Thẻ tín dụng là một sản phẩm tài chính quen thuộc trong đời sống mang lại nhiều ích lợi cũng như phiền toái. Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết được thẻ tín dụng là gì, các loại loại thẻ tín dụng ở Việt Nam, thẻ tín dụng có lợi ích gì và những ưu điểm, nhược điểm của thẻ tín dụng.
Thẻ Tín Dụng Là Gì?
Thẻ tín dụng (hay Credit Card) là một loại thẻ thanh toán được cấp bởi ngân hàng (hoặc công ty tài chính) có tính năng thanh toán bằng cách sử dụng một số tiền có giới hạn nhất định của ngân hàng (hoặc công ty tài chính) để chi tiêu trước, và hoàn trả lại sau.
“Số tiền có giới hạn nhất định” được gọi là hạn mức thẻ tín dụng. Bạn chỉ có thể sử dụng trong giới hạn này, nếu có thể sử dụng vượt hạn mức thì có tính thêm phí.
Theo đó, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một (hoặc một số) thẻ TD có hạn mức nhất định, ví dụ như 10 triệu, 30 triệu, 100 triệu đồng,… bạn có quyền sử dụng hết số tiền này và trả lại cho ngân hàng vào một “ngày nào đó” được gọi là ngày đến hạn thanh toán.
Thông thường, các ngân hàng có giới hạn số ngày bạn phải trả lại số tiền đã chi tiêu là 45 hoặc 55 hoặc 60 ngày tùy từng ngân hàng và loại thẻ.
Nếu bạn trả lại đầy đủ số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng trong khoảng thời gian đó thì bạn sẽ không bị tính lãi suất (được gọi là 45, 55 hoặc 60 ngày miễn phí lãi suất).
Nếu tới ngày đến hạn thanh toán mà bạn chưa thanh toán đầy đủ thì sẽ bị tính lãi suất và phí phạt.
Ngoài ra, ngân hàng còn có chính sách điều chỉnh tăng hoặc giảm hạn mức TTD của bạn một tỷ lệ phần trăm nhất định, điều này phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng của bạn, mức thu nhập hiện tại và lịch sử của bạn.
Các Loại Thẻ Tín Dụng Ở Việt Nam
Tùy theo tiêu chí phân loại mà có các loại thẻ tín dụng khác nhau ở Việt Nam.
Theo phạm vi sử dụng, có 2 loại thẻ tín dụng
- Thẻ nội địa: là loại thẻ TD có phạm vi sử dụng, thanh toán, chi tiêu đối với các giao dịch trong nước
- Thẻ quốc tế: là loại thẻ TD có phạm vi sử dụng, thanh toán, chi tiêu đối với các giao dịch ở cả trong nước và ngoài nước.
Theo thương hiệu của tổ chức cung cấp, có 5 loại thẻ tín dụng
- Thẻ Visa: do công ty Visa Inc phát hành
- Thẻ Mastercard: do công ty Mastercard Worldwide phát hành
- Thẻ JCB do công ty JCB của Nhật Bản phát hành
- Thẻ American Express: còn gọi là Amex do công ty American Express phát hành.
- Thẻ UP: do công ty China UnionPay phát hành
Theo mục đích sử dụng, có 4 loại thẻ tín dụng
- Thẻ hoàn tiền (Cashback)
Là loại thẻ mà khi thanh toán bạn sẽ được hoàn trả lại một tỷ lệ phần trăm nhất định vào tài khoản của thẻ tính trên giá trị thanh toán của bạn.
Chúng ta có một số thẻ hoàn tiền hấp dẫn hiện nay như: Thẻ tín dụng Citi Cash Back của ngân hàng Citibank, Thẻ Cash Back Step Up của ngân hàng VpBank,…
- Thẻ rút tiền
Là loại thẻ TD có thêm chức năng rút một số tiền mặt nhất định dựa vào hạn mức thẻ TD của bạn. Bạn có thể rút tiền mặt tại các cây ATM bất kỳ. Phí rút tiền mặt này tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng.
- Thẻ tích dặm bay
Thẻ tích dặm là loại thẻ TD quy đổi sang dặm bay khi thanh toán.
Tương ứng với mỗi số tiền bạn thanh toán bằng thẻ, bạn sẽ được tích thưởng một số dặm bay nhất định. Số dặm bay này sẽ được quy đổi ra vé máy bay miễn phí hoặc nâng hạng ghế trên máy bay…Ví dụ như Thẻ tích dặm Citi PremierMiles của ngân hàng Citibank, Thẻ đồng thương hiệu VNA – VPBank,…
- Thẻ tích điểm
Đây là loại thẻ TD mà khi thanh toán đủ một số tiền nhất định bạn sẽ nhận được một điểm, cứ như vậy trong các quá trình thanh toán, đến khi bạn tích đủ số điểm cần thiết thì số điểm này sẽ được quy đổi thành quà tặng bạn. Ví dụ như Thẻ Rewards của ngân hàng Citibank, Thẻ MC2 của ngân hàng VPBank,…
Ngoài ra các ngân hàng có phân loại thẻ theo hạng để thuận lợi cho việc quản lý cũng như cung cấp các lợi ích khác nhau cho từng đối tượng khách hàng.
