược Lại Sẽ Phải Trả Giá Cho Nó”
Bên cạnh việc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, việc tận dụng lãi kép cũng là một quyết định sáng suốt và cần thiết để chúng ta gia tăng tài sản.
Thứ Không Phải Tài Sản Và Tiêu Sản!
Đến đây chắc bạn đã hiểu rõ tài sản và tiêu sản là gì cũng như cách tích lũy tài sản cho mình.
Nhưng trong cuộc sống có một số thứ không phải là tài sản cũng không phải là tiêu sản, vì những thứ đó không mang lại lợi nhuận cũng không lấy đi thu nhập của chúng ta.
Một trong những thứ đó chính là Lòng từ thiện.
Khi bạn mua sách vở, quần áo mới, các vật dụng trong nhà, thức ăn nước uống hay đơn giản là bạn ủng hộ bằng tiền mặt cho trẻ em vượt khó, đồng bào bị bão lụt, cho người nghèo khổ, người vô gia cư,… thì số tiền bạn bỏ ra không phải là tài sản hay tiêu sản gì cả.
Vì chẳng ai nói đi làm từ thiện là một khoản đầu tư cũng không ai nói làm từ thiện là một khoản chi phí bị mất đi cả! Đó là tài sản vô hình giúp chúng ta giàu có hơn về mặt tâm hồn và mang lại lợi ích cho xã hội.
Vậy nên, bên cạnh việc tích cực tích lũy tài sản để làm giàu cho bản thân mình, mỗi người chúng ta cũng nên dành một chút thời gian và tài sản trong khả năng của mình để giúp đỡ cộng đồng xã hội.
Đừng bỏ lỡ: Thu Nhập Thụ Động Là Gì? Tạo Thu Nhập Thụ Động Như Thế Nào?
Kết Luận
Đến đây thì chúng ta đã hiểu rõ khái niệm tài sản và tiêu sản là gì, phân biệt sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản, cùng với quan điểm về tài sản và tiêu sản của Robert Kiyosaki. Bên cạnh đó chúng ta cũng biết được một số cách để tích lũy thêm nhiều tài sản hoặc ít nhất là cố gắng biến tiêu sản thành tài sản để giúp mình trở nên giàu có hơn.
Có thể nói, chính việc phân biệt tài sản và tiêu sản cũng như hành động gia tăng tài sản, giảm thiểu việc mua tiêu sản là bước đầu để chúng ta tự do tài chính.
Chúc bạn thành công!