Theo hạng của thẻ, có 3 loại thẻ tín dụng
- Hạng chuẩn: Thường có hạn mức tín dụng từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng (tùy thuộc chính sách của từng ngân hàng)
- Hạng vàng: Thường có hạn mức tín dụng từ trên 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng (tùy thuộc chính sách của từng ngân hàng)
- Hạng bạch kim: Thường có hạn mức tín dụng từ trên 300 triệu đến hàng tỷ đồng (tùy thuộc chính sách của từng ngân hàng).
Thẻ Tín Dụng Có Lợi Ích Gì?
Chức năng Chi tiêu trước, Trả tiền sau
Chức năng đầu tiên và nổi bật nhất của thẻ TD chính là chức năng Thanh toán với hàm ý là “Chi tiêu trước trả tiền sau”.
Với chức năng này, bạn có thể sử dụng thẻ TD để thanh toán hết sức linh hoạt đối với bất cứ giao dịch nào như thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay…
Sau đó bạn sẽ hoàn trả lại tiền cho ngân hàng khi đến hạn thanh toán theo quy định của ngân hàng.
Chức năng mua hàng trả góp
Bạn có thể mua hàng trả góp và thanh toán hàng tháng bằng thẻ TD. Theo đó, mỗi tháng, ngân hàng sẽ trích tiền từ hạn mức tín dụng của bạn để thanh toán cho cửa hàng mà bạn mua và gửi sao kê về cho bạn.
Việc mua hàng trả góp qua thẻ TD có thể sẽ mất phí chuyển đổi (chuyển từ trả đủ sang trả góp) từ 0% – 5,99% tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng trong những trường hợp cụ thể và thỏa thuận giữa ngân hàng với đơn vị bán hàng.
Thông thường, Trả góp qua thẻ TD sẽ có mức lãi suất thấp hơn nhiều so với trả góp bằng tiền mặt.
Hơn nữa, nếu bạn đã đăng ký tham gia Chương trình trả góp 0% với ngân hàng phát hành thẻ TD của bạn thì bạn sẽ có quyền lợi mua hàng trả góp 0% lãi suất tại các thương hiệu lớn có liên kết với ngân hàng.
Chức năng rút tiền mặt
Vì một lý do nào đó mà đôi khi bạn cần một lượng tiền mặt nhất định, những lúc này bạn có thể rút tiền mặt trực tiếp từ thẻ TD ra để chi tiêu theo nhu cầu của mình.
Vì chức năng chính của thẻ TD không phải là rút tiền mặt và việc rút tiền mặt từ thẻ TD có rủi ro mất vốn cao, nên hầu hết các ngân hàng đều khuyến nghị rằng bạn không nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Tùy theo chính sách và loại thẻ của từng ngân hàng mà bạn có thể rút 50% – 70% hạn mức của mình. Với những thẻ tín dụng được dùng để rút tiền mặt thì hạn mức rút tiền có thể lên đến 90%.
Mức phí rút tiền mặt từ thẻ TD rất cao so với rút từ thẻ ATM, thông thường là từ 100 ngàn đồng đến 4% số tiền rút.
Quan trọng hơn cả là số tiền bạn rút ra sẽ bị tính lãi vay ngay lập tức chứ không được miễn phí lãi suất như các giao dịch mua sắm.
Sử dụng để vay tiêu dùng
Bạn có thể vay tiêu dùng tại một số ngân hàng hoặc công ty tài chính với sản phẩm vay là “vay theo hạn mức thẻ tín dụng”. Nếu TTD của bạn đủ điều kiện vay vốn của một số ngân hàng thì bạn có thể vay theo hình thức này để đảm bảo khả năng tài chính của mình.
Xem thêm: Cách Tính Lãi Suất Thẻ Tín Dụng Và Sự Thật Về Việc “Miễn Lãi 45 Ngày”
Ưu Điểm Và Nhược Điểm Của Thẻ Tín Dụng
Ưu Điểm
Là phương tiện thanh toán tiện lợi, an toàn, tiết kiệm
+ Tiện lợi: Thẻ TD nhỏ gọn, tốn rất ít không gian trong ví, bạn có thể nhanh chóng thanh toán bằng việc cà thẻ thay vì lục ví, đếm tiền…. như cách dùng tiền mặt.
+ An toàn: Nếu bạn bị mất thẻ TD, bạn chỉ cần thông báo với ngân hàng để khóa thẻ bảo vệ số tiền trong thẻ chứ không “ vất vả tìm kiếm” như khi bị mất tiền mặt hay các tài sản khác.
+ Tiết kiệm: Đối với thẻ Cashback hoặc khi bạn tham gia các chương trình hoàn tiền, thẻ TD sẽ giúp bạn tiết kiệm ít nhất 5% trên tổng số tiền giao dịch
Công cụ đảm bảo khả năng tài chính
Trong một dịp “xui xẻo” nào đó, bạn quên mang tiền mặt hoặc lượng tiền mặt của bạn không đủ, hoặc bạn cần thêm tiền mặt đột xuất thì thẻ tín dụng sẽ là “vị cứu tinh” của bạn.
Bạn có thể dùng TTD để thanh toán hoặc rút tiền mặt ra nếu thấy cần thiết.
Công cụ giúp quản lý chi tiêu dễ dàng
Bằng cách theo dõi Bảng sao kê hàng tháng từ ngân hàng, bạn sẽ biết được mình đã chi tiêu cụ thể như thế nào, từ đó có những kế hoạch chi tiêu phù hợp trong tương lai.
Cơ hội để nhận những ưu đãi đặc biệt
Trong hầu hết các trường hợp, đối với cùng một loại hàng hóa – dịch vụ, nếu bạn thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn sẽ được giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, đổi thưởng…
Đó chính là những ưu đãi đặc biệt mà bạn không có khi thanh toán bằng tiền mặt thông thường.
Nhược Điểm
Rủi ro mất thông tin
Đôi khi, lúc bạn đang cầm chiếc thẻ trên tay “cà đi cà lại”, khi bạn thanh toán trực tuyến trên Internet, hoặc do hệ thống bảo mật của cửa hàng bạn thanh toán không đủ mạnh… thì bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị mất thông tin thẻ, những thông tin này có thể “phản bội” lại chính bạn bằng cách lấy tiền của bạn đưa cho người khác mà bạn không hề biết.
Là con dao 2 lưỡi khuyến khích chi tiêu nhiều hơn
Nếu chúng ta chưa kiểm soát được mức độ chi tiêu của bản thân thì đôi khi, thẻ TD vô tình trở thành một trong những “kẻ” khiến chúng ta nhầm lẫn rằng mình có nhu cầu chi tiêu cũng như lầm tưởng về khả năng tài chính thực sự của mình, từ đó chúng ta mạnh tay tiêu xài quá mức cần thiết.
Lãi suất và phí phạt cao
Nếu bạn không thanh toán đây đủ vào hoặc trước Ngày Đến Hạn thì ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất và phí phạt quá hạn rất cao.
Phí rút tiền mặt cao và không được miễn lãi suất
Khác so với rút từ thẻ ATM thông thường, phí rút tiền mặt từ thẻ TD dao động từ 100 ngàn – 4% số tiền rút. Đây là con số rất cao, bên cạnh đó bạn còn bị tính lãi suất kể từ thời điểm rút tiền.
Câu hỏi thường gặp
Có. Bạn có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để sử dụng. Lưu ý là bạn sẽ mất phí và bị tính lãi.
Không. Thẻ tín dụng không thể chuyển khoản được mà chỉ có thể nhận tiền chuyển vào, thanh toán khi mua sắm và rút tiền.
Không. Thẻ tín dụng (Credit Card) là thẻ mà bạn sử dụng tiền của ngân hàng, còn thẻ ATM là thẻ ghi nợ (Debit Card) là thẻ mà bạn sử dụng tiền của chính mình.
Có. Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng để đăng ký vay tiền tại một số tổ chức hỗ trợ vay theo hạn mức thẻ tín dụng.
Không có con số cụ thể. Chỉ cần bạn còn đủ khả năng trả nợ thì bạn có thể mở thêm các thẻ khác.
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng Dẫn Mở Thẻ Tín Dụng VPBank Online Đơn Giản, Nhanh Chóng
- Cách Mở Thẻ Tín Dụng Sacombank Online Rút Tiền Đến 90% Hạn Mức
Kết Luận
Nếu bạn biết cách tận dụng lợi ích của thẻ tín dụng bạn có thể đảm bảo khả năng tài chính của bản thân cũng như có cuộc sống tiện lợi hơn. Ngược lại, nếu bạn không biết cách sử dụng thẻ hợp lý, bạn rất dễ lâm vào nợ nần.
Mong rằng sau bài viết này, bạn đã biết được thẻ tín dụng là gì, các loại thẻ tín dụng ở Việt Nam, thẻ tín dụng có lợi ích gì và những ưu điểm, nhược điểm của thẻ tín dụng để có thể ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống của mình. Chúc bạn thành công!